Hậu Giang: Dự án đường tỉnh 925B đến nay ra sao?
Dự án đường tỉnh 925B cắt dọc theo bản đồ tỉnh Hậu Giang đang được người dân kỳ vọng, phát huy tối đa hiệu quả kết nối liên vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Mong mở lộ để phát triển kinh tế
Đường tỉnh 925B là tuyến đường đi dọc theo kênh Nàng Mau, theo quy hoạch tuyến đường tỉnh 925B cắt dọc theo bản đồ tỉnh Hậu Giang.
Tuyến đường kết nối từ Tp.Vị Thanh, đi qua địa bàn huyện: Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành; đồng thời, đi song song với tuyến kênh Nàng Mau, tuyến đường liên kết nhiều khu vực, địa phương trong tỉnh và kết nối giao thông thủy bộ.
Đây là một trong những tuyến đường tỉnh huyết mạch trên địa bàn, là một trong những tuyến vận tải quan trọng của tỉnh, khi dự án hoàn thành sẽ tạo bước phát triển về phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 28/6, chúng tôi tìm về nơi dự án đường tỉnh 925B đi qua để tìm hiểu và ghi nhận thực tế.
Ông Phạm Thanh Hồng (75 tuổi) là một trong những hộ dân ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, ông cũng như những hộ dân khác nơi đây đều kỳ vọng có tuyến lộ để lưu thông hàng hóa nông sản.
Ông Hồng chia sẻ, gia đình có 2 héc ta trồng cây ăn trái nên hay tin tỉnh Hậu Giang mở tuyến lộ 925B, không riêng gì gia đình ông mà bà con vùng sâu vùng xa của xã ai nấy đều vui mừng phấn khởi.
Bởi, kinh tế chủ lực của bà con vùng này là nông sản, trong khi việc vận chuyển hàng hóa từ nhà vườn đến nơi tiêu thụ hết sức khó khăn, giao thông cách trở.
Theo ông Hồng, khu vực này, hiện có cả trăm hộ dân gặp khó về lối đi, đến mùa thu hoạch cây trái, nông sản… nông dân lại khó tiếp cận được thương lái, hoặc thương lái đến mua thì giá bán rất thấp, bởi họ trừ chi phí vận chuyển. Bà con mong lắm một tuyến đường để giao thương hàng hóa nông sản được thuận lợi, từ đó nâng cao đời sống nông dân vốn gặp khó để thoát nghèo.
Đặc biệt, việc đi lại của bà con nông dân, nhất là các em học sinh đi lại được dễ dàng, ấp liền ấp, xã liền xã… Tuy nhiên, gần đây bà con trở nên thất vọng khi hay tin tuyến lộ này được chuyển sang tuyến lộ cũ là đường tỉnh 925.
Ông Lê Văn Mận (59 tuổi) là hộ dân có hơn 40 năm sinh sống tại xã Đông Phước, huyện Châu Thành cũng mong muốn có được tuyến lộ để giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa nông sản được thuận lợi.
Ông Mận chia sẻ thêm, sau thời gian cải tạo từ vùng đất bưng nhiễm phèn, bà con nông dân ở vùng này đã lên vườn trồng cây ăn trái nhưng đến khi thu hoạch thì bán chậm vì vận chuyển khó khăn, giá cả lại thấp.
Việc mở tuyến lộ 925B đi xuyên vùng rốn, tiếp giáp giữa các xã Đông Phước, Đông Phước A, thị trấn Ngã Sáu… không chỉ giúp việc giao thương hàng hóa mà còn tạo đà phát triển kinh tế nên bà con rất đồng tình ủng hộ.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, bà Trần Thị Mỹ Lệ (54 tuổi, ngụ xã Đông Phước) chia sẻ, gia đình bà có hơn 20 công vườn trồng cây ăn trái nhưng mùa vụ nào cũng bị thương lái ép giá vì không có lối xe vào để vận chuyển hàng hóa.
Bà con vùng này vốn chịu thiệt thòi trong việc đi lại từ nhiều năm nay, khi hay tin tỉnh Hậu Giang có dự án phóng lộ đi ngang qua, tất cả mà con đều mất ngủ vì quá vui mừng.
Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì chúng tôi hay tin công trình được di dời sang tuyến lộ cũ ĐT 925, đường đó hiện tại bị sạt lở rất nhiều nơi, bà con đã làm đơn kiến nghị gửi đến chính quyền các cấp mong xem xét triển khai tuyến lộ mới như kế hoạch ban đầu để bà con có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định kinh tế và có một số hộ trong vùng rốn của xã thoát nghèo.
Những băn khoăn về dự án
Trả lời với PV Người Đưa Tin về những kỳ vọng, mong muốn của người dân, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, là dự án nhóm A.
Do đó, ngay từ đầu, UBND tỉnh đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh lựa chọn những đơn vị tư vấn có đủ năng lực để triển khai các thủ tục, đảm bảo tiến độ từ bước chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đến lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.
Đồng thời, dự án được hội đồng thẩm định dự án của tỉnh tổ chức thẩm định chặt chẽ các nội dung liên quan theo quy định, trước khi trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư.
Trong quá trình lập thủ tục đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban QLDA yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế công trình phải đảm bảo kinh tế - kỹ thuật và áp dụng các công nghệ khoa học thi công tiên tiến. Đồng thời, tỉnh xác định công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là khâu then chốt, quyết định tiến độ dự án.
Từ đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương cập nhật dự án vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, yêu cầu các địa phương có dự án đi qua cập nhật dự án vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở triển khai dự án.
Đến thời điểm này, có thể nói Ban QLDA đã phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan trong triển khai các thủ tục, đảm bảo tiến độ của dự án”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, dự án đường tỉnh 925B được nhân dân trong tỉnh rất kỳ vọng vì tính chất liên kết khu vực, liên kết giữa các địa phương.
Tỉnh đánh giá cao về sự quan tâm của người dân đến công tác quy hoạch, triển khai dự án, chính vì sự quan tâm, đồng thuận của người dân là điều kiện rất cần thiết để triển khai nhanh dự án. Tuy nhiên, một số người dân chưa nắm bắt hết về dự án nên có những băn khoăn về phương án đầu tư.
Về phương án đầu tư, trước đây Đơn vị tư vấn đã nghiên cứu phương án kết nối từ UBND xã Đông Phước A đến thị trấn Ngã Sáu (kết nối vào đường tỉnh 925 tại nút giao với đường 30 tháng 4).
Tuy nhiên, theo định hướng quy hoạch chung huyện Châu Thành do Đơn vị tư vấn đề xuất, sẽ định hướng huyện Châu Thành trở thành huyện công nghiệp, đô thị và du lịch. Do đó, rất cần quỹ đất để phát triển dịch vụ, du lịch. Khu vực phát triển du lịch sẽ nằm ở phía Nam của thị trấn Ngã Sáu, nơi có dự án đường tỉnh 925B dự kiến đi qua.
“Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh làm Chủ đầu tư, lập thủ tục đầu tư dự án. Dự án đã được Cục Quản lý xây dựng - Bộ GTVT thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và chủ đầu tư đang hoàn thiện để trình phê duyệt dự án theo quy định.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 và đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2026”, Chủ tịch Đồng Văn Thanh cho biết.