Hậu Lộc: Khắc phục tình trạng nhiễm mặn, cung cấp nước ngọt cho cây trồng
Cùng chúng tôi đi thăm khu đồng Xả và Còng Còng, một số cán bộ UBND xã Đa Lộc (một trong 5 xã phía đông kênh De thuộc huyện Hậu Lộc) và nhiều nông dân địa phương, cho biết: Các năm trước đây, một phần diện tích lúa của xã thường héo khô và chết do không đủ nước ngọt tưới, đất bốc chua, mặn, gây thiệt hại cho sản xuất. Thậm chí có những năm hàng chục ha không gieo cấy được do nhiễm mặn, không có nước tưới. Xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt không những sản xuất nông nghiệp bất lợi mà nguồn nước sinh hoạt cũng hạn chế, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Vụ chiêm xuân năm 2019, cán bộ và người dân xã Đa Lộc phấn khởi, đồng ruộng đã có đủ nước ngọt tưới cho 350 ha cây trồng, trong đó có gần 200 ha lúa theo đúng kế hoạch. Ngoài công tác thau chua, rửa mặn nhiều năm qua của xã đã phát huy hiệu quả, nhất là vừa qua được tỉnh, huyện quan tâm xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi xã Đa Lộc, chủ động cung cấp nguồn nước ngọt cho bà con nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Trạm bơm thôn Hậu (xã Phú Lộc) do Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc quản lý, vận hành phục vụ nước tưới cho 385 ha cây trồng trên địa bàn.
Thời điểm cuối tháng 2 này, bà con nông dân huyện Hậu Lộc đang tập trung chăm bón, tưới dưỡng cho 6.250 ha cây trồng vụ chiêm xuân, trong đó có 4.550 ha lúa. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn do mặn đã xâm nhập sâu vào vùng ven biển Hậu Lộc. Thiếu nước ngọt đã và đang ảnh hưởng đến sản xuất vụ chiêm xuân và môi trường vùng ven biển. Tại cống Lộc Động do nhiễm mặn, nhiều thời điểm không lấy được nước cho các trạm bơm nội đồng hoạt động. Do xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các trạm bơm nội đồng thuộc vùng đông và tây kênh De (đảm nhận tưới hơn 1.000 ha thuộc các xã Đa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc, Hòa Lộc).
Để phục vụ nước tưới cho nông dân trên địa bàn sản xuất vụ chiêm xuân, trước mắt các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, chống khô hạn, xâm nhập mặn. UBND huyện Hậu Lộc đã tập trung chỉ đạo các xã tiếp tục nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước và kênh trữ nước; quản lý nguồn nước ngọt tưới tiết kiệm, hiệu quả; chuẩn bị máy bơm dầu để chống hạn cục bộ; rà soát chuyển đổi một số diện tích cây trồng vùng ven biển thường xuyên bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản. Các tháng vừa qua, huyện Hậu Lộc đã phát động các xã, thị trấn ra quân làm thủy lợi mùa khô, đã đào đắp được 164.643 m3 bùn, đất kênh liên xã, kênh nội đồng và phát dọn 352.230 m2 bèo, cỏ, phục vụ dẫn nước đến đồng ruộng được thuận lợi. Các xã vùng đông kênh De đã đào đắp các kênh tiêu nội đồng để chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất chiêm xuân khi nguồn nước bơm bị xâm nhập mặn. Chi nhánh Thủy lợi Hậu Lộc (phục vụ nước tưới cho hơn 6.000 ha cây trồng trên địa bàn) đã tập trung nạo vét các kênh mương, bể hút, kênh dẫn các trạm bơm với khối lượng đã đào đắp 75.963 m3 bùn, đất; chủ động bơm trữ nước ngọt sớm cho các trạm bơm dọc sông Lèn hoạt động; đóng chặt các cống tiêu dưới đê, chèn kín nước và thả phai đắp đất để giữ nước trong kênh tiêu, sông nội đồng. Trước đó, chi nhánh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá khả năng phục vụ sản xuất của 25 trạm bơm với 73 máy để sửa chữa hư hỏng, chuẩn bị vật tư thiết bị cần thiết, bảo đảm các trạm bơm hoạt động tốt khi có yêu cầu. Hiện nay, chi nhánh phân công các cụm thủy nông trực thuộc tích cực bám địa bàn, thay ca thường trực 24/24 giờ tại các trạm bơm và cửa lấy nước dọc sông Lèn, 15 phút đo độ mặn tại các cửa cống lấy nước một lần để khi có nguồn nước ngọt là tranh thủ vận hành hết công suất các trạm bơm. Khắc phục tình trạng nguồn nước tại cống Lộc Động nhiễm mặn, Trạm bơm Đại Lộc và Trạm bơm Châu Lộc đã và đang được vận hành hết công suất để đổ nước xuống sông Trà Giang tạo nguồn cho các trạm bơm nội đồng hoạt động. Nạo vét cửa sông Lèn nhằm lấy nguồn nước từ sông Mã xuống sông Lèn phục vụ các trạm bơm điện ven sông Lèn bơm nước chống hạn,... Phân công CBCNV bám địa bàn thay ca thường trực tại đầu mối công trình, hệ thống kênh chính, nạo vét bể hút, kênh dẫn, kênh tưới các trạm bơm, kênh mương tưới của các hệ thống đảm bảo kênh dẫn nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng, đóng cửa cống vùng dễ tưới dành nước cho vùng cuối kênh, vùng cao, vùng nhiễm mặn đủ ngâm chân ruộng để hạn chế tình trạng đồng đất thiếu nước lại bị bốc chua, mặn, gây thiệt hại cho sản xuất...
Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến cuối tháng 4-2019, thời điểm lúa chiêm xuân trỗ bông thời tiết nắng nóng và xâm nhập mặn, khoảng 1.200 đến 1.500 ha lúa trên địa bàn huyện Hậu Lộc có khả năng thiếu nước, khô hạn. Để tạo điều kiện cho các xã vùng ven biển Hậu Lộc chủ động khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, bảo vệ cây trồng, trước mắt tỉnh đã đầu tư xây dựng một số công trình như hệ thống cấp nước tưới và sinh hoạt cho các xã vùng đông kênh De huyện Hậu Lộc; nạo vét, gia cố mái bờ kênh dẫn trạm bơm số 3 xã Hòa Lộc, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi xã Đa Lộc, kiên cố kênh tưới từ cống Tứ Dân đi mương Ông Tín xã Hưng Lộc,... Hiện nay, các công trình nêu trên đã được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, góp phần phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, tỉnh Thanh Hóa đang hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công xây dựng đập ngăn sông Lèn nhằm ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm và cống lấy nước trong vùng hoạt động ổn định. Cấp đủ nước tưới cho 24.775 ha cây trồng của các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung.