Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ!

LTS: 'Stay hungry. Stay foolish' (tạm dịch: Hãy cứ khao khát. Hãy cứ dại khờ) là câu nói nổi tiếng, gói trọn tâm ý của Steve Jobs trong bài phát biểu của ông tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford vào năm 2005. Bài phát biểu để đời này thậm chí còn trở thành một trong những bài diễn văn tốt nghiệp nổi tiếng nhất và truyền cảm hứng nhất trong lịch sử nhân loại.

Sở dĩ như vậy vì sinh thời, vị thuyền trưởng vĩ đại của Apple khá kín tiếng, gần như không bao giờ nói về đời tư. Những chia sẻ của ông về thân thế, sự nghiệp, tình yêu và sự mất mát... trong diễn văn kể trên có thể xem là ngoại lệ hiếm hoi.

Là đồng sáng lập viên, chủ tịch và cựu Tổng giám đốc điều hành (CEO) của hãng Apple, Steve Jobs được đánh giá là một trong những CEO thành công nhất thế giới. Ông cũng được coi là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất ở ngành công nghiệp vi tính. Steve Jobs qua đời vì biến chứng ung thư tuyến tụy vào sáng 5.10.2011, để lại sự tiếc nuối cho không chỉ hãng Apple mà còn đông đảo người yêu mến ông trên toàn thế giới.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Steve Jobs (24.2.1955-24.2.2025), Người Đô Thị giới thiệu bạn đọcbài viết của PGS-TS. Nguyễn Trung Dân - người có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của vật liệu bán dẫn[*] nhằm nhìn lại sự nghiệp của vị doanh nhân và cũng huyền thoại về đổi mới sáng tạo này.

Steve Jobs phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Stanford. Nguồn ảnh: L.A. Cicero/Stanford.edu

Steve Jobs phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Stanford. Nguồn ảnh: L.A. Cicero/Stanford.edu

Nhà đổi mới sáng tạo vĩ đại

Steve Jobs, nhà đồng sáng lập Apple sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955. Ông qua đời ở tuổi 56 (năm 2011) nhưng di sản và ảnh hưởng của ông để lại vẫn còn mãi. Sự nghiệp của Steve Jobs đồng nghĩa với đổi mới sáng tạo, không ngừng theo đuổi sự hoàn thiện và xuất sắc trong công nghệ và kinh doanh. Dù chưa bao giờ tốt nghiệp đại học (ông bỏ học sau 6 tháng vào đại học), nhưng những gì ông làm đã truyền cảm hứng cho không biết bao nhiêu các kỹ sư, các nhà khoa học và công nghệ lớn hàng đầu trên toàn thế giới. Những đóng góp của ông trong công nghệ, đặc biệt và về thiết kế sản phẩm công nghệ, đã góp phần định hình thế giới hiện đại.

Trong lịch sử phát triển kỹ thuật và công nghệ, ông thuộc nhóm một số rất nhỏ các nhà đổi mới sáng tạo vĩ đại. Riêng ở Mỹ những người như vậy chỉ bao gồm Thomas Edison, Alexander Bell, Henry Ford và Walt Disney. Không ai trong số những người này là thánh, nhưng sau khi họ mất đi lịch sử vẫn ghi nhớ cách họ vận dụng trí tưởng tượng của họ vào phát triển công nghệ và cả kinh doanh.

Steve Jobs giới thiệu chiếc MacBook đầu tiên tại sự kiện Macworld năm 2008. Ảnh: Reuters

Trong quyển sách Steve Jobs, nhà văn Walter Isaacson, người chuyên viết tiểu sử các nhân vật nổi tiếng trong đó có Henry Kissinger, Benjamin Franklin và Albert Einstein, đã cho rằng câu chuyện của Steve Jobs là một huyền thoại về đổi mới sáng tạo.

Steve Jobs sáng lập ra công ty Apple cùng với một người bạn trong gara xe của cha mẹ ông vào năm 1976. Cho đến đầu những năm 1980 Apple đã trở thành công ty có hàng ngàn nhân viên với các sản phẩm là các máy tính cá nhân Macintosh nổi tiếng. Máy tính cá nhân ra đời trên thực tế là một đột phá trong lĩnh vực công nghệ tin học, mở ra cuộc cách mạng tin học như ngày nay chúng ta đang chứng kiến.

Ngôi nhà thuở nhỏ và trụ sở của Apple cũng chính là gara xe. Ảnh: lemonde.fr

Ngôi nhà thuở nhỏ và trụ sở của Apple cũng chính là gara xe. Ảnh: lemonde.fr

Vào năm 1985 ông bị Hội đồng Quản trị của Apple thời bấy giờ sa thải khi đang là CEO của công ty. Đau buồn nhưng không nản chí, ông lập ra công ty khác và lại mở ra một đột phá mới về lĩnh vực điện ảnh hoạt hình dùng máy tính. Bộ phim hoạt hình máy tính Toy StoryFinding Nemo là một trong các phim hoạt hình có doanh số cao nhất trong lịch sử, mở ra kỷ nguyên kỹ thuật số trong điện ảnh.

