Hậu Giang: Tỉnh nhỏ nuôi khát vọng lớn
Với phương châm 'Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng', sự phát triển của tỉnh Hậu Giang đang bật lên ở khu vực ĐBSCL. Theo đó, kinh tế của tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 có bước phát triển vượt bậc, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 14,74%, đứng thứ 5 cả nước.
Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay của tỉnh. Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cả năm 2022 đạt khoảng 14%. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang xung quanh bước phát triển này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Hậu Giang đã thực hiện những giải pháp nào để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng như thời gian qua?
Ông NGHIÊM XUÂN THÀNH: Với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh ủy Hậu Giang luôn bám sát thực tiễn, tranh thủ ngoại lực, phát huy mạnh mẽ nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, biến tiềm lực thành động lực, vật chất để phát triển tỉnh Hậu Giang. Từ đó, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp; hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường. Hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách; ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho DN và người dân. Xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tỉnh; chú trọng đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng.
Đồng thời, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết tập trung phát triển 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch. Trong đó, nông nghiệp là trụ đỡ; công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách.
Hậu Giang đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022. Tỉnh đã và đang tạo điều kiện ra sao để nhiều doanh nghiệp đầu tư hiệu quả tại Hậu Giang?
Một trong 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn tới của tỉnh là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Quan điểm, phương châm của Hậu Giang để thu hút đầu tư thành công, bền vững phải bảo đảm hài hòa 3 lợi ích là: người dân, DN, Nhà nước. Muốn vậy, phải chuyển hẳn từ tư duy hành chính sang tư duy phục vụ; thay vì cho phép, cấp phép sang được phục vụ và nhận thức một văn hóa, một ngôn ngữ, cùng “tuyên ngôn” và cùng hành động là mục tiêu chung. Lấy cam kết 2 nhanh, 3 tốt làm phương châm hành động. 2 nhanh là nhanh giải phóng mặt bằng, nhanh về thủ tục đầu tư; 3 tốt là cơ hội tốt, chính sách tốt và hạ tầng tốt. Tỉnh chuyển tư duy quản lý hành chính sang tư duy phục vụ, tức là phải lấy người dân, DN làm trung tâm. Từ đó, hướng mọi cơ chế, chính sách đem đến trải nghiệm tốt nhất cho DN và người dân.
Tỉnh Hậu Giang đã thành lập Ban chỉ đạo Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy là trưởng ban và Chủ tịch UBND tỉnh là phó trưởng ban thường trực. Qua đó kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; hướng dẫn, cung cấp và thông tin về thu hút đầu tư nhanh chóng, chính xác, thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư.
Tỉnh chủ trương phát triển 4 trụ cột, xác định thu hút đầu tư có chọn lọc, quan điểm rất rõ là DN sản xuất cần đáp ứng các tiêu chí: sử dụng lao động địa phương, đóng góp nhiều cho ngân sách, công nghệ thân thiện môi trường. Đồng thời, tỉnh có những chính sách thu hút DN đầu tư phát triển du lịch và DN có thế mạnh, kinh nghiệm đầu tư các khu đô thị lớn. Quá trình này, Hậu Giang ưu tiên mời gọi DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, DN chế biến nông sản và đầu tư nông nghiệp sinh thái.
Hậu Giang là tỉnh được chia tách - thành lập muộn, cần làm gì để bắt nhịp sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL?
Hậu Giang là tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, dân số thấp nhất vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, tỉnh có những tiềm năng, lợi thế riêng khi tiếp giáp với TP Cần Thơ và sông Hậu, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua, còn nhiều dư địa phát triển, đã hình thành những nền tảng cơ bản phát triển công nghiệp. Trong 3 năm trở lại đây, quy mô kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao, liên tục chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng điểm, trong đó chỉ số tiếp cận đất đai đứng thứ 5 cả nước, dẫn đầu ĐBSCL. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng DN. Chính quyền các cấp trong tỉnh luôn tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN đến đầu tư. Hệ thống chính trị tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đồng hành thực chất cùng người dân, DN, “thành công của DN là thành quả của tỉnh nhà”.
Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm các tỉnh Nam sông Hậu, được hưởng lợi lớn nhờ vào phát triển hệ thống giao thông vùng khi sắp tới đây có 2 tuyến cao tốc của vùng chiều dài 300km thì có đến 100km đi qua và giao nhau ở địa bàn - đây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh. Hậu Giang xác định xuất phát điểm thấp, tỉnh nhỏ thì phải nuôi khát vọng lớn. Với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, Hậu Giang sẽ biến điểm yếu, khó khăn, thách thức thành thế mạnh, đột phá để vươn lên sánh vai cùng các tỉnh ĐBSCL trong tương lai.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//hau-giang-tinh-nho-nuoi-khat-vong-lon-851894.html