Hãy cứ coi golf là môn thể thao, tập luyện vì sức khỏe

Không còn chỉ là trò chơi của giới thượng lưu, golf giờ đây đang được nhiều người trẻ, thậm chí các bạn sinh viên đón nhận.

 Golf không còn chỉ là trò chơi của giới thượng lưu. Ảnh: luis_villasmil.

Golf không còn chỉ là trò chơi của giới thượng lưu. Ảnh: luis_villasmil.

Dạo một vòng trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay, không khó để bắt gặp những nam thanh niên, cô gái còn khá trẻ check-in hoặc một clip ngắn chia sẻ cảnh vung gậy tại sân golf. Nhiều người trong số này thậm chí là sinh viên mới ra trường, điều kiện tài chính ở mức trung bình khá.

Thực tế này trái ngược với suy nghĩ vốn tồn tại trong tư duy của nhiều người Việt khi golf là bộ môn quý tộc, chỉ dành cho người giàu.

Sự bùng nổ về nhu cầu chơi golf và tính linh hoạt trong chi phí

Nhắc tới golf, anh Đỗ Mạnh Cường (28 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ bản thân đã hứng thú với bộ môn này từ lâu và luôn muốn chơi thử khi có dịp. Tuy nhiên, nam thanh niên này cho rằng chi phí đầu tư cho golf rất đắt đỏ nên sẽ chỉ tính tới việc ra sân chơi sau khi đã xây dựng được một cuộc sống ổn định hơn.

Lướt điện thoại trong một dịp ngồi cà phê, anh Vũ Ngọc Khang (25 tuổi, ngụ Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tỏ ra ngưỡng mộ sau khi xem được hình ảnh một người bạn cũ chơi golf trên mạng xã hội.

“Phải có lý do người ta mới nói golf là môn dành cho người giàu. Riêng bộ gậy có khi cũng đã tới cả trăm triệu đồng”, Khang nói.

Trao đổi với Zing, HLV golf Trương Thành Trung (Hà Nội) cho biết trong vòng hơn 10 năm qua, số lượng người tìm tới golf đã tăng lên gấp nhiều lần, nhất là những người trẻ tuổi.

 HLV golf Trương Thành Trung cho hay nhu cầu chơi golf của người Việt tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh: NVCC.

HLV golf Trương Thành Trung cho hay nhu cầu chơi golf của người Việt tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh: NVCC.

“Ở thời điểm hiện tại, trong phạm vi một sân golf, số lượng người trẻ thậm chí chiếm đa số. Đây là điểm rất khác so với thời gian trước, khi người chơi golf hầu hết đều từ trung niên trở lên”, huấn luyện viên này nói.

Về chi phí, HLV Trung cho hay với một người mới, chúng ta có thể rất linh hoạt trong những lựa chọn để phù hợp với nhu cầu cũng như điều kiện cá nhân.

Cụ thể, khoản phí đầu tiên cho người mới tập golf sẽ đến từ những khóa học kỹ thuật cơ bản. Đây là việc cần thiết nếu muốn theo đuổi bộ môn này lâu dài. Theo HLV Trung, trung bình, phí đào tạo này có thể rơi vào khoảng từ 10 đến 40 triệu đồng.

“Sự chênh lệch giữa các mức phí hướng dẫn chơi golf nằm ở năng lực của huấn luyện viên. Với một số huấn luyện viên tạm gọi là ‘dạy dạo’, không có giáo án hay quy trình… chi phí thường khá rẻ. Ngược lại, với những huấn luyện viên có bằng cấp, chứng chỉ, được công nhận, mức phí đào tạo sẽ cao hơn”, vị chuyên gia cho hay.

Khoản phí thứ 2 đến từ giày, găng tay đánh golf. Với giày, tùy vào chất lượng cũng như tiếng tăm của thương hiệu, giá có thể dao động từ 2 đến 10 triệu đồng. Trong khi đó, giá của một đôi găng tay golf thường ở mức vài trăm nghìn đến một triệu đồng.

Khoản phí thứ 3 là bộ gậy đánh golf. Theo HLV Trung, gậy đánh golf có rất nhiều phân khúc khác nhau. Tuy nhiên, vị chuyên gia này chia thành 2 loại chính là gậy cũ và gậy mới.

Với gậy cũ, trên thị trường hiện cũng có rất nhiều loại. Có những bộ gậy cũ nhưng chất lượng vẫn tốt và ngược lại, một số bộ gậy rất cũ, cũ vừa… Chi phí cho những bộ gậy này thường rơi vào khoảng 15-20 triệu đồng/bộ.

Với những bộ gậy mới, 3 loại gồm gậy tầm thấp, tầm trung và nhóm cao cấp. Trong đó, nhóm gậy tầm thấp thường có mức giá khoảng 30 triệu đồng/bộ (full set). Dù vậy, những bộ gậy này có chất lượng không tốt và không được khuyên dùng. Thay vào đó, việc lựa chọn gậy cũ thậm chí giúp người chơi có trải nghiệm tốt hơn.

Nhóm gậy tập trung sẽ có mức giá khoảng từ 50 đến 70 triệu đồng. Đây là những bộ gậy thường được khuyên dùng nhất với mức phí phù hợp cùng chất lượng được đảm bảo.