Đến năm 1997 ông quay trở lại để "giải cứu" Apple lúc này trên bờ vực phá sản, để rồi sau đó ông đã xây dựng công ty với logo là quả táo cắn dở này trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.

Steve Jobs giới thiệu máy tính cá nhân Macintosh năm 1984. Ảnh: education.apple.com

Trong suốt chặng đường ngắn ngủi đó, Steve Jobs đã góp phần giúp biến đổi một cách căn bản 7 ngành công nghiệp: máy tính cá nhân, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, cửa hàng bán lẻ và xuất bản kỹ thuật số, chưa kể đến những đóng góp đó có ý nghĩa quan trọng trong cuộc các mạng tin học. Chẳng hạn như, trước khi máy tính cá nhân ra đời, cho đến cuối những năm 1970 đầu những năm 1980, mỗi một cỗ máy tính to bằng cả phòng làm việc có trị giá hàng triệu đô la chỉ được sử dụng ở một số rất ít các cơ quan chính phủ và các phòng thí nghiệp quốc gia, một số công ty lớn...

Với số lượng máy tính ít ỏi như vậy, nhu cầu đào tạo kỹ sư, chuyên gia máy tính và tin học trên toàn thế giới là hết sức nhỏ. Nhờ có máy tính cá nhân mà cho đến cuối những năm 1990, máy tính đã trở thành vật dụng phổ biến không thể thiếu đối với hầu hết các gia đình ở các nước tiên tiến. Ngày nay, mỗi năm có thêm hàng triệu kỹ sư và chuyên gia về máy tính, lập trình đem lại vô vàn các đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tin học áp dụng trong mọi mặt của xã hội, góp phần làm thay đổi cuộc sống của mọi người dân trên hành tinh.

Steve Jobs và Bill Gates, hai nhà cách mạng tiên phong về máy tính cá nhân tại hội nghị All Things Digital, 2007. Ảnh: CNET

Steve Jobs và Bill Gates, hai nhà cách mạng tiên phong về máy tính cá nhân tại hội nghị All Things Digital, 2007. Ảnh: CNET

Cuộc đời của Steve Jobs, như ông tự kể, không hề thuận lợi và may mắn. Ngay từ khi chưa lọt lòng ông đã bị mẹ ruột đem cho đứa con của bà với người đàn ông gốc Syria chỉ vì lí do tôn giáo (ông là người theo đạo Hồi) họ không thể kết hôn. Sau này, khi Steve Jobs đã thành danh, người cha đã mong muốn tìm cách nhận lại con trai nhưng ông đã từ chối vì cho rằng cha mình đã ruồng bỏ ông... Có thể vì lớn lên trong hoàn cảnh như vậy mà Steve Jobs có tính cách khá lạnh lùng, thậm chí có nhiều đồng nghiệp cho ông là người lãnh đạo chuyên quyền, khắt khe, thiếu kiên nhẫn và thiếu đồng cảm khiến đồng nghiệp xa lánh.

Ông cũng là người hay nóng nảy và dễ gây ra xung đột. Có thể, một phần đó cũng là những đặc tính của người luôn được tôn vinh vì tài năng xuất chúng, nhưng cũng có thể những đặc điểm đó xuất phát từ một người khát vọng lãnh đạo luôn bị thôi thúc đổi mới sáng tạo.

Macintosh, iPhone, iPad và hơn thế nữa

Dưới đây là một số đổi mới và đóng góp mang tính biểu tượng nhất của Steve Jobs.

Macintosh, được trình làng vào năm 1984, là máy tính cá nhân thành công về mặt thương mại đầu tiên có giao diện người dùng đồ họa, màn hình và chuột tích hợp. Nó làm cho các máy tính thế hệ sau trở nên dễ tiếp cận và thân thiện hơn với người dùng, đồng thời tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực điện toán dùng cho cá nhân và cho các doanh nghiệp.

Pixar Animation Studios, ra mắt năm 1986, đã trở thành một biểu tượng của đổi mới sáng tạo, cách mạng hóa cách kể chuyện hoạt hình với các bộ phim như Toy StoryFinding Nemo.

iPod - xuất hiện vào năm 2001 - và cửa hàng iTunes đi kèm của nó đã thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc bằng cách cung cấp một cách hợp pháp, liền mạch để mua các bài hát và album rồi lưu trữ chúng dưới dạng kỹ thuật số. Nó định nghĩa lại việc tiêu thụ âm nhạc. Bằng cách kết hợp đổi mới phần cứng với hệ sinh thái mang tính cách mạng, Stave Jobs đã chứng minh rằng công nghệ có thể phá vỡ các ngành công nghiệp lâu đời và tạo ra giá trị cho người sáng tạo cũng như cho người dùng.

