Hậu quả nặng nề vì tự sử dụng thuốc
Bất chấp những khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, không ít người dân vẫn tìm đến những bài thuốc 'truyền miệng', những 'thầy lang' không bằng cấp hay những loại thuốc được quảng cáo trên mạng không rõ nguồn gốc. Thậm chí, tình trạng 'tự làm bác sĩ', tự ý mua thuốc về sử dụng đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (63 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, sau khi nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, đã mua về tự điều trị. Đó là loại thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng. Sau khi sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành điều trị hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu. Tình hình bệnh nhân đã được cải thiện tốt hơn rất nhiều.
“Xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970. Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường dởm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ra ngộ độc” – bác sĩ Nguyên cho hay.
Thực tế, không chỉ xảy ra ở các bệnh nhân đái tháo đường, các trường hợp ngộ độc thuốc hoặc đang sử dụng thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng, sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc không hề hiếm.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, ghi nhận trường hợp bệnh nhân 70 tuổi có tiền sử đau viêm khớp nhiều năm nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đau khắp bụng, được các bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày. Bác sĩ Bùi Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp 2 của Bệnh viện cho biết: “Đây là một trong số nhiều trường hợp viêm loét, thủng dạ dày do dùng thuốc nam, thuốc bắc có trộn corticoid”.
Còn tại Bệnh viên Nhi trung ương, ghi nhận trường hợp cháu bé N.A (15 tuổi, ở Thanh Hóa) được chuyển đến lên Bệnh viện trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận. Trước đó, bố mẹ phát hiện chân trẻ bị phù nên cho trẻ đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán là mắc hội chứng thận hư. Gia đình cho trẻ về điều trị tại bệnh viện địa phương, nhưng do thấy kết quả chưa được như mong muốn nên đã không tuân thủ phác đồ của bác sĩ mà tự ý chuyển sang dùng thuốc nam, thuốc bắc. Được khoảng 2 tháng thì thấy sức khỏe trẻ ngày một yếu đi, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Trước khi nhập viện, N.A suy hô hấp, tăng huyết áp phải thở ô xy nên được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi trung ương: “Do bệnh nhi N.A đã suy thận mạn 3 tháng nay không uống thuốc đều và dùng thuốc nam nên tình trạng rất nặng, sẽ phải chạy thận nhân tạo trong khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Trẻ vẫn có cơ hội được chữa trị nhưng sẽ là một cuộc chiến lâu dài và cần được thay thận.”
Theo các chuyên gia y tế, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Việc mua thuốc trên mạng rất dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có nhân viên y tế chịu trách nhiệm tư vấn và theo dõi. Nguồn gốc và hiệu quả của các thuốc này là không rõ ràng và chưa được thông qua bất kỳ sự kiểm định nào. Trong khi đó, thói quen “tự làm bác sĩ” cũng có thể gây ra những hậu quả khôn lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe, thậm chí, chính vì thói quen này mà một số người đã vô tình bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), người dân cần cảnh giác và tránh xa những lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc. Khi nghi bị ngộ độc hoặc phản ứng với sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác..
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hau-qua-nang-ne-vi-tu-su-dung-thuoc-5709253.html