'Hãy giúp Hưng tìm Mẹ'
Là một trong những đứa trẻ được đưa từ Sài Gòn sang Hà Lan nhận làm con nuôi vào tháng 4/1975, nhiều năm sau, anh Jonathan Arjen Ijff (tên Việt là Nguyen Khanh Hung) đã quay lại Việt Nam để tìm Mẹ và gia đình.

Jonathan Arjen Ijff - Nguyễn Khánh Hưng mới chụp tại TPHCM. Ảnh: Trương Thanh Tùng
Câu chuyện tìm Mẹ xúc động
Anh Jonathan Arjen Ijff, sinh ngày 20/1/1975 tại Vĩnh Long. Chỉ vài ngày sau khi chào đời, anh đã bị bỏ rơi mà không có bất cứ lời nhắn nào, tại Dòng nữ tu và Cô nhi viện Mục Tử Nhân Lành Vĩnh Long tại đường Phạm Hùng, TP Vĩnh Long (Good Shepherd Convent and Orphanage in Vinh Long).
Trong tư liệu cũ, tên của Jonathan Arjen Ijff được viết không dấu là "Nguyen Khanh Hung". Chính Jonathan Arjen Ijff cũng không chắc tên mình là "Hưng" hay "Hùng". Và cái tên đó do các nữ tu hay chính mẹ ruột đặt cho, anh cũng không biết. Hiện tại, anh tự nhận mình mang tên Việt là "Nguyễn Khánh Hưng".
Trong các thông tin tìm hiểu của anh Hưng, cô nhi viện mà anh bị bỏ lại do các nữ tu Công giáo điều hành. Tại đây cũng chăm sóc các bà mẹ đơn thân và những người phụ nữ sa cơ lỡ bước.
Ở cô nhi viện ít ngày, anh Hưng được đưa tới dinh thự của Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn, thông qua Cha Aarts, một linh mục người Hà Lan sống và làm việc tại Sài Gòn thời điểm đó. Cha Aarts cũng là bạn thân của ngài Đại sứ Hà Lan tại Sài Gòn.
Những tháng đầu đời, anh Hưng được bà Carolina van Roijen chăm sóc tại dinh thự của Đại sứ quán Hà Lan nằm trên đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Bà Carolina Van Roijen là phu nhân của Đại biện lâm thời Hà Lan, ngài Jan Herman van Roijen. Họ bắt đầu nhiệm vụ ngoại giao tại Sài Gòn vào năm 1973.

Anh Jonathan Arjen Ijff - Nguyễn Khánh Hưng cùng mẹ nuôi người Hà Lan (bên phải) trên chuyến bay từ Sài Gòn tới Hà Lan ngày 12/4/1975. Ảnh: NVCC
Cũng thời gian đó, một số trẻ em mồ côi khác được cha Aarts đưa tới gửi tại một trại trẻ mồ côi nằm trên địa bàn quận Gò Vấp cũng do các nữ tu phụ trách và điều hành. Một số trẻ này cũng được "phân phối" cho một số nơi nhận làm con nuôi.
Vào tháng 4/1975, chỉ trước khi chiến tranh kết thúc 2 tuần, bà Carolina Van Roijen đã hỗ trợ chuyển Hưng và 26 trẻ mồ côi khác tới Hà Lan. Các trẻ này được những người cha, người mẹ nuôi Hà Lan nhận con nuôi, chăm sóc chu đáo và có một cuộc sống rất tốt đẹp, an lành.
"Tôi lớn lên ở một vùng nông thôn có tên Beemster Polder tại Hà Lan. Đây là một vùng đất trù phú, có nhiều điểm tương đồng với Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Cây cối và sông nước tại đây rất đẹp. Ba mẹ nuôi tôi có một trang trại và mỗi mùa xuân, chúng tôi đều có những cánh đồng hoa tulip rộng lớn phía sau nhà", anh Hưng kể chuyện.
Tuổi thơ của anh Hưng rất êm đềm, không có gì phải lo lắng. Duy chỉ có hình thức, vóc dáng của một người châu Á khiến anh cảm thấy có nhiều sự khác biệt với những đứa trẻ xung quanh. Và ở lứa tuổi nhỏ, anh có những thời khắc "không cảm thấy tự hào về vẻ ngoài, hình thức" của mình.
Phải rất nhiều năm sau, khi đã ở tuổi trưởng thành, anh Hưng mới hiểu rõ, hiểu thấu đáo về thân phận, nguồn gốc của mình.
Năm 2007, anh Hưng quyết định tới Việt Nam để "làm quen với đất nước của mình", từ đó "từng bước tìm kiếm người thân".
Kể về thời khắc tới Việt Nam, anh Hưng kể: "Lần đầu tới Việt Nam, khi cảm thấy mặt đất dưới chân mình, là Việt Nam, tôi rơi vào cảm giác "tình yêu sét đánh". Những người Việt Nam đã yêu thương tôi, ôm lấy tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì hình dáng của tôi giống họ. Tôi không bị chú ý như khi sinh sống tại cộng đồng người da trắng tại Beemster Polder. Từ đó tới nay, tôi đã tới Việt Nam nhiều lần hơn nữa. Mỗi lần tới, tôi đều có cảm giác đã tiến gần hơn một chút đến nguồn gốc của mình".
Tìm Mẹ!
Bắt đầu từ lúc về Việt Nam lần đầu tiên, năm 2007, anh Hưng đã thường xuyên thu xếp công việc để về Sài Gòn và Vĩnh Long. Anh không có giấy khai sinh hoặc bất kỳ manh mối nào khác, chỉ có địa điểm ở Vĩnh Long là chắc chắn. Người đàn ông Hà Lan gốc Việt tròn 50 tuổi này miệt mài đi từ Hà Lan về Sài Gòn và Vĩnh Long, để Tìm Mẹ. Manh mối duy nhất để anh có thể dựa vào đi tìm mẹ, chính là Dòng nữ tu và cô nhi viện tại Vĩnh Long. Nơi này hiện đang là Quảng trường TP Vĩnh Long.
"Nếu Mẹ tôi còn sống, bà đã khoảng hơn 70 tuổi rồi. Và bà đã mang thai tôi từ khoảng cuối tháng 4/1974. Ngày sinh trong Hộ chiếu của tôi được xác định là ngày 20/1/1975", anh Hưng cho biết.

