Hậu thâu tóm Coteccons, thách thức với bên thắng cuộc
Sau những bước đi có tính toán, cuối cùng nhóm cổ đông Kusto đã thành công trong việc nắm quyền quản trị điều hành quản lý ở Coteccons.
Ba mục tiêu đẹp
Sáng ngày 6/10, một ngày sau khi thông tin ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Coteccons được công bố chính thức ra bên ngoài, nhân viên Công ty truyền cho nhau bức thư ông Dương gửi anh chị em trong đại gia đình Coteccons và Unicons có tiêu đề tiếng Anh là Letter to family.
Trang web Công ty không còn là công cụ để ông Dương gửi thông điệp đến người lao động như khi ông vẫn còn đương nhiệm.
Cho đến buổi chiều hôm đó, lúc 15h 01 phút, bức thư của ông Dương mới được đăng lên trang web. Chỉ 5 phút sau, thư của Hội đồng quản trị đến cán bộ nhân viên Coteccons - Unicons cũng được đăng lên.
Bức thư này có lẽ một trong số ít ỏi những tài liệu đầu tiên do ông Bolat Duisenov, đại diện cổ đông lớn Kusto ký trên cương vị tân Chủ tịch Hội đồng quản trị, thay thế ông Dương kể từ ngày 5/10 vừa qua.
Bức thư của Hội đồng quản trị Coteccons trước tiên dành những lời cảm ơn cho đội ngũ người lao động, “đặc biệt là vị thuyền trưởng Nguyễn Bá Dương - người đã đặt nền móng cho Coteccons; người thủ lĩnh dẫn dắt, gắn kết đội ngũ cán bộ nhân viên Coteccons vượt qua mọi khó khăn, thách thức, người doanh nhân xuất sắc gây dựng thương hiệu, uy tín dẫn đầu của Coteccons trên thường trường”.
Sau đó bức thư nêu ba mục tiêu mà Coteccons cần đạt được:
Một là đảm bảo Coteccons luôn là công ty XÂY DỰNG số 1 Việt Nam, bền vững và lâu dài. Hai là xây dựng Coteccons không chỉ là thương hiệu Việt mà sẽ là thương hiệu được biết đến của khu vực; Ba là hài hòa tốt nhất lợi ích của cổ đông, nhân viên khách hàng, xã hội và nhà nước.
Hội đồng quản trị cam kết đồng lòng cùng các anh chị em để thực hiện các mục tiêu này và mong nhận được sự tin tưởng và gắn bó lâu dài của tập thể anh chị em Coteccons.
Chữ XÂY DỰNG được viết hoa cho thấy, Hội đồng quản trị hiện nay vẫn theo đuổi lĩnh vực kinh doanh chính của Coteccons là thầu xây dựng. Các mục tiêu này cũng đã được truyền đạt trong cuộc họp với cán bộ chủ chốt Coteccons khi việc ông Dương từ nhiệm chính thức thông báo trong nội bộ.
Nhưng Kusto sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này là câu hỏi mà cán bộ của Coteccons, những người đã tin tưởng tuyệt đối vào ông Dương cũng như các nhà đầu tư bên ngoài đặt ra.
Việc quản trị và điều hành hiện nay ở Coteccons nằm trong tay các thành viên Hội đồng quản trị là đại diện nhóm cổ đông lớn Kusto và The8.
Bên cạnh ông Bolat có ông Lý Xuân Hải, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, hiện đang là đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev, thành viên Hội đồng quản trị Coteccons.
Theo thông tin của Đầu tư Chứng khoán, trong các cuộc họp, ông Hải thể hiện vai trò không kém ông Bolat. Ngoài ra, còn có bà Trịnh Quỳnh Giao là đại diện theo ủy quyền cho ông Herwig Guido H.Van Hove, thành viên Hội đồng quản trị, đại diện cho cổ đông The8.
Bà Giao đã xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Coteccons hồi tháng 6 và đến Coteccons làm việc ngay sau đó. Ông Hải xuất hiện tại Coteccons tiếp sau.
Chưa có một thành viên Hội đồng quản trị nào của bên thâu tóm có năng lực chuyên môn sâu về lĩnh vực xây dựng.
Chưa có một thành viên Hội đồng quản trị nào của bên thâu tóm có năng lực chuyên môn sâu về lĩnh vực xây dựng.
Cho đến thời điểm này, chịu trách nhiệm chuyên môn về xây dựng vẫn do Tổng giám đốc Võ Thanh Liêm đảm nhận. Ông Liêm cũng là nhân sự trưởng thành dưới thời ông Dương.
Theo nguồn tin không chính thức, Kusto đã chuẩn bị tiếp quản điều hành Coteccons bằng việc tuyển dụng ông Trần Trí Gia Nguyễn, sinh năm 1970, Việt kiều Úc, tên thường gọi là Michael Trần.
Ông Michael Trần là cử nhân Quản lý xây dựng, Đại học Sydney - Úc, đã cống hiến nhiều năm cho đối thủ của Coteccons là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC).
Ông Michael Trần làm Giám đốc dự án Saigon Centre, một dự án có độ khó cao, quy mô 6 tầng hầm và 45 tầng cao, sau đó được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc HBC, chuyên phụ trách dự án của chủ đầu tư nước ngoài.
Michael Trần từ nhiệm ở HBC đúng 1 tháng trước khi diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên Coteccons vào 30/6 vừa qua và người trong nghề biết ông nhận được lời mời của Kusto.
