Hãy chọn đúng chương trình hè cho con

Ma trận chương trình hè và những quảng cáo kiểu 'tung hỏa mù' khiến nhiều phụ huynh 'lạc lối', không thể ra quyết định lựa chọn dù rất muốn con được 'đi, trải nghiệm và lớn lên' mỗi dịp hè đến.

Thời gian qua, các chương trình hè lần lượt được gọi tên bao gồm khóa tu, học kỳ quân đội, trại hè, khóa học kỹ năng sống, dã ngoại... với những chia sẻ có tốt, có xấu và sau cùng, các bậc phụ huynh đều thừa nhận rằng chúng ta thiếu những hoạt động và môi trường vui chơi giải trí, cũng như rèn luyện cho trẻ, nhất là trẻ ở các TP lớn.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo ngại về chuyên môn của các báo cáo viên, trách nhiệm của đơn vị tổ chức, đặc biệt là trẻ sẽ học được gì với kiểu tổ chức “không biết đường nào mà lần” của các chương trình hè. Một số chương trình quảng cáo quá đà, tổ chức cẩu thả, giảng dạy lan man, không trọng tâm, trọng điểm.

Dưới đây là một số gợi ý để phụ huynh có thể lựa chọn cho con mình một chương trình hè thật ý nghĩa, bổ ích.

Chọn mặt gửi vàng

“Các cha mẹ ơi, hè này nên cho con tham gia chương trình gì? Đơn vị nào tổ chức ạ?” là câu cửa miệng của nhiều phụ huynh trong các diễn đàn cha mẹ, con cái. Đây là mấu chốt quan trọng để sàng lọc chương trình và đơn vị uy tín mà nhiều phụ huynh áp dụng thành công.

Việc tìm hiểu đơn vị, người tổ chức hoặc nơi cung cấp dịch vụ rất quan trọng, thậm chí quan trọng bậc nhất cho một chương trình hè. Các yếu tố như lĩnh vực hoạt động của đơn vị, người tổ chức là gì? Trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng tới đâu, hoạt động hè do họ tổ chức do ai điều phối, ai phụ trách và nội dung, lịch trình, chi phí có hợp lý chưa? Họ trong lời “truyền miệng” của phụ huynh khác ra sao? Cách chăm sóc, bảo vệ an toàn và giáo dục con trẻ của họ có phù hợp với văn hóa, giáo dục của người Việt không?

Bước này phụ huynh phải cẩn thận, tỉ mỉ, thu thập càng nhiều thông tin càng tốt.

Tôn trọng ý kiến của trẻ

Đôi khi phụ huynh đánh giá chương trình mang tính trải nghiệm, giáo dục và sáng tạo cao nhưng con không đủ kiên nhẫn, thể lực và tập trung chú ý để tham gia thì không nên ép con. Hoặc trẻ rụt rè, nhút nhát, sợ đám đông, sợ côn trùng cũng cần chú ý thuyết phục trẻ từ từ, không “quăng con vào đời” để con trải nghiệm trong tâm lý hoang mang, bất ổn.

Cha mẹ và các con có thể ngồi lại bàn luận, phân tích để đôi bên đồng thuận cho đến khi ra quyết định cuối cùng. Con cần trải nghiệm, rèn luyện để học hỏi, phát triển, không phải để cảm nhận sự bức bối, sợ hãi và cố làm hài lòng cha mẹ hay đi “để hành xác” bản thân, để “lớn lên” như người lớn mong muốn.

Ngược lại, các chương trình con thích nhưng phụ huynh kiểm tra và xác nhận nó nguy hiểm, không nhân văn, tính giáo dục thấp hoặc dung dưỡng “cái tôi” cao ngạo hoặc sự quản lý lỏng lẻo của đơn vị tổ chức cũng cần cân nhắc hoặc từ chối cho con tham gia.

 Trại hè Thanh Đa - sân chơi bổ ích cho con của công nhân, viên chức, người lao động tại TP.HCM luôn thu hút đông đảo học sinh tham dự mỗi dịp hè. Ảnh: BTC

Trại hè Thanh Đa - sân chơi bổ ích cho con của công nhân, viên chức, người lao động tại TP.HCM luôn thu hút đông đảo học sinh tham dự mỗi dịp hè. Ảnh: BTC

Đáp ứng chuyên môn

Bên cạnh một số trại hè, chương trình “đi cho vui”, chỉ với mục đích giải tỏa căng thẳng thì hầu hết chương trình hè đều có mục đích riêng và tiêu chí cần đạt, do đơn vị tổ chức chủ định hướng tới hoặc tạo ra. Phụ huynh xem xét mục tiêu của mình và con để chọn cho đúng.

Ví dụ, một lớp kỹ năng sống, khóa hè về bơi lội hay trại hè sáng tạo - nghệ thuật... cần người có chuyên môn và bằng cấp sư phạm, tâm lý, giáo dục, bơi lội, nghệ thuật... tương ứng đảm nhận.

Việc chỉ có kinh nghiệm thôi mà thản nhiên đứng lớp là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, kinh nghiệm không bao giờ đủ để làm thầy trẻ nhỏ. Chúng ta cần nhiều hơn việc chỉ có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, đặc biệt là chương trình hè đòi hỏi cân bằng giữa việc học tập và vui chơi.

Phụ huynh chỉ đồng ý khi báo cáo viên, người đứng lớp có kỹ năng sư phạm, được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến tâm lý như tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi... sẽ an tâm hơn rất nhiều, kể cả đó là khóa tu, giảng sư cũng cần trải qua các lớp đào tạo chuyên môn để đáp ứng vai trò đứng lớp.

Vì thiếu yếu tố chuyên môn này nên nhiều nội dung trong một số trại hè trở nên lố bịch, trò chơi nhảm nhí, người dẫn dắt ăn nói bổ bả, kém duyên, tổn thương, bạo hành tinh thần, thể chất người học, hướng dẫn viên “đầu độc” trẻ bằng những ngôn từ trái thuần phong mỹ tục và đạo đức.

Việc đòi hỏi được sắp xếp người dạy, báo cáo viên, điều phối có chuyên môn là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và biểu hiện cái tâm cần có của đơn vị cung cấp chương trình.

Kiểm tra uy tín

Cá nhân, tổ chức hoặc đơn vị có uy tín thì chỉ cần hoàn thành 1-2 chương trình đã khẳng định được, thậm chí bằng cấp, chứng chỉ đào tạo và “tiếng lành đồn xa” qua sự giới thiệu của người khác đã là minh chứng rất tốt, không chờ kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều năm mới có.

Do đó, việc thu thập thông tin từ bạn bè, người thân, người có chuyên môn, có uy tín về họ rất cần thiết, bên cạnh đó việc theo dõi trang thông tin chính thức của họ trên website, các mạng xã hội hay từ cơ quan làm việc của họ đều dễ dàng khẳng định được “chất lượng” mà họ mang đến.

Ở thời buổi công nghệ nở rộ, hầu hết đơn vị, cá nhân có uy tín đều có thể được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng (chính thống - thuộc các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị nhà nước quản lý).

“Test uy tín” là lựa chọn hay nhất giúp phụ huynh có thể tiếp cận được dịch vụ như mong đợi trong mùa hè này.

ThS LÊ MINH HUÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hay-chon-dung-chuong-trinh-he-cho-con-post796998.html