Hậu Lộc, Thanh Hóa: Nhiều cầu cảng ngang nhiên hoạt động trái phép

Những cầu cảng mọc lên trái phép tại xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc) từ nhiều năm nay thu hút hàng chục tàu, thuyền về neo trú. Việc những cầu cảng trái phép hoạt động không chỉ ảnh hưởng đến sự sống còn của những cảng cá hợp pháp (như cảng cá Hòa Lộc, xã Hòa lộc, huyện Hậu Lộc) mà còn vi phạm Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy sản, gây ách tắc dòng chảy.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc bức xúc trước việc đìu hiu, vắng bóng tàu thuyền nguyên do từ những cầu cảng trái phép mọc lên tại xã Hải Lộc.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Cảng cá Hòa Lộc bức xúc trước việc đìu hiu, vắng bóng tàu thuyền nguyên do từ những cầu cảng trái phép mọc lên tại xã Hải Lộc.

Cảng lớn "đói" tàu neo đậu?

Có mặt tại những cầu cảng tự phát tại xã Hải Lộc luôn thấy cảnh tàu thuyền ra vào tấp nập, nhộn nhịp. Theo người dân nơi đây, ông Trương Văn Huê và ông Nguyễn Tiến Lực (thôn Tân Lộc, xã Hải Lộc) đã tự ý xây dựng 2 cầu cảng cho các tàu vào neo đậu. Từ một vài thuyền ban đầu, các chủ cầu cảng này đã cơi nới, xây dựng mở rộng cầu cảng để thu hút tàu thuyền. Hiện tại hai cầu cảng này đón nhận khoảng gần 100 tàu thuyền vào neo trú đậu.

Trái với khung cảnh nhộn nhịp của cầu cảng trái phép xã Hải Lộc, cảng cá chính thức Hòa Lộc lại trở nên đìu hiu. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc cảng cá Hòa Lộc cho rằng, hiện tại cảng cá hoạt động hết sức khó khăn vì "đói" neo đậu. Cảng luôn phải kêu gọi tàu thuyền đến các cơ sở chế biến, doanh nghiệp vào cảng hoạt động. Số lượng tàu thuyền cập cảng ít dần và dẫn tới mọi hoạt động bị chững lại. "Không có tàu ắt không có cá, có tôm, có hoạt động bốc dỡ... Cùng với đó, là không có hậu cần nghề cá", ông Thăng thở dài.

Theo ông Thăng lý do khiến cho cảng cá Hòa Lộc không có tàu neo đậu là bởi bên xã Hải Lộc có 2 cầu cảng mọc lên trái phép, thu hút các tàu về neo đậu. Việc 2 cầu cảng trái phép bên xã Hải Lộc hoạt động, Ban giám đốc cảng cũng đã đề nghị các cấp ngành chức năng cũng như UBND tỉnh sớm có biện pháp chấn chỉnh. Lý do thứ hai theo ông Thăng là việc luồng lạch bồi lắng, lâu không được khơi thông, nạo vét dẫn tới tàu thuyền gặp khó khi vào neo đậu. Dù đã có chủ trương, dự án từ lâu nhưng không thấy triển khai cũng là lý do chính.

"Bây giờ tàu thuyền sang bên kia hết, họ có chở cá mắm về đây nữa đâu. Bên xã Hải Lộc có 2, 3 bến do tư nhân họ quản lý. Tình trạng này xảy ra 3, 4 năm nay và chúng tôi cũng đã phản ánh rất nhiều lần lên chính quyền cấp huyện, tỉnh nhưng vô vọng", ông Thăng nói.

