Hậu ly hôn: Nỗi đau con trẻ
Ly hôn không chỉ là dấu chấm hết cho một cuộc tình của người lớn mà còn là khởi đầu cho những tổn thương khó có thể đong đếm trong tâm hồn con trẻ
Một chiều giữa tháng 3-2025, sân TAND TP Huế loang nắng, những cành phượng vĩ đơm búp gọi hè. Trên bậc cầu thang dẫn lên phòng xử án dân sự, ông T., đã ngoài 70 tuổi, chậm rãi bước theo sau con trai út.
Đừng để trẻ tổn thương
Con trai ông - anh H. (30 tuổi) - đang vướng vào cuộc tranh chấp quyền nuôi con với vợ cũ - chị V. (26 tuổi). Còn tên ông xuất hiện trong lá đơn kháng cáo của chị V. là vì bị ông làm khó mỗi khi đến thăm con.
Nắng chiều xuyên qua cửa sổ tòa án, chị V. giọng run run nhưng dứt khoát: "Tôi kháng cáo vì anh H. thường xuyên ở Huế, con tôi phải gửi cho ông bà nội. Tôi từng nhắn tin xin đón con vào Đà Nẵng dịp lễ, không ảnh hưởng việc học nhưng anh H. gây khó dễ. Tôi mong tòa giúp tôi...".
Anh H. đáp lại, giọng pha chút giận hờn: "Tui có cấm chi mô. Tết rồi, tui đưa con về thăm bên ngoại ở Quảng Nam, mà bả không chịu về, lại bắt tui chở con xuống Đà Nẵng. Rứa rồi còn nhắn tin hù dọa sẽ "bóc phốt" tui lên mạng nữa!".
Lời qua tiếng lại như cuộn chỉ rối không thể gỡ. Nhưng đâu đó, người ta vẫn nhớ chuyện tình từng đẹp như cổ tích của chị V. và anh H. bắt đầu ở Huế năm 2017. Họ nhanh chóng kết hôn "chạy bầu" vào năm sau, chị V. gác lại ước mơ để làm vợ, làm mẹ, sinh con gái tên Táo. Dù ban đầu cùng nhau vun vén cho gia đình và có những dự định tương lai nhưng cuộc sống hôn nhân của họ dần rạn nứt, dẫn đến những mâu thuẫn không thể hàn gắn. Phiên tòa sơ thẩm vào cuối năm 2024 đã tuyên chấp nhận cho họ thuận tình ly hôn, giao con cho anh H. vì chị V. không bảo đảm điều kiện kinh tế. Chị V. kháng cáo…
Sau khi nghe các bên trình bày, chủ tọa nhìn 2 người trẻ trước mặt, cất giọng: "Ai cũng vì con cả. Phần anh H., không phải anh chỉ đưa cháu vào với bà ngoại để chị V. lên gặp mặt con là xong việc. Làm cha, anh cần chủ động tạo điều kiện để tình cảm mẹ con không bị nhạt phai. Ví dụ, một tuần nên để cháu vào Đà Nẵng chơi với mẹ. Đừng làm cháu bé cảm thấy cha là người giữ con để "trả đũa" mẹ".

Chị V., anh H. và ông T. trao đổi khi tòa nghị án. Ảnh: QUANG NHẬT
Vị thẩm phán nói thêm, ánh mắt như soi thấu lòng người cha già đang ngồi phía sau: "Còn ông T., ông là người hỗ trợ chăm cháu, không có quyền cản trở cháu gặp mẹ. Mỗi bên nên nhường nhịn nhau một tí để cháu bé có đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn. Để cháu trưởng thành mới là niềm hạnh phúc chung".
Sau những lời phân tích của người phân xử, anh H. đồng ý sẽ tạo điều kiện tối đa cho chị V. gặp con. Còn chị V. đồng ý rút đơn kháng cáo. HĐXX tuyên đình chỉ vụ án. Phiên tòa khép lại, chị V. một mình đón xe về phòng trọ. Nép dưới bóng râm nơi sân tòa, chị cầm điện thoại, xem lại những đoạn video cuộc nói chuyện với con gái. Nước mắt chị rơi, mặn chát. "Cháu bé là kết tinh tình yêu của 2 người. Làm cha, làm mẹ, cái khó là khi yêu thương phải buông tay đúng lúc để con không chịu tổn thương" - lời vị thẩm phán vẫn vang vọng mãi trong chị.
