Hậu dịch Covid-19, Nhật Bản khẩn trương kích cầu du lịch nội địa, tặng luôn voucher 190 USD
Chiến dịch 'Go To Travel' của Nhật Bản nhằm thúc đẩy ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 sẽ được triển khai vào tháng 7 tới với nhiều ưu đãi 'có một không hai' dành cho du khách địa phương.
Khách du lịch đến tham quan lâu đài Osaka ở Nhật Bản. (Nguồn: Shutterstock)
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, doanh thu ngành công nghiệp “không khói” của Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi xứ sở Hoa anh đào phải chứng kiến sự sụt giảm lượng khách du lịch nghiêm trọng trong tháng 4, giảm 99,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Ưu tiên dùng “hàng nội”
Các con số thống kê cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 1964, Nhật Bản có lượng du khách hằng tháng giảm xuống con số dưới 10.000 lượt. Năm 2011, ngành du lịch nước này cũng gặp phải tình trạng tương tự sau thảm họa động đất, sóng thần và nhật nhân Fukushima, với 7,1 triệu lượt du khách đến tham quan, giảm 2,31 triệu lượt so với năm trước. Tuy nhiên, năm 2018, chỉ 7 năm sau thảm họa kép nói trên, lượng du khách đến đất nước Mặt trời mọc đã tăng lên 4 lần, với 31 triệu lượt khách.
Tại cuộc họp báo ngày 29/5, Cơ quan du lịch Nhật Bản đã công bố kế hoạch phân bổ 12,5 tỷ USD cho một chương trình bồi hoàn mới cho ngành du lịch chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Ngành du lịch đã hoan nghênh gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp các công ty vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus, ngay cả khi có những lo ngại về việc liệu quỹ này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ hay mọi người sẽ đi du lịch.
Chi tiết của chiến dịch "Go to Travel" vẫn đang được bàn thảo nhưng Chính phủ Nhật Bản "bật mí" rằng các khoản trợ cấp lên tới 20.000 Yen (tương đương 190 USD) mỗi ngày sẽ được cung cấp thông qua hình thức giảm giá trực tiếp hoặc phiếu giảm giá cho khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông và điểm tham quan nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước.
Trong một bài viết trên trang Twitter ngày 27/5, Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết, mục tiêu của chiến dịch trên là khởi động lại nhịp thở cho ngành du lịch quốc gia, kích thích nhu cầu đi lại trong nước của người dân và chi trả một phần chi phí du lịch nội địa. Để nhận được trợ cấp, khách du lịch phải sử dụng dịch vụ của các công ty du lịch trong nước hoặc ở tại các khách sạn địa phương và nhà trọ kiểu Nhật Bản.
Bà Noriko Takano, Chủ tịch của Freya International Tours có trụ sở tại Fukuoka, rất lạc quan khi cho rằng, người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu đi du lịch trong nước sớm nhất là vào cuối tháng 6 và khách du lịch quốc tế sẽ trở lại đất nước Mặt trời mọc vào tháng 8.
“Tôi tin rằng Chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để thu hút khách du lịch nước ngoài càng nhanh càng tốt, mặc dù tôi biết rằng một số người Nhật phản đối việc mở cửa sớm”, bà Noriko nói.
Trong khi Nhật Bản đã cấm du khách từ nhiều quốc gia, truyền thông địa phương cho biết, Tokyo đang chuyển sang mở cửa cho những du khách đến từ Australia, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam trong những tháng tới.
Chính phủ sẽ cho phép khách du lịch từ 4 quốc gia nói trên đến du lịch Nhật Bản nếu có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong hai lần xét nghiệm riêng biệt được thực hiện ở nước đó và tại xứ Phù tang, báo Asahi đưa tin.
Vẫn còn "rối" và mất cân bằng
Bà Naomi Mano, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty du lịch Luxurique hoan nghênh sự hỗ trợ trên của Chính phủ song bà vẫn còn mơ hồ về cách thức hoạt động và đối tượng được nhắm đến trong chiến dịch này.
“Bất kỳ biện pháp nào mở ra cánh cửa để kích thích mọi người đi du lịch trở lại đều là một bước đi tích cực. Nhưng tôi thấy kế hoạch tài trợ vào lúc này hoàn toàn khó hiểu và tôi không chắc họ đang nhắm mục tiêu vào ai”, Giám đốc Mano cho biết.
Bà Mano phân tích, các gia đình có con nhỏ không có khả năng đi nghỉ trong năm nay, vì công việc chưa ổn định đang đè nặng lên tâm trí của cha mẹ. Những người độc thân trẻ tuổi nhiều khả năng có nỗi lo lắng tương tự, nhưng vẫn có thể đi nghỉ ở gần nhà vào cuối tuần. Điều đó khiến cho nhóm những người lớn tuổi là ứng cử viên duy nhất có thể sẵn sàng nhận lời đề nghị của Chính phủ, mặc dù nhóm này nhiều sẽ có mối bận tâm nhất định về vấn đề sức khỏe.
“Những người trên 65 tuổi có thể sẵn sàng đi du lịch và sử dụng những phiếu giảm giá trị giá 20.000 Yen, nhưng trước hết, ngành công nghiệp du lịch và khách tham quan cần đọc những hướng dẫn rõ ràng về việc đi ‘du lịch an toàn’ và bảo vệ sức khỏe trong thời kỳ dịch bệnh”, bà Mano khẳng định.
Một công ty du lịch Nhật Bản cho rằng, du khách cần được hướng dẫn các quy định về sức khỏe để có thể đi du lịch an toàn. (Nguồn: Getty Images)
Dữ liệu từ Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho hay, trong tháng 4, khoảng 2.900 du khách nước ngoài đã đến thăm Nhật Bản, giảm 99,9% so với năm ngoái - con số thấp nhất trong gần 6 thập kỷ. Trước đó, lượng khách thấp nhất là 17.543 khách được ghi nhận vào tháng 2 năm 1964.
Trong khi đó, người đứng đầu một công ty du lịch trong nước bày tỏ lo ngại rằng, quỹ của chiến dịch "Go To Travel" sẽ được phân bổ không tương xứng cho các công ty du lịch lớn, chẳng hạn như JTB Corp – tập đoàn vốn có quan hệ hợp tác lâu dài với Chính phủ.
“Nếu điều đó xảy ra, tất cả số tiền đó sẽ ít được sử dụng cho các khách sạn cổ điển không có mối quan hệ với JTB hoặc các công ty du lịch nhỏ hơn”, vị giám đốc điều hành khẳng định.
Còn bà Julia Maeda, đồng chủ sở hữu của công ty du lịch Okuni cho rằng, 20.000 Yen mỗi ngày sẽ không phải là một ưu đãi lớn cho khách du lịch cao cấp, và phần lớn những người được nhận ưu đãi sẽ là khách du lịch thuộc nhóm lớn tuổi hơn đặt tour qua các công ty lưu hành có tên tuổi.
“Tiền quỹ nên được chuyển đến các khách sạn hoặc nhà trọ nhỏ, các nhà hàng hoặc khu nghỉ dưỡng có thể trực tiếp giảm giá cho khách hàng, và sau đó nộp đơn xin Chính phủ giảm giá. Điều đó cũng sẽ giúp đưa du khách đến những vùng nông thôn thực sự mà Chính phủ đang quảng bá là điểm đến hấp dẫn”, bà Maeda nói.