Ông Michael Trần chắc chắn sẽ được bổ nhiệm chức vụ tại Coteccons. Ngoài ra, Kusto đề cử hai chuyên gia nước ngoài vào tiểu ban thuộc Hội đồng quản trị.
Một điểm quan trọng trong chiến lược phát triển Coteccons là mở rộng kinh doanh theo hướng nào? Hay nói đơn giản là Coteccons sử dụng khoản tiền gửi 3.681,7 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng tài sản như thế nào để gia tăng lợi nhuận cho Công ty.
Tại các kỳ Đại hội cổ đông trước, ông Dương nhiều lần thuyết phục cổ đông về việc góp vốn cùng các chủ đầu tư, là khách hàng của Cotecons để phát triển dự án cũng như hỗ trợ chủ đầu tư phát triển dự án.
Lợi nhuận từ đầu tư bất động sản có thể giúp lợi nhuận của Coteccons tăng trưởng vượt bậc bù lại sự suy giảm lợi nhuận của ngành xây lắp giảm do tính chu kỳ của thị trường bất động sản.
Nhưng chiến lược này không được Kusto, cổ đông lớn chấp nhận. Sau Đại hội cổ đông đưa được 5 đại diện vào Hội đồng quản trị, nhóm Kusto bắt đầu nắm quyền điều hành ở Coteccons, một chiến lược được công bố ra bên ngoài là “Tầm nhìn Công ty trong 5 đến 10 năm tới là sẽ bước ra các công trình ở thị trường quốc tế và gia tăng giá trị của Công ty”. Như vậy, tầm nhìn chiến lược của hai bên khác nhau ở điểm này.
Mây đen phía trước
Sau Đại hội cổ đông, Coteccons công bố trúng thầu thêm một số dự án, nhưng đó là những dự án đã đàm phán từ trước.
Kết quả kinh doanh quý II vẫn khả quan và quý III theo đà cũng vẫn có thể tốt. Nhưng không một hợp đồng mới nào được ký kết, trong khi Kusto bắt đầu tìm cách nắm quyền điều hành khi thay thế nhiều vị trí chủ chốt trong Công ty.
Ông Bolat làm Trưởng tiểu ban Chiến lược với quyền hạn tuyệt đối và xuyên suốt gồm cả “... thay mặt Hội đồng quản trị quyết định các vấn đề được Hội đồng quản trị ủy quyền, đôn đốc và phối hợp hoạt động các ủy ban khác, chỉ đạo công việc hàng ngày của Tổng giám đốc và Ban điều hành nhằm phối hợp và đồng bộ các hoạt động của Tổng giám đốc, Ban điều hành phù hợp chiến lược”.
Doanh thu ký mới không tăng sẽ phản ánh vào kết quả kinh doanh quý IV và năm 2021 của Coteccons.
Điều này có thể coi là bình thường trong quá trình Kusto “tái cơ cấu và chuyển đổi Coteccons”, nhưng để hướng đến tầm nhìn xa hơn, tìm được nguồn công việc và giữ được nhân sự ổn định bộ máy là hai mặt không tách rời trong sự phát triển của một nhà thầu.
Tìm việc phụ thuộc uy tín của cá nhân từng người lãnh đạo. Giữ nhân sự phụ thuộc vào chế độ đãi ngộ mà Kusto dành cho người lao động.
Dưới thời ông Dương, Coteccons được bình chọn là môi trường làm việc số 1, đặc biệt là chế độ khen thưởng, cổ phiếu thưởng rất hậu hĩnh.
Điều đó đem lại mục tiêu phấn đấu cho người lao động và để đội ngũ không sa vào cám dỗ tiêu cực trong việc ăn bớt nguyên vật liệu, thổi giá, quản lý vật tư tiêu hao..., góp phần đem lại cho Coteccons tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao nhất trong ngành.
Còn Kusto, bên đã nhiều lần phủ quyết chế độ thưởng cổ phiếu cho nhân viên, hiện nay cam kết chế độ ở mức độ “hài hòa tốt nhất lợi ích” giữa các bên.
Trong số đội ngũ đang làm việc ở Coteccons, không ít cán bộ chủ chốt đang làm việc để thực hiện cam kết của Ban lãnh đạo cũ về chất lượng công trình với chủ đầu tư. Khi hoàn thành dự án, chưa rõ họ tiếp tục ở lại hay đầu quân cho ông Dương.
Những yếu tố có thể dự báo trước này có thể có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu CTD. Ông Dương rời khỏi Coteccons với di sản là đã xây dựng Coteccons thành thương hiệu nhà thầu hàng đầu Việt Nam, lượng tiền gửi trong ngân hàng đến cuối quý II gần 3.700 tỷ đồng, tương đương 44.700 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, tài sản là trụ sở Công ty và thiết bị xây dựng trị giá gần 700 tỷ đồng, trong đó có những thiết bị chuyên dụng độc nhất ở Việt Nam.
Cổ phiếu CTD đang giao dịch quanh 60.000 đồng/cổ phiếu, sát với giá trị tài sản ròng của Công ty. Nếu giảm hơn nữa, rất có thể nhóm Kusto với nguồn tài chính dồi dào sẽ mua vào để tiếp tục sở hữu công ty họ đang làm chủ.
Liệu ông chủ ngoại Kusto và những người đại diện đang làm việc tại Coteccons có tiếp tục củng cố được thương hiệu nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam mà họ đã thâu tóm thành công?