Cũng theo ông Thăng, những năm trước, khi chưa có các cảng cá trái phép mọc lên, toàn bộ tàu thuyền đều tập trung về cảng Hòa Lộc. Cảng cá bấy giờ hoạt động sôi nổi. "Ngày trước, mỗi ngày cảng đón khoảng 10 - 15 chiếc tàu vào đây bốc dỡ hàng hóa. Bây giờ, ở cảng tổng chỉ còn khoảng 50 - 60 tàu câu vào neo đậu. Chủ yếu các tàu thuyền của Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc họ chuyển vào các cảng tại xã Hải Lộc gần nhà, số lượng tàu khoảng 100 chiếc" - ông Thăng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc chia sẻ, việc cảng cá "đói" tàu neo đậu, hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến việc thu hút kém nguồn lao động dôi dư của địa phương. Hệ lụy này, gây áp lực không nhỏ cho xã khi nghề muối nơi đây đang dần bị "khai tử". Từ kỳ vọng về một cảng cá hoạt động tấp nập, thu hút, giải quyết phần lớn nguồn lao động dôi dư từ nghề muối, giờ là nỗi thất vọng. "Nghị định 42 của Chính phủ ra đời, Bộ NN&PTNT đã chỉ định ở Thanh Hóa có 3 cảng chính là Lạch Trường, Lạch Hới và Lạch Bạng. Chiếu theo Nghị định thì tất cả các tàu thuyền có chiều dài từ 15m trở lên đều phải vào cảng để chỉ định bốc dỡ hàng, kiểm soát sản lượng qua cảng, sản lượng hàng hóa ngoài biển", ông Tuấn nói.

Chính quyền làm gì?

Theo nhiều ngư dân nơi đây, sở dĩ họ vào cầu cảng của tư nhân để neo đậu bởi cầu cảng này có nhiều lợi thế. Ví như, cầu cảng của ông Lực có xưởng sửa chữa tàu thuyền, từ một vài tàu ban đầu, đến nay đã có 40 đến 50 chiếc về neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, hoạt động sôi nổi cả ngày đêm. Trong khi đó, cầu cảng của hộ ông Trương Văn Huê được đầu tư mở rộng bằng việc san lấp hàng trăm mét vuông đất với quy mô rộng lớn, xây mố trụ để tàu thuyền tập kết. Cầu cảng này mỗi ngày đón nhận khoảng 20 đến 30 tàu thuyền. Thêm vào đó, tàu thuyền địa phương gần nhà nên những cầu cảng này đã thu hút số lượng lớn tàu thuyền tại chỗ thuộc các xã Hải Lộc, Ngư Lộc, Minh Lộc về neo đậu.

Tìm hiểu của phóng viên, mỗi tàu thuyền về đây neo đậu, bốc dỡ hàng hóa thì hàng tháng phải đóng khoản phí là 300 nghìn đồng/tàu, thuyền cho chủ cảng. Việc thuyền, tàu neo đậu không đúng quy định cũng gây ách tắc về đường thủy, cụ thể là tại đoạn tuyến sông De (một nhánh của sông Lèn) đã nhiều lần cơ quan hữu trách làm việc nhưng chỉ được một thời gian lại đâu vào đó.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tý - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc thừa nhận tình trạng hoạt động lâu nay của các cầu cảng trái phép tại xã. Khi phóng viên hỏi về trách nhiệm của địa phương thì ông Tý cho rằng đây là tồn tại từ những năm trước. Về hướng xử lý, ông Tý khẳng định sẽ cho tháo gỡ hai cầu cảng hoạt động trái phép này trong tháng 11/2019.

Trong khi đó, ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Sở đã có thông tin về 2 cảng cá hoạt động trái phép tại xã Hải Lộc. Song đây là vấn đề của huyện Hậu Lộc, do địa phương xử lý. Ông Giang nhấn mạnh: "Việc để tồn tại hai cầu cảng trái phép là không thể, UBND huyện Hậu Lộc cần phải cương quyết xử lý. Đồng thời, phía cảng cá cũng phải nhìn nhận lại hoạt động của mình, vì sao các cầu tàu trái phép thu hút được các tàu thuyền vào neo đậu, bốc dỡ mà một cảng quy mô như Hòa Lộc lại không thu hút được".

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hau-loc-thanh-hoa-nhieu-cau-cang-ngang-nhien-hoat-dong-trai-phep-20191129202541862.htm