Hậu kiểm nhưng không buông lỏng
Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được đánh giá là một bước đột phá, giúp cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, cùng với hậu kiểm phải đi liền với nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, không thể buông lỏng, bỏ mặc nguy cơ người dân sử dụng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng nhưng vì không đủ thông tin nên vẫn nghĩ rằng đó là hàng hóa chất lượng tốt.

Toàn cảnh một phiên họp, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa không tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm nhưng công tác hậu kiểm lại lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm nên dẫn đến thời gian qua, người tiêu dùng nhầm lẫn một số hàng hóa kém chất lượng mà lại tin rằng mình đã dùng hàng hóa có chất lượng. Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi về trách nhiệm của công tác quản lý nhà nước đối với việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là công tác hậu kiểm.
Chia sẻ với băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm và việc giám sát công tác hậu kiểm khả thi cần chuyển đổi số toàn diện về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, sẽ xây dựng một nền tảng số quốc gia duy nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nền tảng số này do Nhà nước đầu tư, là môi trường quản lý chính thức, không gây tốn kém cho doanh nghiệp. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa quy định thiết lập một nền tảng thông tin, dữ liệu quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết nối với hệ thống giám sát chất lượng quốc gia. Cùng với đó, quy định rõ trách nhiệm cập nhật, khai thác và bảo vệ dữ liệu của doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đơn vị vận hành. Doanh nghiệp chủ động công bố sản phẩm trên nền tảng số, cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin về chất lượng, an toàn sản phẩm, chịu trách nhiệm về nội dung công bố, đồng thời hợp tác với các cơ quan quản lý trong giám sát, kiểm tra sau công bố.
Giải pháp xây dựng mô hình quản lý trên nền tảng công nghệ, số hóa được đánh giá là phù hợp với xu thế toàn cầu và tăng cường hiệu lực của quản lý nhà nước. Thông tin được tổng hợp trên nền tảng số bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho công tác giám sát của cơ quan chức năng. Cùng với đó, người tiêu dùng nếu được tiếp cận cơ sở dữ liệu này cũng sẽ có công cụ để tự bảo vệ mình qua việc đối chiếu giữa sản phẩm thực tế với thông tin do nhà sản xuất công bố và biết được các thông tin khác về quá trình kiểm tra, phát hiện, xử lý từ cơ quan chức năng.
Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thậm chí một số sản phẩm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, hành vi này cần được kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi. Muốn như vậy, chế tài xử lý vi phạm phải đủ sức răn đe, ngoài xử phạt hành chính cần bổ sung thêm xử lý hình sự, thu hồi giấy phép kinh doanh và công bố công khai vi phạm. Giải pháp quan trọng hàng đầu để đạt được mục tiêu vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa không để lọt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ra thị trường là cần tăng cường trách nhiệm của các chủ thể, gồm cả người sản xuất, kinh doanh và cơ quan chức năng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/hau-kiem-nhung-khong-buong-long-829683