'Hậu' thu hồi đất

Có tới gần 3.000ha đất của 50 dự án đang được TP Hà Nội xem xét, quyết định thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án. Trong đó có loạt dự án nhà ở, khu đô thị. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ra quyết định di dời 9 cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực trung tâm.

Theo kết quả rà soát của UBND TP Hà Nội, tính đến ngày 31/10/2023, trong 50 dự án (tổng diện tích 2.879,3ha đất) mà thành phố xem xét quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, có 32 dự án đã quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất; 18 dự án (tổng diện tích 305,8ha đất) tiếp tục làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trong số 32 dự án đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất có cả những dự án khu đô thị, nhà ở với quy mô lớn tại quận nội thành, như Dự án xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe tại khu đấu giá Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Dự án Tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng tại 162 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), Dự án tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở tại số 5 đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân)…

Ở đây, xin được đề cập đến việc sau khi di dời các cơ sở công nghiệp khỏi trung tâm, Hà Nội sẽ “dôi dư” diện tích đất khá lớn và những khu đất đắt như vàng ấy sẽ được sử dụng thế nào.

Thực tế cho thấy, sau khi di dời, trên nền một số cơ sở công nghiệp cũ đã nhanh chóng mọc lên những khu chung cư cao tầng. Không những không giảm tải cho nội đô mà còn “chồng tải” nặng nề hơn, gây ùn tắc giao thông nhiều hơn, ô nhiễm do rác thải cũng nhiều hơn.

Nói như PGS Phạm Thúy Loan (đại diện Mạng lưới di sản công nghiệp châu Á tại Việt Nam) thì hiện nay đại đa số các nhà máy đã di dời đều bị xóa trắng để xây dựng các chung cư cao tầng. Bà Loan bày tỏ mối lo ngại với số phận của Nhà ga xe lửa Gia Lâm, Nhà máy thuốc lá Thăng Long, Nhà máy Bia và nước ngọt Hà Nội khi đã di dời và coi đó là “thảm họa tiếp theo cho việc mất mát các di sản và các yếu tố văn hóa của Hà Nội".

Một số ý kiến cũng cho rằng, các cơ sở công nghiệp là minh chứng của một giai đoạn phát triển, đánh dấu phương thức sản xuất của xã hội tại thời điểm đó. Việc lưu giữ và bảo tồn một số công trình tiêu biểu là cách để đảm bảo sự tiếp nối của những giá trị văn hóa, lịch sử. Nếu loại bỏ hoàn toàn thì sẽ mất đi chuỗi liên tục hình ảnh của đô thị; một phần ký ức của Hà Nội sẽ biến mất.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số ý kiến lại cho rằng việc công nhận, xếp loại các công trình này là di sản công nghiệp đang thiếu hệ thống tiêu chí để đánh giá. Từ đó dẫn đến việc có cần phải bảo vệ như một di sản hay không. Sau di dời, những khu đất quý giá đó dành cho không gian công cộng thì dễ, nhưng liệu có phát huy tốt nhất hiệu quả khi mà quỹ đất nội thành Hà Nội coi như đã hết.

Từ đó, dẫn đến luồng ý kiến cho rằng, quỹ đất có được sau khi di dời một phần dành cho không gian công cộng (trong đó có công viên, nhà hát); một phần dành để xây trường học hoặc trung tâm thương mại, chung cư cao cấp. Tất nhiên mật độ xây dựng không được quá dày đặc.

Trong tất cả các ý định sử dụng diện tích đất sau di dời (tạm hiểu là có 3 hình thức: biến thành không gian công cộng; “xóa trắng”; xây dựng chung cư), thì nên dành một phần “lưu giữ ký ức” dưới dạng bảo tàng. Thực ra, điều này đã có kinh nghiệm từ việc ứng xử với di tích Nhà tù Hỏa Lò: Trên diện tích đất vốn là cái nhà lao khét tiếng thời thực dân ngay giữa lòng Hà Nội, nay đã có khu “tháp đôi” cao tầng hiện đại và vẫn còn một phần nhà tù cũ - chứng tích của thời gian.

Thế Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hau-thu-hoi-dat-10268304.html