Cuối cùng, nhóm gậy cao cấp có thể có những mức giá từ hàng trăm triệu đến hơn một tỷ đồng. Tuy nhiên, mức phí đắt không đồng nghĩa những bộ gậy này có chất lượng tốt hơn. Yếu tố giá cả ở phân khúc gậy cao cấp còn liên quan đến thương hiệu, thậm chí lượng vàng bọc trên gậy. Nhóm gậy này thường hướng tới những người có điều kiện hoặc có mục đích biếu, tặng.

“Thực ra việc đầu tư cho golf chỉ đắt ở thời điểm ban đầu, khi chúng ta phải bỏ tiền để học, mua gậy, trang phục, phụ kiện… Còn sau đó, chi phí lên sân ở thời điểm hiện tại đã rẻ hơn rất nhiều”, HLV Trung cho hay.

Trên thực tế, khoản chi phí cuối cùng là việc lên sân chơi golf cũng rất linh hoạt. Cụ thể, người chơi golf có thể chi trả cho một vòng golf từ 1,5 đến 3 triệu đồng. Người có điều kiện có thể chơi nhiều lần trong một tháng và ngược lại, giảm tần suất chơi nếu muốn.

Mặt khác, nếu không muốn chịu nắng, mưa hoặc phải chi trả cho số tiền quá lớn từ việc lên sân, một số người lựa chọn chơi trong phòng 3D. Lúc này, mức phí chỉ khoảng 500.000 đồng cho một vòng 18 hố, kéo dài từ 3 đến 4 giờ.

“Tất cả đều là những lựa chọn để người mong muốn chơi golf có thể đến với bộ môn này tùy điều kiện cá nhân”, HLV Trung nhận định.

Nên coi golf là một bộ môn thể thao tốt cho sức khỏe

Từ đây, HLV Trung khẳng định suy nghĩ của nhiều người cho rằng golf chỉ là bộ môn cho giới quý tộc, thượng lưu hoàn toàn sai.

“Thực ra, golf cũng chỉ là một môn thể thao. Và ở một quốc gia, khi một môn thể thao được đại chúng đón nhận, nó mới có thể trở nên chuyên nghiệp, từ đó sản sinh ra nhiều người giỏi”, vị chuyên gia nói.

Theo HLV Trung, hiện nay, rất nhiều người cũng bắt đầu tìm hiểu về golf, trong đó có cả sinh viên, nhân viên văn phòng… Đương nhiên, việc đầu tư hay thời lượng lên sân của nhóm này cũng có phần hạn chế.

Dẫu vậy, lợi ích của golf là không cần bàn cãi. HLV Trung nói: "Một buổi tập của một người đánh 100 bóng, chỉ đứng một vị trí và thực hiện cú 'swing' có thể tiêu tốn gấp đôi lượng calo khi người đó tập gym".

Nguyên nhân là các động tác trong golf đòi hỏi sự vận hành của cả cơ thể. Mặt khác, người chơi golf cũng thường phải tập trung cao độ cho từng cú đánh, xoay ra sao, tay cầm như thế nào. Điều này cũng khiến người tập tiêu tốn nhiều calo.

 Hiền Hoàng (26 tuổi, ở Hà Nội) đã bắt đầu tập golf được 3 tháng và nhanh chóng thích thú với bộ môn này. Ảnh: NVCC.

Hiền Hoàng (26 tuổi, ở Hà Nội) đã bắt đầu tập golf được 3 tháng và nhanh chóng thích thú với bộ môn này. Ảnh: NVCC.

"Đôi khi, môn thể thao này còn giúp kéo gần hơn các mối quan hệ như bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và cả gia đình. Golf cũng là một trong số ít những môn thể thao mọi thành viên trong gia đình có thể chơi chung trong cùng một thời điểm", HLV Trung nói thêm.

Mặt khác, cũng như nhiều môn thể thao, golf cũng mang tới nhiều khó khăn cho người chơi và đòi hỏi một quá trình tập luyện nghiêm túc.

HLV Trung cho rằng điểm khó khăn nhất cho người mới chơi golf là việc bố trí thời gian. Theo vị chuyên gia này, để có một cú đánh tốt trên sân, người chơi sẽ mất khoảng 2-3 tháng tập luyện rất nhiều.

“Ngay cả khi có một huấn luyện viên theo kèm, công sức bỏ ra để tập luyện và thuần thục các động tác là rất lớn. Song song với đó, người chơi cũng cần tự thực hành sau khi học với huấn luyện viên”, HLV Trung nói.

Bản thân golf vốn cũng là bộ môn khá khó với việc sử dụng gậy có cán dài, mặt tiếp xúc với bóng nhỏ. Do đó, hoạt động đánh golf không diễn ra theo cách của các môn thể thao khác như cầu lông, tennis là dùng tay để đánh vào vị trí bóng. Golf đòi hỏi sự vận hành của cả cơ thể.

Do đó, rất nhiều người không thể thu xếp thời gian để học, tập luyện và dẫn đến gặp trở ngại khi chơi.

Từ đây, HLV Trung gợi ý với những người mới, việc cần làm để tiến bộ tốt trong golf là lựa chọn một huấn luyện viên có kỹ năng sư phạm tốt, đồng thời cố gắng dành thời gian tập luyện.

“Tôi luôn nói với các học viên rằng để có một buổi chơi tốt trên sân golf, họ buộc phải đánh ít nhất từ 4.000-5.000 quả bóng”, huấn luyện viên này nói.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hay-cu-coi-golf-la-mon-the-thao-tap-luyen-vi-suc-khoe-post1376084.html