Hậu Giang thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển bền vững
Hậu Giang thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua việc phân cấp và tập chung đầu mối cho các cơ quan chuyên ngành; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Hậu Giang xác định thu hút đầu tư trong và ngoài nước là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương. Sở hữu nhiều điểm thuận lợi về giao thông, phía Bắc giáp TP. Cần Thơ - trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phía Nam giáp tỉnh Sóc Trăng, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang và tỉnh Bạc Liêu - là ba tỉnh có nhiều tiềm năng về nuôi thủy sản nước mặn và khai thác hải sản biển, du lịch; phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Long và sông Hậu chạy dài trên toàn tuyến có nhiều tài nguyên lớn về cung cấp nước ngọt, vận tải sông biển, khai thác vật liệu xây dựng.
Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư
Vận dụng linh hoạt các chính sách của Chính phủ Việt Nam, trên cơ sở vừa phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đáp ứng môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khu vực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đầu tư, Hậu Giang chú trọng giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của nhà đầu tư qua việc phân cấp và tập chung đầu mối cho các cơ quan chuyên ngành; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường và nguồn nguyên liệu chế biến đạt chất lượng cao. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa trong khuôn khổ quy định pháp luật.
Tỉnh Hậu Giang có 8 đơn vị hành chính, gồm 2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng ưu đãi tối đa về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền chuyển mục đích sử dụng đất... tùy vào trường hợp cụ thể sẽ có mức ưu đãi phù hợp.
Bên cạnh những ưu đãi theo quy định, tỉnh còn nhiều hỗ trợ như: hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án; hỗ trợ chuyển giao công nghệ và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; hỗ trợ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp và những ưu đãi khác như: Khấu hao tài sản, hỗ trợ chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm, thưởng môi giới đầu tư…
Để cải thiện môi trường kinh doanh, Hậu Giang luôn chú trọng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hiệu quả chính quyền điện tử; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp...
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo (Nghị quyết số 04-NQ/TU), tỉnh Hậu Giang tập trung mời gọi và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cụ thể như sau:
Về phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư bất động sản công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh. Hiện nay tỉnh đang tập trung kêu gọi các ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo ra giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các dự án sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu.
Về phát triển nông nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án để giải quyết các nguồn nguyên liệu dồi dào của tỉnh như: lúa gạo, thủy sản, khóm, trái cây nhiệt đới các loại; kêu gọi đầu tư các ngành trọng điểm kinh tế nông nghiệp, tạo nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả an toàn để nhân rộng; kêu gọi đầu tư thực hiện có hiệu quả về hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa, chương trình liên kết 4 nhà, đặc biệt là chương trình hợp tác phát triển trong và ngoài nước về lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiêp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh liên kết hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân…
Về phát triển đô thị, tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025; tập trung mời gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án xã hội hóa nhằm hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, các khu văn hóa, giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, giải trí, môi trường tại các đơn vị ở…
Xây dựng thương hiệu “Hậu Giang – Miền đất hội tụ”
Hậu Giang nằm trên các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trên địa bàn tỉnh có các tuyến quốc lộ đi ngang qua, như Quốc lộ 1, 61, 61B, 61C, Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp. Về giao thông thủy, tuyến sông Hậu, kênh xáng Xà No... là tuyến đường thủy huyết mạch của vùng. Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái sông nước. Trong khi đó, cảnh quan sinh thái nông nghiệp thuận lợi cho việc hình thành sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Hậu Giang là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer nên có sự phong phú về tính ngưỡng, phong tục, tập quán. Bên cạnh đó, Hậu Giang là địa phương ghi dấu các mốc lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nổi bật là giá trị văn hóa lịch sử cách mạng với 16 di tích lịch sử - văn hóa.
Một số khu di tích đang khai thác phục vụ khách du lịch như: di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ; một số công trình văn hóa tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm, Quan Đế miếu, nhà thờ Vị Hưng, chùa Phổ Minh, chùa Sasanatrangsay...); lễ hội văn hóa (Lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; lễ hội của đồng bào Khmer: Tết Chol Chnăm Thmây, Lễ Ok - om - bok và Sen Đolta; lễ hội Quan Thánh Đế Quân của cộng đồng người Hoa); làng nghề truyền thống: Làng nghề đan lục bình xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ và xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy; Làng chế biến trà mãng cầu ở huyện Long Mỹ; Xóm trồng trầu ở huyện Vị Thủy.
Ngoài ra, Hậu Giang có ẩm thực phong phú và đa dạng từ sản phẩm nông nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP của tỉnh với những món ăn được chế biến từ cá thát lát, củ hủ khóm, đọt choại, các loại rượu từ trái khóm, mãng cầu …và món ăn nổi tiếng Cháo lòng Cái Tắc. Đây là yếu tố góp phần đa dạng cho sản phẩm du lịch Hậu Giang.
Hậu Giang phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái, nông nghiệp, tâm linh, cộng đồng, văn hóa. Toàn tỉnh có 21 điểm tham quan du lịch; phân bố rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan tại Hậu Giang.
Để xây dựng và định vị hình ảnh tỉnh Hậu Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2548/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 phê duyệt Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 -2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới xây dựng thương hiệu “Hậu Giang – Miền đất hội tụ”.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều sự kiện nhằm giới thiệu vùng đất, con người và văn hóa của tỉnh Hậu Giang đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước; xây dựng mới website quảng bá, xúc tiến du lịch Hậu Giang độc lập; biên soạn, phát hành các ấn phẩm về lịch sử truyền thống, tiềm năng, thế mạnh du lịch, di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh,…theo các hình 4 thức bản tin, đặc san, tờ gấp, đĩa DVD phục vụ khách du lịch, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn công tác nước ngoài và đoàn báo chí nước ngoài tác nghiệp tại tỉnh.
Nhằm hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay, Hậu Giang sẽ tiếp tục phát động thị trường, kích cầu du lịch với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và hưởng ứng chiến dịch quảng bá du lịch “Live fully in Viet Nam” của Tổng cục Du lịch phát động. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, đặc biệt là chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch: Qua các trang web, mạng xã hội...Xây dựng 2 sản phẩm du lịch làm điểm nhấn trong giai đoạn 2021-2025: Du lịch trên tàu tuyến kênh xáng Xà No và Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng kết nối với các điểm tham quan trên địa bàn huyện Phụng Hiệp; tổ chức thành công giải Marathon quốc tế “Mekong Delta Marathon” tỉnh Hậu Giang và Lễ hội bánh dân gian năm 2022; phối hợp tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 nhằm thu hút khách du lịch và kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến giao lưu, tiềm hiểu và đầu tư vào các dự án trọng điểm phát triển du lịch.