"Con sợ... vẽ thiếu ba"
Ở những phiên tòa ly hôn, nỗi đau của người lớn là chia xa. Còn với trẻ con, đó là mất đi cảm giác an toàn, nơi mà ba bế khi con mệt, mẹ kể chuyện lúc con buồn. Những điều tưởng chừng nhỏ bé, một khi vỡ rồi thì khó lành lại. Đó còn là câu chuyện của gia đình chị L. (38 tuổi).
Tại TAND TP HCM, một sáng tháng 5-2025, chị L. ngồi sát mép ghế, như sợ chiếm mất phần chỗ của ai. Trong tay là tập hồ sơ kẹp chặt, còn trong mắt là bóng hình của một mái nhà sắp sửa không còn nguyên vẹn.
Chị muốn ly hôn, lý do nêu trong đơn: "Không còn tiếng nói chung trong hôn nhân, đã sống ly thân 2 năm". Nghe thì đơn giản nhưng với chị, những dòng chữ đó là cả một quá trình chờ đợi, nhẫn nhịn, hy vọng, thất vọng, lặp đi lặp lại cho đến khi cạn kiệt.
Chị L. từng là giáo viên tiểu học, hiền lành, sống ngăn nắp, thích trồng rau trong những hộp nhựa tái chế. Anh D. là kỹ thuật viên của một công ty nước ngoài, thường đi công tác, hay tăng ca. Hai người lấy nhau hơn 10 năm, có với nhau 2 con - một trai 8 tuổi, một gái 6 tuổi.
Khi được hỏi ý kiến, anh D. chỉ nói: "Tôi không muốn chia tay nhưng nếu cô ấy thấy không thể tiếp tục thì tôi tôn trọng".
Chủ tọa gật đầu. Phòng xét xử vốn kín đáo, giờ chỉ nghe tiếng quạt quay đều và vài tiếng lật giấy. Không ai khóc, không ai gào, không có những màn chất vấn thường thấy ở những phiên ly hôn. Mọi thứ cứ trôi chầm chậm, buồn rười rượi.
Chị L. nói với HĐXX rằng chị từng cố gắng giữ gia đình bằng những bữa cơm tối, nấu đủ món chồng thích, dạy con chờ ba về ăn nhưng rồi dần nhận ra mình là người duy nhất chờ đợi. Sau hơn 1 giờ, tòa tuyên án. Chị L. được quyền nuôi 2 con. Anh D. phải cấp dưỡng hằng tháng, có quyền thăm nom không bị cản trở. Chị L. đứng dậy, cúi đầu cảm ơn HĐXX.
Ở hành lang tòa án, chị L, mở túi xách, lấy ra 2 tấm thiệp con tự làm. Một bức vẽ 4 người đang nắm tay nhau đứng trước ngôi nhà có nắng, bức còn lại có dòng chữ nguệch ngoạc: "Mẹ ơi, nhà mình có mẹ cười là con vui rồi". Chị nhìn bức vẽ rất lâu. Không khóc nhưng mắt đỏ hoe.
Tối hôm ấy, trong căn phòng trọ nhỏ, 2 đứa trẻ ngồi trên nền gạch. Ba không còn về ăn cơm tối, 2 con cũng không động vào hộp màu nữa. Mẹ hỏi: "Sao con không vẽ?". Đứa nhỏ bảo: "Con sợ… vẽ thiếu ba". Còn đứa lớn thì viết những câu hỏi của mình vào quyển nhật ký học sinh, giấu dưới gối: "Mẹ ơi, sao ba không ở nhà mình nữa?", "Nếu ba có nhà mới, con có được yêu ba nữa không?", "Nếu mai ba không về, mẹ có buồn không?".
Không ai dạy các con cách yêu một người đã vắng mặt nhưng chúng vẫn yêu theo cách mình cho là đúng. Hai đứa trẻ vẫn xếp đôi dép của ba ngay ngắn trước cửa mỗi chiều, rồi dành một chỗ trên bàn ăn. Trong màn đêm tĩnh mịch, con ôm lấy gấu bông ba tặng rồi thỏ thẻ gọi: "Ba ơi".
Trong mắt người lớn, cuộc ly hôn này có thể được gọi là… êm thấm. Nhưng trong lòng lũ trẻ, nó là vết nứt, không máu, không nước mắt nhưng âm ỉ đến lúc trưởng thành.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hau-ly-hon-noi-dau-con-tre-196250516215151044.htm