IPhone, được ra mắt vào năm 2007, tích hợp điện thoại, máy nghe nhạc và kết nối Internet. Nó đã cách mạng hóa công nghệ điện thoại di động và định hình lại toàn lĩnh vực truyền thông toàn cầu. Thiết bị này đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu cho điện thoại thông minh mà các nhà sản xuất khác hiện đã áp dụng.

iPad, được giới thiệu vào năm 2010, là sản phẩm đi tiên phong trong một kỷ nguyên mới về điện toán di động, nâng cao khả năng tiêu thụ và khả năng sáng tạo.

Khuôn viên Apple Park của công ty Apple. Trụ sở này được nhiều người gọi là “phi thuyền” nhưng người Apple gọi nó là “chiếc nhẫn“. Ảnh: Business Insider

Khuôn viên Apple Park của công ty Apple. Trụ sở này được nhiều người gọi là “phi thuyền” nhưng người Apple gọi nó là “chiếc nhẫn“. Ảnh: Business Insider

Apple Park đã đưa ra một định nghĩa mới về khuôn viên công ty công nghệ cao. Một trong những dự án cuối cùng mà Steve Jobs đề xuất là xây dựng khuôn viên công ty có hình tròn ở Cupertino, California. Được đặt biệt danh là "tàu vũ trụ" khi khai trương vào năm 2017, cơ sở này có 12.000 nhân viên trong một tòa nhà bốn tầng có bãi đậu xe ngầm. 80% diện tích khu đất được dùng để tạo cảnh quan. Steve Jobs không sống được đến ngày Apple Park hoàn thành nhưng ông đã góp phần thiết kế nó. Ông nói: “Tòa nhà hoàn toàn cong, không có một tấm kính thẳng nào trong tòa nhà này cả.” Như nhận định của Simon Sadler - giáo sư thiết kế tại Đại học California, Davis trong một bài báo trên Places Journal thì Stave Jobs cũng là một kiến trúc sư.

Steve Jobs đã chứng tỏ giá trị của việc kết hợp công nghệ, nghệ thuật và thiết kế lấy người dùng làm trung tâm. Di sản và triết lý của ông thể hiện sự đơn giản, sang trọng và tiện dụng.

Những bài học chính từ sự nghiệp của Steve Jobs

Cuộc đời và sự nghiệp của Jobs mang lại những hiểu biết sâu sắc có giá trị cho các nhà công nghệ, nhà phát triển, nhà tiếp thị và lãnh đạo doanh nghiệp. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng ngày nay, năm bài học quan trọng từ di sản của ông vẫn đặc biệt phù hợp.

1. Đổi mới đòi hỏi tầm nhìn táo bạo và chấp nhận rủi ro. Jobs đã tạo ra những sản phẩm mà mọi người thậm chí không nhận ra là họ cần cho đến khi họ trải nghiệm chúng. Ông có câu nói nổi tiếng: “Việc của khách hàng không phải là biết họ muốn gì”. Jobs đã chứng minh rằng sự đổi mới có thể đến từ việc chấp nhận những rủi ro và dám vượt qua các ranh giới lúc bấy giờ: về công nghệ, về thị hiếu và nhu cầu của ngườu tiêu thụ... Hơn nữa, Jobs còn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo liên tục thay vì chỉ dựa vào những sản phẩm thành công và ông đã thúc đẩy Apple liên tục cải tiến và sáng tạo.

Steve Jobs cùng iPhone thế hệ đầu tiên năm 2007. Ảnh: Business Insider

2. Sự đơn giản là sự tinh tế tột cùng. Jobs chủ trương tối giản và rõ ràng trong thiết kế cũng như giao diện với người dùng. Ông cũng chỉ ra rằng sự đơn giản giúp nâng cao khả năng sử dụng. Cách tiếp cận của ông nhấn mạnh tầm quan trọng của trải nghiệm người dùng. Bất kể mức độ phức tạp về công nghệ, sự thành công của sản phẩm phụ thuộc vào khả năng tiếp cận, thiết kế trực quan và giá trị của nó đối với người dùng. Bài học của ông dành cho các nhà công nghệ và nhà phát triển là loại bỏ sự phức tạp và tập trung vào những gì thực sự quan trọng.