Hình ảnh anh Jonathan Arjen Ijff – Nguyễn Khánh Hưng lúc nhỏ. Ảnh: NVCC
Khi mới sinh, anh Hưng có làn da trắng và một vết bớt xanh ở mông - vết này đã biến mất khi anh lớn lên. Và trên đùi trái của anh cũng có vết bớt khá lớn, tới giờ vẫn còn.
Thời điểm cuối tháng 4/2025 này, anh Hưng đang có mặt tại Sài Gòn. Anh vừa đáp xuống sân bay là liên hệ với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam liền. Anh Hưng nói rằng, anh mong muốn được viết trong một bài báo về hoàn cảnh của anh, để nhiều người biết hơn, lan tỏa thông tin rộng hơn. Từ đó, biết đâu trong sự may mắn nào đó, anh sẽ tìm được Mẹ và người thân trong gia đình.
Anh Jonathan Arjen Ijff - Nguyễn Khánh Hưng đang rất tích cực học tiếng Việt để có thể giao tiếp với mọi người trong nước. "Tôi luôn biết ơn những người đã hỗ trợ và cha mẹ nuôi người Hà Lan của tôi đã dành tất cả sự yêu thương, nuôi dưỡng tôi trưởng thành. Tôi luôn cảm thấy mình là con của cả 2 đất nước: Hà Lan và Việt Nam", anh Hưng nói.
Hiện Jonathan Arjen Ijff - Nguyễn Khánh Hưng là một họa sĩ tại Hà Lan. Anh cũng chính là tác giả của biểu tượng đồ họa 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức. Biểu tượng này được anh Jonathan Arjen Ijff lấy cảm hứng từ hoa tulip và hoa sen - quốc hoa của 2 đất nước.
Yêu thích ẩm thực Việt Nam, thực hành nói tiếng Việt ở bất cứ lúc nào, Jonathan Arjen Ijff - Nguyễn Khánh Hưng tha thiết được biết về thông tin của Mẹ và gia đình. Vì vậy, anh đã dành gần 20 năm nay (và có thể còn nhiều năm sau nữa) đi đi về về giữa Hà Lan và Việt Nam, cho cuộc tìm kiếm tình thân này.
Bức thư ngỏ anh Hưng viết gửi Mẹ vào tháng 1/2025
Mẹ ơi,
Hôm nay con tự tổ chức sinh nhật lần thứ 50 cho mình ở Vĩnh Long, nơi mẹ đã từng sinh con ra. Con đã từ Hà Lan trở về đây rất nhiều lần để mong tìm thấy mẹ. Biết bao năm qua con đã đi tìm mẹ, mẹ ơi!
Mẹ đã sinh con ra và ban cho con cuộc sống vào tháng 1/1975. Con không biết vì lý do gì mà mẹ đã phải bỏ con trước cô nhi viện ở đường Phạm Hùng, TP Vĩnh Long, khi con chỉ vài ngày tuổi. Mẹ không để lại một thứ gì cùng con. Không tên tuổi, không địa chỉ, không giấy tờ. Con cũng không có giấy khai sinh. Nhưng con biết quyết định của mẹ là một quyết định khó khăn và con luôn tin rằng mẹ đã từ bỏ con để con có một tương lai tốt đẹp hơn.
Rất nhiều năm qua, cha mẹ nuôi người Hà Lan của con đã thay mẹ yêu thương con và chăm sóc con rất tốt. Con trai của mẹ giờ đã trưởng thành và có công việc ổn định. Nhưng điều con mong mỏi nhất trong đời là tìm được mẹ, mẹ ơi!
50 năm đã qua rồi, nếu giờ còn sống mẹ chắc cũng trên 70 tuổi. Có bao giờ mẹ nghĩ tới con không? Có bao giờ mẹ muốn tìm con? Còn con chỉ muốn được gặp mẹ và ôm lấy mẹ. Con đã trở về Việt Nam để tìm mẹ 11 lần trong rất nhiều năm qua. Con cũng đã thử ADN nhưng chưa tìm thấy mẹ và những người thân trong gia đình. Nếu mẹ đọc được những dòng chữ này của con, mong mẹ hãy liên hệ với con qua email: arjen@arjenijff.nl
Con nhớ mẹ nhiều mặc dù con chưa một lần gặp mẹ.
Con của mẹ,
Nguyễn Khánh Hưng (Jonathan Arjen IJff)
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hay-giup-hung-tim-me-20250426165003754.htm