Hậu Lộc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng với xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đã góp phần khơi dậy sự chủ động, sáng tạo của các chủ thể, đưa các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của huyện Hậu Lộc trở thành sản phẩm OCOP.
Cá thu nướng Quân Thủy, xã Ngư Lộc đạt sản phẩm OCOP năm 2022.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Đã hơn 30 năm gắn bó với nghề làm mắm truyền thống, ông Vũ Văn Náo, thôn Minh Thọ, xã Minh Lộc (Hậu Lộc) được nhiều người dân trong vùng và khách xa gần biết đến với thương hiệu “Mắm Ông Náo”. Trong số 3 người con của ông Náo, anh Vũ Văn Thiện, sinh năm 1994 là con út đang nối nghiệp làm mắm truyền thống của gia đình. Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2018, anh quay về quê hương nối tiếp nghề truyền thống của gia đình. Lý do đơn giản được anh Thiện chia sẻ: “Ký ức của tôi gắn liền với mùi nồng nàn của moi, của cá, của mắm. Đến giờ tôi vẫn gọi đó là mùi quê hương và gắn liền với cả cuộc đời của bố, của ông để nuôi dạy chúng tôi trưởng thành. Mang trong mình tình yêu với mắm truyền thống, tôi mong muốn được gìn giữ, được phát huy và đưa hương vị mắm truyền thống xứ Thanh đến gần hơn nữa với mọi người”.
Từ cơ sở sản xuất của gia đình, được bố truyền lại bí quyết, kinh nghiệm trong sản xuất, tháng 10-2022, anh Vũ Văn Thiện đã thành lập Công ty CP sản xuất truyền thống Mắm Ông Náo. Cùng với tâm huyết gìn giữ sản phẩm truyền thống, đồng thời đảm bảo nhu cầu của thị trường và đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, anh Vũ Văn Thiện đã và đang áp dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm cho ra những sản phẩm mắm thơm ngon đến với người tiêu dùng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm với mức thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Năm 2022, Công ty CP sản xuất truyền thống Mắm Ông Náo có 2 sản phẩm nước mắm và mắm tôm được công nhận là sản phẩm OCOP. Đây là các sản phẩm đầu tiên của xã Minh Lộc được công nhận OCOP 3 sao.
Ông Vũ Huy Bổ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc, cho biết: Người dân xã Minh Lộc sinh sống chủ yếu từ nghề làm nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản, hậu cần nghề cá. Sau khi rà soát, xã đã lựa chọn mắm tôm, nước mắm mang nhãn hiệu “Mắm Ông Náo” để xây dựng thành sản phẩm OCOP năm 2022. Xã rất quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các thủ tục đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP, vừa góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới địa phương, đồng thời tăng giá trị sản phẩm, để tiếp tục vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước.
Hậu Lộc có bờ biển dài khoảng 12 km, từ cửa Lạch Sung đến Lạch Trường, cách bờ 6 km là đảo Nẹ. Nghề đánh cá ở Hậu Lộc có từ lâu đời và khá phát triển, hiện nay có 5 xã ven biển vừa làm ruộng, vừa khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản. Riêng xã Ngư Lộc chuyên khai thác hải sản. Vì vậy, khi tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hậu Lộc xác định cần xây dựng sản phẩm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đó là các loại sản phẩm chế biến từ thủy, hải sản. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để khơi gợi sự chủ động của các chủ thể sản xuất với chương trình. Huyện đã thông báo rộng rãi cho các xã, thị trấn, chủ thể trên địa bàn để nhận thức hơn về chương trình. Chỉ đạo các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các nội dung phong phú, thiết thực đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng.
Để phát triển Chương trình OCOP, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực hỗ trợ các chủ thể tham gia xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, các hoạt động này đã trở thành cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Ngoài ra, huyện cũng thông tin, vận động, tạo điều kiện và tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc sản, chủ lực của huyện trong và ngoài tỉnh. Đồng thời huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP. Năm 2022, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP huyện Hậu Lộc là 30.740 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 380 triệu đồng; nguồn ngân sách huyện là 360 triệu đồng; nguồn xã hội hóa 30 tỷ đồng, là vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư...
Phát triển bền vững các sản phẩm OCOP
Lũy kế đến tháng 2-2023, huyện Hậu Lộc có 12 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao (Tổ Yến sào, Tổ Yến chưng), 10 sản phẩm đạt 3 sao (Mắm tôm Hòa Hải, Rượu Chi Nê, Đông trùng Hạ thảo sấy khô Sukha, Tôm nõn Mai Hường, Cá Thu nướng Quân Thủy, Mật ong Đa Lộc, Mắm Tôm ông Náo, nước mắm ông Náo, rượu Whisky Chi Nê, Dao rèn thủ công truyền thống Tinh Anh Thu). Tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP như tại xã Ngư Lộc có gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, lựa chọn cá thu nướng là sản phẩm đặc trưng và xây dựng thành sản phẩm OCOP. Từ sự quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện của chính quyền địa phương, chị Thủy đã mạnh dạn xây dựng sản phẩm cá thu nướng Quân Thủy là sản phẩm OCOP năm 2022. Gia đình chị Triệu Tuyết Mai, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc xây dựng sản phẩm tôm nõn khô Mai Hường là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Ở vùng biển Đa Lộc, tận dụng cánh rừng ngập mặn trải dài, với hoa sú vẹt, bần nở rộ... người dân nơi đây đã khai thác, phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Sản phẩm mật ong Đa Lộc cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ở xã Hưng Lộc, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, khuyến khích phát triển sản phẩm từ yến, anh Nguyễn Văn Tú, thôn Kiến Long đã xây dựng các sản phẩm như Tổ yến sào, Tổ yến chưng thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020. Đến nay, anh đã nâng cấp, mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu.
Để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của chương trình và các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 3 sao, 4 sao trên địa bàn huyện, UBND huyện thường xuyên giám sát việc sản xuất, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt đối với tiêu chí an toàn thực phẩm, huyện chỉ đạo Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh ATTTP thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, trong đó có các chủ thể sản phẩm OCOP đã được xếp hạng thực hiện tốt và chấp hành các quy định của Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm.
Ông Trịnh Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh cùng hệ thống các văn bản hướng dẫn của các sở, ban, ngành các cấp nhanh chóng, kịp thời, sự phối hợp của các phòng, ban cấp huyện và sự hưởng ứng nhiệt tình của các chủ thể, chương trình OCOP trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã và đang đạt được những kết quả đáng mừng. Năm 2023, huyện Hậu Lộc phấn đấu có 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng huyện nông thôn mới. Để chương trình OCOP được triển khai sâu rộng, đồng bộ, huyện Hậu Lộc tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể để phổ biến rộng rãi chương trình về nội dung, chu trình, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm; những kết quả thực hiện chương trình dưới dạng bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh, khẩu hiệu cụ thể. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai chương trình OCOP ở các xã, thị trấn. Tập trung công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ phục vụ chương trình OCOP (huyện, xã). Tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất có điều kiện tham gia. Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy điều hành, triển khai chương trình OCOP các cấp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu/phần mềm quản lý chương trình; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP. Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách cụ thể cho chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy sâu rộng và đồng bộ. Đổi mới và đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, trong đó xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch, thúc đẩy hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ thông qua khách du lịch tại các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó góp phần đa dạng ngành du lịch.