Hậu quả đắng sau cơn nghiện nước ngọt
Nam thanh niên tăng 10 kg trong hai tuần, nhập viện vì khó thở, suy tim, phù nề sau thời gian dài nghiện trà sữa, nước ngọt.
Nam thanh niên 28 tuổi (ở Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng khó thở dữ dội, suy tim và phù hai chân nặng đến mức không thể tự đi lại. Các bác sĩ phải cho bệnh nhân thở máy và chăm sóc đặc biệt.

Sử dụng đồ uống có đường làm tăng nguy cơ béo phì. Ảnh: Internet
Nhập viện vì nghiện nước ngọt
Gia đình cho biết bệnh nhân có tiền sử béo phì và gout mạn tính nhiều năm nay. Gần đây, tăng hơn 10 kg chỉ trong hai tuần do thường xuyên uống trà sữa, nước ngọt và nước trái cây đóng chai.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết bệnh nhân mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ, thường gặp ở người có bệnh nền tim mạch, béo phì, tiểu đường. Ông cảnh báo tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây béo phì, tiểu đường và các bệnh mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần từ 18,5 lít/người (năm 2009) lên 66,5 lít/người (năm 2023). Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 46,5 gam đường tự do mỗi ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa 50 gr/ngày và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của WHO.
Năm 2023, trung bình mỗi người Việt tiêu thụ gần 70 lít đồ uống có đường, tương đương khoảng 1,3 lít mỗi tuần – mức có thể gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng thường xuyên.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cảnh báo đường gần như không có giá trị dinh dưỡng, trong khi đồ uống có đường lại gây hại cho sức khỏe, nhất là khi tiêu thụ thường xuyên.
Trưởng đại diện WHO cho biết bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang phổ biến, tình trạng thừa cân, béo phì tăng nhanh, từ 15,6% (năm 2015) lên 19,6% (năm 2021). Đáng lo ngại, tỉ lệ này ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng hơn gấp đôi trong 10 năm. Sử dụng thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ, ung thư và béo phì.

Mức tiêu thụ đồ uống có đường ngày càng tăng
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), dẫn nghiên cứu từ 75 quốc gia cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường từ thời thơ ấu làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì khi trẻ lên 5 tuổi. Mỗi 100ml đồ uống có đường uống thêm mỗi ngày làm nguy cơ thừa cân, béo phì tăng 1,2 lần khi trẻ 6 tuổi.
Áp thuế cao để giảm tiêu thụ
Trước tình hình này, các chuyên gia cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp cấp bách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo bà Angela Pratt, thuế sẽ làm cho những loại đồ uống này đắt hơn và từ đó giảm mức tiêu thụ của người dân. "Đây là một trong những biện pháp hiệu quả, ít tốn kém nhất để phòng chống bệnh không lây nhiễm"- bà nói.
WHO kêu gọi Việt Nam sớm hành động, khi đã có ít nhất 108 quốc gia và 7 nước ASEAN áp dụng thuế với mặt hàng này. Tổ chức này đề xuất lộ trình tăng thuế suất đến năm 2030 đạt 40% giá xuất xưởng, đủ để làm tăng giá bán lẻ ít nhất 20% và giúp đảo chiều xu hướng tiêu thụ.
Thảo luận tại hội trường ngày 9-5 về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam đang tăng mạnh, lâu dài sẽ tạo gánh nặng về y tế.
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng Việt Nam cần thiết phải thực hiện việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sớm hơn, đến nay mới đưa ra chính sách cũng là đã muộn. "Không thể để thế hệ con em của chúng ta đến lúc béo phì, đến lúc bệnh rồi chúng ta mới bàn"- ông Thắng nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hau-qua-dang-sau-con-nghien-nuoc-ngot-196250510153450515.htm