Hậu Giang: Khó khăn trong phân luồng học sinh sau THCS năm học mới

Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã được xác định trong Nghị quyết của Đảng, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển giáo dục năm 2011-2020 và các quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu là đến năm 2020, có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, một số tỉnh còn đang gặp nhiều khó khăn. Ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang.

Năm học 2024 – 2025 tới đây, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 10.600 học sinh tham gia tuyển sinh vào lớp 10. Để đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện, định hướng phù hợp cho học sinh có nguyện vọng khác, mỗi trường chỉ tuyển sinh tối đa 70% số học sinh tốt nghiệp THCS. Như vậy, chỉ có khoảng 7.300 học sinh vào lớp 10 học ở các trường THPT. Số còn lại, có 4 sự lựa chọn: vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; học tại trường cao đẳng cộng đồng tỉnh; đi học nghề hoặc nghỉ học. Để đảm bảo cho 30% tức trên 3.000 học sinh tại các trung tâm, hiện nay đang gặp khó về cơ sở vật chất.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề cho 30% học sinh trung học phổ thông sau khi được phân luồng. Tuy nhiên, trang thiết bị dạy và học không đáp ứng nhu cầu.

Phân luồng học sinh sau THCS góp phần giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện, tránh tình trạng lãng phí thời gian, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục hiện nay chưa theo kịp với sự thay đổi này.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Công Tràng - Chí Điển

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/hau-giang-kho-khan-trong-phan-luong-hoc-sinh-sau-thcs-nam-hoc-moi-233333.htm