Hậu Giang đẩy tiến độ thi công các dự án đầu tư chuyển tiếp
Tỉnh Hậu Giang đang triển khai nhiều giải pháp tăng tiến độ thực hiện công trình, dự án, phấn đấu đến cuối năm giải ngân kế hoạch vốn đạt từ 95% trở lên.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Hậu Giang, đến hết tháng 8, tỉnh Hậu Giang đã phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được 6.273,66/6.831,82 tỷ đồng, đạt 91,8% kế hoạch (vốn chưa phân bổ chi tiết trên 558 tỷ đồng). Giá trị giải ngân 3.366,375/6.831,82 tỷ đồng, đạt 49,27% kế hoạch, thấp hơn 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, vốn phân bổ cho các chủ đầu tư cấp tỉnh quản lý trên 4.920 tỷ đồng, chiếm 87,12%; trong tổng số 24 đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh có 12 đơn vị giải ngân dưới 60%; 12 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân trên 60%.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, trong kế hoạch vốn đầu năm 2024, Ban quản lý dự án được phân bổ trên 890 tỷ đồng; giải ngân 617 tỷ đồng, đạt 69,14%, cơ bản đảm bảo yêu cầu UBND tỉnh giao. Thời gian tới, Ban quản lý dự án xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tiếp tục quản lý chặt chẽ nguồn vốn, tiến độ thực hiện các công trình, dự án, đôn đốc các nhà thầu thi công bám sát tiến độ đề ra, đảm bảo chất lượng.
Số vốn UBND tỉnh giao cho các chủ đầu tư cấp huyện quản lý khoảng 728 tỷ đồng, chiếm 12,88%, tỷ lệ giải ngân hiện nay đạt 44,45%. Trong 8 đơn vị chủ đầu tư cấp huyện, có 2 đơn vị giải ngân trên 50%; 3 đơn vị giải ngân trên 40%, các đơn vị còn lại giải ngân dưới 40%.
Ông Nguyễn Vũ Trường, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ cho biết, Tính đến nay, huyện Long Mỹ giải ngân 40/90 tỷ đồng, đạt 44,29%. Giá trị giải ngân vốn hiện nay còn thấp, chủ yếu do một số nguồn vốn mới được giao bổ sung lớn. Địa phương đang thực hiện các thủ tục để giải ngân, dự kiến đến cuối tháng 9 giải ngân sẽ đạt trên 65%; đến cuối năm sẽ giải ngân kế hoạch vốn đạt yêu cầu UBND dân tỉnh giao.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trong những tháng đầu năm dù UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; nhiều lần tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, xử lý các vướng mắc, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân hiện nay vẫn còn thấp so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do việc chuẩn bị đầu tư của một số đơn vị chưa tốt, dẫn tới phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp phải điều chỉnh; khâu thẩm định, phê duyệt các dự án khởi công mới còn chậm.
Hơn nữa, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, thủ tục thu hồi đất, nhiều trường hợp người dân ngăn cản không cho thi công nên nhà thầu rất khó khăn trong công tác triển khai thi công. Một số dự án chuyển tiếp, đã đầy đủ thủ tục, đang triển khai nhưng thi công, nghiệm thu, thanh toán chưa được đẩy nhanh tiến độ…
Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh
Hậu Giang, các chủ đầu tư cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Cụ thể, đối với các các dự án hoàn thành năm 2024, cần tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện các hạng mục công trình. Riêng các dự án chuyển tiếp, cần dồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phát huy hiệu quả đầu tư; đồng thời tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân cho nhà thầu. Đối với những dự án khởi công mới trong năm nay, yêu cầu chủ đầu tư triển khai các thủ tục đúng quy định nhằm đảm bảo thời gian giải ngân kế hoạch vốn và tiến độ thực hiện dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn; khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các chủ đầu tư, các ngành, địa phương cần tập trung toàn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng tiến độ giải ngân năm 2024 đảm bảo đạt tối thiểu 95% vốn được giao. Cùng đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên từng dự án; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công và tạo quỹ đất sạch mời gọi đầu tư.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các chủ đầu tư phải kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xây dựng kế hoạch chi tiết khối lượng công việc cần thực hiện để giải ngân nguồn vốn trong thời gian còn lại của năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ căn cứ vào kế hoạch này tổng hợp, báo cáo cho UBND tỉnh mỗi tháng 2 lần. Ngoài ra, chủ đầu tư có văn bản cam kết về tỷ lệ giải ngân vốn và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Để quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, UBND tỉnh Hậu Giang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh các đơn vị nếu không đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao. Đối với số vốn còn lại trên 550 tỷ đồng, hiện nay có 7 chủ đầu tư vẫn chưa đủ điều kiện phân bổ vốn cần khẩn trương hoàn thiện đầy đủ thủ tục để trình UBND tỉnh xem xét, giao vốn.
Trước đó, UBND tỉnh Hậu Giang đã triển khai kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư phấn đấu giải ngân đạt đạt tối thiểu 93% trước ngày 31/12/2024; đến khi kết thúc niên độ ngân sách phải giải ngân đạt từ 95% trở lên. Đồng thời, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân có liên quan.