Hãy cứu sông Mê Kông trước khi quá muộn
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả - TS Nguyễn Văn Lạng đã có những đề xuất, góp ý trong việc bảo vệ và khai thác hiệu quả dòng sông Mê Kông.
Những ngày qua người ta quá tập trung sự quan tâm vào các biến cố "nóng" trên thế giới và trong nước nên có vẻ ít ai quan tâm tới tình hình biến đổi khí hậu, điều đáng lo ngại lâu dài đối với kinh tế, xã hội và dân sinh vùng châu thổ sông Mê Kông. Khi Ủy hội sông Mê Kông họp đã đưa ra những báo cáo nhận định về các biến đổi khác thường được dự báo từ trước, diễn ra với dòng sông dài thứ 12 trên địa cầu.
Mê Kông, dòng sông lớn nhất khu vực Đông Nam Á bắt nguồn từ vùng Suối Lạp Tái Cống Mã, cao nguyên Tây Tạng, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ vào Việt Nam.
Với chiều dài 4.350km (2.700 miles) và vùng lưu vực rộng lớn tới 795.000km2, dòng sông hằng năm cung cấp lượng nước khổng lồ với lưu lượng dòng chảy có khi lên tới 39.000 mét khối /giây và lúc thấp nhất là 16.000 mét khối/giây. Đây là dòng sông có lưu lượng nước chảy đứng thứ 10 châu Á.
Sông Mê Kông chảy qua nhiều nước châu Á - Ảnh: Wikipedia
Mê Kông đã cung cấp nước cho cư dân hai bên nó lên tới hàng trăm triệu người. Sông mang phù sa bồi bổ cho bao cánh đồng lúa nước cây trái hoa màu. Nguồn thủy sản đa dạng và vô cùng to lớn bao đời nay. Mê Kông còn là tài nguyên rất lớn cho thủy điện của các quốc gia mà nó chảy qua những vùng hiểm trở và chênh cao địa hình. Trên dòng chảy ấy, dòng sông đã tạo ra bao thác ghềnh, cảnh quan kỳ vĩ có thể khai thác du lịch, làm giàu cho các quốc gia trong lưu vực. Không thể cân đong đo đếm hết được những tác dụng, lợi ích mà dòng Mê Kông mang lại cho nông nghiệp, ngư nghiệp, điện năng, du lịch...
Nhưng vài chục năm gần đây dòng sông đã “dở chứng”: Nguồn nước cạn dần đi, dòng chảy thay đổi, cá tôm ít, phù sa giảm hẳn, khô hạn thiếu nước ở hạ lưu kéo theo xâm nhập mặn lớn... tạo nên sự đảo lộn cuộc sống cư dân vùng hạ nguồn, nhất là Việt Nam và Campuchia. Vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và vùng Biển Hồ của Campuchia ít còn mùa nước nổi.
Nguyên nhân thì nhiều. Nhưng có lẽ tựu chung là các yếu tố chính sau đây:
- Trước hết là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Lượng mưa cả lưu vực giảm đáng kể.
- Hai là do các nước đua nhau xây dựng công trình thủy điện, thủy lợi trên sông, chủ yếu ở khu vực thượng nguồn. Theo thống kê chưa đầy đủ, có gần 20 công trình lớn nhỏ, nhiều nhất là Trung Quốc với các công trình như Wunong Long, Lidi, Tuoba, Huangden, Manwan, Dachaoshan, Nuozhadu, Jing hong...
Trên phần trung lưu Lào cũng có 3 - 4 đập thủy điện… Việt Nam cũng 6 - 7 công trình trên sông Sê San (tỉnh Gia Lai), Serepok (Đắk Lắk)...
- Ba là thảm thực vật bị mất quá nhiều, quá nhanh…
Còn nhiều nguyên do chủ quan, khách quan khác.
Dòng Mê Kông thay đổi quá nhanh, quá lớn… đã tạo ra bao bất lợi cho các quốc gia cuối nguồn - hạ lưu, nhất là Việt Nam.
