Hậu quả 'dễ thấy', hành vi 'khó chặn'
Giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ là một trong những nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phiên làm việc sáng nay của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vấn đề này, tiếc rằng, được đề cập khá mờ nhạt trong Báo cáo số 255/BC-BTP của Bộ Tư pháp khái quát một số nội dung cơ bản về các nhóm vấn đề chất vấn gửi đến các đại biểu Quốc hội. Báo cáo chưa đánh giá được tình hình tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Theo báo cáo này, Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Hiện nay, dự thảo Nghị quyết đã chỉnh lý xong và chuẩn bị thông qua. Cùng với đó, Bộ đã tham gia góp ý, xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Về giải pháp, báo cáo đề xuất ba nhóm: (1) cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn; (2) đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; (3) tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.
Có thể do đây là "báo cáo khái quát” nên khó nêu đầy đủ về vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Cũng có thể, hậu quả to lớn của tham nhũng chính sách rất “dễ thấy”, nhưng hành vi tham nhũng chính sách lại “rất khó nhận diện” và “không dễ chặn”.
Tham nhũng chính sách thường được hiểu là việc lạm dụng quyền ban hành chính sách, pháp luật để “cài cắm” các quyền phân bổ nguồn lực (tạo ra xin - cho) và các loại giấy phép, thủ tục không cần thiết, không hợp lý vào văn bản, nhằm phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc phe nhóm.
Ai cũng biết tham nhũng chính sách để lại những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước - như làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh, làm cho cả đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp hết sức khó khăn, làm cạn kiệt nguồn lực của quốc gia… Tuy nhiên, rất khó nhận diện tham nhũng chính sách, bởi về mặt kỹ thuật, cần có “chuyên môn” để nhìn ra sự “cài cắm” vốn được “ngụy trang” bởi những biện minh về yêu cầu quản lý nhà nước rất dễ “xuôi tai”. Hơn nữa, kể cả nhìn ra rồi thì sức mạnh của các nhóm lợi ích đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn để xử lý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần yêu cầu tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; tuyệt đối không để xảy ra “tham nhũng chính sách”. Mối quan tâm của lãnh đạo Quốc hội cho thấy phòng, chống tham nhũng chính sách rất cấp thiết và cũng là thách thức lớn.
Để loại bỏ tham nhũng chính sách trong những công đoạn thuộc trách nhiệm của Chính phủ, các giải pháp Bộ Tư pháp đề xuất trong báo cáo là chưa đủ! Phiên chất vấn hôm nay không giới hạn trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà mở rộng đến tất cả các đại biểu Quốc hội thông qua hình thức trực tuyến; tham gia giải trình có Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Một “không gian” như vậy, cùng với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước cử tri của đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ hẳn sẽ mang đến một phiên chất vấn chất lượng; trong đó sẽ làm rõ thực trạng tình hình và cung cấp các giải pháp chống tham nhũng chính sách một cách hữu hiệu để tránh được những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, cho nhân dân.