Hậu kiểm chặt để tránh trục lợi nhà ở xã hội
Con số của Bộ Xây dựng đưa ra, tính từ đầu năm đến ngày 30/6, đã có khoảng 35 – 36 nghìn căn nhà ở xã hội được hoàn thành. Theo Bộ Xây dựng, dù đã rất nỗ lực song kết quả thực hiện chính sách nhà ở xã hội thời gian qua còn rất khiêm tốn. Kết quả chưa như kỳ vọng, nhưng vấn đề nóng liên quan đến trục lợi chính sách nhà ở xã hội vẫn xảy ra khi các kết quả kiểm tra, kiểm toán cho thấy không ít trường hợp được bán, cho thuê sai đối tượng. Do đó, phải làm mạnh khâu hậu kiểm để nhà ở xã hội đến được với đúng người đang cần. Đó cũng là ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý tại Tọa đàm 'Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội' ngày 30/6 do Báo Kiểm toán tổ chức.
Nhiều địa phương chưa quyết liệt
Nhu cầu rất lớn, chính sách cũng đang dần được gỡ khó khi các bộ luật liên quan đã được thông qua và có hiệu lực. Chính phủ cũng liên tục có các chỉ đạo, chỉ thị để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng mục tiêu Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030”. Gần đây nhất, Quốc hội cũng đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội. Vậy tại sao, kết quả triển khai nhà ở xã hội vẫn chậm?
Lý giải vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, trong thời gian qua, một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội cũng là một trong những nguyên nhân chính. Mặc dù đã có Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị, Quyết định số 338 của Chính phủ đã giao cho các địa phương là phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 5 năm và hằng năm để kiểm đếm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa triển khai vấn đề này.

Kết quả thực hiện chính sách nhà ở xã hội vẫn chậm so với yêu cầu.
“Theo như chúng tôi tổng hợp, các địa phương đã dành được hơn 1.900 vị trí khu đất với tổng diện tích đất hơn 9.000ha để đưa vào phát triển nhà ở xã hội. Nói về quy mô thì tổng diện tích đất đã đủ để phát triển số lượng nhà ở xã hội đề ra. Tuy nhiên, chất lượng quỹ đất vẫn còn nhiều vấn đề phải nói. Còn nhiều vị trí khu đất được bố trí vào những khu vực không phù hợp như đầu thừa đuôi thẹo của các dự án, hoặc những vị trí chưa được kết nối đầy đủ hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dẫn đến nếu đầu tư vào những vị trí này thì không thu hút được người dân và thực tế có những dự án đã thể hiện đúng tình trạng này”, ông Hưng cho hay.
Bên cạnh đó, ông Hưng lý giải, việc lựa chọn chủ đầu tư phải đấu thầu, hay việc thực hiện thủ tục đầu tư từ cấp phép xây dựng đến thẩm định giá bán mất rất nhiều thời gian và các chi phí để tuân thủ các thủ tục hành chính dẫn đến các dự án nhà ở xã hội không thể đẩy nhanh tiến độ.
Ở góc độ của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng, chính quyền không đưa phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch, quy hoạch, không đưa vào chủ trương phát triển nhà ở của địa phương. Và đặc biệt là sự hỗ trợ gần như không có khiến doanh nghiệp nản lòng khi muốn tham gia đầu tư.
Ông Đính ví dụ, các quỹ đất gần như không được địa phương chuẩn bị sẵn sàng. Nếu doanh nghiệp tham gia thì phải vào các khu vực phát triển rồi, giá đất rất cao. Hơn nữa, họ lại phải tự đi giải phóng mặt bằng thì rõ ràng đây là một câu chuyện đánh đố cho doanh nghiệp tham gia. Nếu họ đã phải mất nhiều công sức như vậy thì họ làm gì có lợi nhuận cao.
“Vấn đề về thủ tục thì quá trình làm nhà ở xã hội còn khó hơn làm nhà ở thương mại, vì đây là một cơ chế được cho, được ban cấp cho đối tượng, cho doanh nghiệp cho nên thẩm định phê duyệt khó khăn hơn. Những cơ quan thực thi rất ngại, họ rất sợ làm sai, phê sai và chịu trách nhiệm cho nên họ thường đắn đo, thường tìm cách không phải phê duyệt dẫn đến câu chuyện là tại sao nhiều dự án không triển khai được”, ông Đính lý giải.
Giải pháp nào tránh trục lợi?
Một vấn đề cũng rất nóng trong triển khai chính sách nhà ở xã hội, đó là việc xác định đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đã có không ít trường hợp phải trả lại nhà ở xã hội. Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, có tình trạng nhiều người sở hữu, thuê căn hộ nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định.
Đơn cử như dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn từng đình đám ở Hà Nội đã có 7 trường hợp bị hủy quyền mua căn hộ. Tại Bắc Ninh, theo rà soát, kiểm tra đã phát hiện tại 14 dự án nhà ở xã hội với khoảng 640 căn hộ sau khi mua, chủ hộ cho người khác sinh sống dưới nhiều hình thức như: Kết hôn với người nước ngoài, cho ở nhờ, cho thuê lại. Hay như mới đây, 50 nhà ở xã hội ở Đồng Nai đã bị buộc phải trả lại khi Sở Xây dựng Đồng Nai vào cuộc kiểm tra…
Lý giải vấn đề này, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, với bất kỳ một chính sách nào cũng không đảm bảo chính xác 100% được, bởi vì pháp luật luôn đi sau thực tiễn cuộc sống. Thậm chí, hiện nay vẫn đang có các ý kiến về việc xác định các đối tượng, điều kiện còn phức tạp quá.
“Nếu siết chặt quá việc xác định đối tượng, điều kiện về thu nhập thì việc tuân thủ chính sách này sẽ chính xác, không có sai sót trên cả phạm vi cả nước nhưng sẽ tạo áp lực rất nhiều tới cả các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính cũng như người dân trong việc xác nhận các đối tượng, điều kiện”, ông Hưng lý giải.
Giải pháp để không dẫn đến tình trạng trục lợi, theo ông Hưng là làm tốt các cơ chế, chính sách và kiểm toán cũng là một trong các phương thức hậu kiểm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra của các địa phương, các đoàn kiểm tra, thanh tra của Bộ Xây dựng. Các biện pháp, giải pháp vẫn sẽ tiếp tục thực hiện theo cái hướng hậu kiểm. Cơ quan quản lý nhà nước thiết kế các cơ chế, chính sách một cách công khai, minh bạch, còn việc tuân thủ như thế nào thì sẽ tiếp tục xử lý ở phần hậu kiểm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, cần mở rộng các đối tượng lao động, tất cả những đối tượng lao động mà nhà nước cần quan tâm để tránh những trường hợp phải đi kiểm duyệt nhiều.
“Tôi cho rằng cần quy định rõ hơn về điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội này và đẩy từ tiền kiểm sang hậu kiểm để người lao động và đối tượng được thụ hưởng tự xác định được tiêu chuẩn với quy định đã đặt ra, nếu phù hợp thì mới đăng ký mua. Đi kèm với đó là cơ chế, chế tài xử lý thật nghiêm. Nếu như gian lận, làm không đúng thì phải xử lý nặng. Như vậy có thể ngăn cản những hành vi sai phạm. Việc thẩm định, thẩm tra hồ sơ đầu tiên là phải làm đúng, khi đăng ký phải chịu trách nhiệm về việc đăng ký, nếu phát hiện sai thì sẽ bị xử lý, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề”, ông Đính nói.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dia-oc/hau-kiem-chat-de-tranh-truc-loi-nha-o-xa-hoi-i773357/