Lưu lượng nước đổ về đã thay đổi không như quy luật tự nhiên từ hàng ngàn năm trước. Không còn mùa nước nổi hằng năm cho đồng bằng châu thổ Biển Hồ (Campuchia), đồng bằng châu thổ trù phú Nam Bộ (Việt Nam). Mùa khô, nước các hồ thủy điện xả nhiều hơn, lưu lượng ổn định hơn do sản lượng điện yêu cầu. Mùa mưa các thủy điện tích nước. Khi có nguy cơ do mưa lũ lớn, các nhà máy thủy điện thi nhau xả nước để an toàn công trình, nước đổ về hạ lưu nhiều dồn dập cấp tốc… gây lũ lớn. Sinh thái môi trường vùng lưu vực Mê Kông cũng đã thay đổi quá lớn, làm mất cân bằng sinh thái. Mất đa dạng sinh học lưu vực. Nguồn thủy sản giảm sút nghiêm trọng cả về số lượng loài cũng như trữ lượng và sản lượng đánh bắt của ngư dân.
Trong những năm gần đây, sông Mê Kông có nhiều thay đổi bất thường gây hại cho môi trường và cuộc sống của con người - Ảnh: Thiennhien.net
Hạ lưu thiếu nước nghiêm trọng. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản gây tình trạng mặn hóa do xâm nhập mặn từ biển Đông vào sâu đất liền ngày càng gia tăng.
Phù sa ít tích tụ. Đó chính là thủ phạm của sự giảm sút GDP trong canh tác lúa nước. Các quốc gia buộc phải đầu tư ngăn mặn, tích nguồn nước, cũng như thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi… Sự thay đổi chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long từ xưa tới nay…
Tình trạng nghiêm trọng này khó cải thiện và càng ngày càng khó khăn cho kinh tế nông-lâm-thủy sản tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam, cũng như ở Campuchia nằm trong vùng hạ lưu Mê Kông.
Chúng tôi mạo muội đề xuất một số giải pháp nhỏ:
- Trước hết, Ủy hội Mê Kông cần đoàn kết kêu gọi quốc tế cùng tham gia tìm giải pháp lâu dài cho việc bảo vệ, khai thác dòng sông hiệu quả nhất, bằng cách giữ nguyên hiện trạng bây giờ. Không thể để các nước vì lợi ích cục bộ mà thái quá trong đầu tư khai thác dòng sông.
- Hai là xem lại việc điều chỉnh nước các đập thủy điện để đảm bảo dòng chảy hợp lý an toàn.
- Ba là bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng mới, thảm thực vật che phủ, nhất là khu vực thượng nguồn và các sông nhánh của Mê Kông…
- Chia sẻ thông tin về những số liệu thay đổi của các phụ lưu và dòng chảy bằng cách đưa các công nghệ mới GIS, GPS…, ảnh vệ tinh viễn thám hằng tháng về thực trạng của dòng sông và lưu vực, các diễn biến khí hậu thời tiết quốc tế.
- Cùng hợp tác chia sẻ mọi nguồn lực để xây dựng những chiến lược thay đổi thích ứng kinh tế cho các quốc gia bị thiệt hại. Thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Đưa các công nghệ mới vào canh tác, khai thác an toàn và hiệu quả.
- Các nước trong khu vực cần phải đầu tư xây dựng, phát triển nhà máy điện gió, điện mặt trời thay vì chỉ tập trung đầu tư chặn dòng sông Mê Kông để phát điện, chỉ lợi trước mắt, nhưng hại lâu dài và mãi mãi.
- Công khai thông tin số liệu cho cư dân, tuyên truyền và thực hiện những chính sách hỗ trợ thiết thực hiệu quả cho họ ổn định cuộc sống lâu dài.
Hãy giữ gìn, bảo vệ và khai thác hợp lý hiệu quả nhất dòng Mê Kông.
TS Nguyễn Văn Lạng - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hay-cuu-song-me-kong-truoc-khi-qua-muon-176936.html