3. Đam mê và kiên trì dẫn đến thành công. Sự nghiệp của Jobs được đánh dấu bằng những thất bại lớn và những thàng công vượt trội. Sau khi bị sai thải khỏi Apple trong cương vị CEO, Jobs đã thành lập công ty là NeXT và tham gia điều hành Pixar trước khi trở lại Apple vào năm 1997 để thực hiên một cuộc lội ngược dòng đáng chú ý nhất trong lịch sử phát triển công nghệ. Câu chuyện nêu bật giá trị của sự kiên cường và niềm đam mê. Đối với các kỹ sư và nhà khoa học, sự kiên trì là rất quan trọng vì thất bại thường đi trước những đột phá trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới.

4. Công nghệ phải phục vụ người dùng. Nguyên tắc của Steve Jobs là công nghệ phải phục vụ mục đích đáp ứng nhu cầu của con người. Đó là mục tiêu thúc đẩy các kỹ sư và nhà công nghệ tập trung đổi mới sáng tạo vào trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ sinh học và các lĩnh vực khác, giải quyết nhu cầu của con người đồng thời xem xét các tác động về mặt đạo đức và xã hội.

5. Thách thức lối suy nghĩ thông thường. Chiến lược khác biệt của Apple đã gói gọn triết lý của Jobs: Thách thức các chuẩn mực, đặt câu hỏi về những giới hạn và theo đuổi những ý tưởng độc đáo có thể thay đổi thế giới. Tầm nhìn của ông khuyến khích các nhà nghiên cứu và kỹ sư vượt qua các ranh giới và khám phá những biên giới mới.

Steve Jobs qua đời ở tuổi 56 nhưng di sản và ảnh hưởng của ông để lại vẫn còn mãi. Ảnh: markettimes.vn

Steve Jobs qua đời ở tuổi 56 nhưng di sản và ảnh hưởng của ông để lại vẫn còn mãi. Ảnh: markettimes.vn

Những hiểu biết ban đầu của Jobs về AI

Nhiều thập kỷ trước khi AI bùng nổ, Jobs đã đoán trước được tiềm năng to lớn của nó. Trong bài phát biểu năm 1983 tại Hội nghị Thiết kế Quốc tế ở Aspen (Colorado), ông dự đoán các hệ thống do AI điều khiển về cơ bản sẽ định hình lại cuộc sống hàng ngày. Tầm nhìn của ông cách đây hơn 40 năm phù hợp với những tiến bộ ngày nay trong lĩnh vực AI.

Ông nói: “Một ngày nào đó, một học sinh sẽ không chỉ đọc được lời của Aristotle mà còn có thể hỏi Aristotle một câu hỏi và nhận được câu trả lời”.

Jobs còn dự đoán những tiến bộ trong mô hình AI vốn được phát triển lấy cảm hứng từ não bộ. Ông tin rằng điện toán sẽ phát triển nhờ hiểu biết về cấu trúc của bộ não và ông dự đoán những đột phá sắp xảy ra. Sự ủng hộ ban đầu của ông đối với các công nghệ dựa trên AI - chẳng hạn như nhận dạng giọng nói, computer vision (một loại AI cho phép máy tính nhận dạng và giải thích dữ liệu hình ảnh) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên – thể hiện trong việc Apple mua lại Siri vào năm 2010, bước đầu đưa hỗ trợ cá nhân bởi AI vào cuộc sống hàng ngày. Nếu còn sống, ông có thể sẽ là người đi đầu trong đổi mới AI, thúc đẩy những kết nối có ý nghĩa hơn với người dùng.

Di sản lâu dài của Jobs trong việc định hình máy tính cá nhân cho thấy rằng nếu ông còn sống để chứng kiến cuộc cách mạng AI đang diễn ra, ông sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình nó như một công cụ cho sự tiến bộ và sáng tạo của con người.

New York, 22.2.2025.

Nguyễn Trung Dân

___________________

[*] PGS-TS. Nguyễn Trung Dân đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng của bán dẫn, từ các ứng dụng cơ bản đến các ứng dụng hết sức đặc biệt như máy tính Quang tử và lượng tử... Hiện ông đang là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning, New York, Mỹ. Trước đây, ông là phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Arizona và từng nghiên cứu chính cũng như chủ trì một số đề tài nghiên cứu của Air Force Research Lab, Naval Research Lab và Office of Naval Research của Bộ Quốc phòng Mỹ. Cuốn sách “Khi con chip lên ngôi” của ông phát hành hồi đầu năm 2025 đã lập tức nhận được sự quan tâm của rộng rãi độc giả, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực hữu quan.

Tài liệu tham khảo:

1. ‘Steve Jobs’, Big Book, October 24, 2011 by Walter Isaacson (Author)

2. https://en.wikipedia.org/wiki/Steve_Jobs

3.San Murugesan ‘Celebrating Steve Jobs’s Impact on Consumer Tech and Design A look back at his career on what would have been his 70th birthday’, IEEE Spectrum 10.2.2025 https://spectrum.ieee.org/steve-jobs

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hay-cu-khao-khat-hay-cu-dai-kho-47152.html