'Hãy là chiến binh' – Khi nhóm White heart. chạm vào hồn dân tộc
Họ là bốn cô gái đều có xuất phát điểm là diễn viên sân khấu, tuy nhiên họ lại gặp nhau ở tâm hồn yêu âm nhạc

Nhóm hát White heart và các nghệ nhân CLB ĐCTT và cải lương quận 12-TP HCM
Trong khuôn khổ chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" của HTV, số đặc biệt "Đồng hành với cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lần thứ 20" đã ghi dấu bằng một tiết mục gây bất ngờ và xúc động: lần đầu tiên, nhóm Hip Hop Rap nữ "Trái Tim Trắng" (white heart.) – gồm bốn cô gái trẻ trung và đầy cá tính: Thu Thảo, Yến Phương, Vương Quỳnh Anh và Yến Nhi – mang đến phần trình diễn kết hợp giữa rap và đờn ca tài tử qua ca khúc "Hãy là chiến binh", một sáng tác của nhạc sĩ Văn Hậu.
Nhóm "Trái tim trắng" đã biểu diễn cùng với các nghệ nhân đến từ CLB ĐCTT Nam Bộ và Cải lương quận 12, do nghệ nhân Khánh An làm chủ nhiệm.
CLB ĐCTT Nam Bộ và Cải lương quận 12, TP HCM được thành lập từ năm 2011. Đây là một trong những CLB mạnh đã đạt nhiều thành tích trong hoạt động biểu diễn và dự các cuộc thi, liên hoan về ĐCTT.

Nghệ nhân Kim Anh và các nghệ nhân đờn thuộc CLB ĐCTT quận 12, TP HCM biểu diễn cùng nhóm White heart tại HTV
Trước khi đến với buổi ghi hình giao lưu tại HTV, ca khúc "Hãy là chiến binh" đã từng gây ấn tượng tại chương trình Giao lưu âm nhạc thuộc Lễ hội Tôn vinh Cà phê – Trà Việt lần 3 (từ ngày 17 đến 18/5/2025) do Báo Người Lao Động tổ chức.
Và tại sân khấu HTV – trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống được tôn vinh – "Hãy là chiến binh" một lần nữa được nâng lên một tầng cảm xúc mới: giữa âm hưởng dân gian, những nhịp Rap vang lên không phải để thể hiện chất trẻ, mà còn để sự lan tỏa đến tinh thần hãy hòa quyện, tìm kiếm sự kết nối để cùng trân trọng cội nguồn.
Khi giọng nữ bước ra từ giới sân khấu
Sự xuất hiện của nhóm "Trái Tim Trắng" là một điểm sáng thú vị. Trong một không gian vốn quen thuộc với tiếng đờn kìm, câu vọng cổ, những cô gái trẻ mang trang phục tối giản, thần thái tự tin, bước ra với năng lượng rất "hip hop" – nhưng khi tiếng nhạc cất lên, khán giả lại không hề cảm thấy sự xa lạ.
Điều bất ngờ là cả bốn gắn bó với sân khấu trong vai trò diễn viên trước khi gắn kết thêm hoạt động trong nhóm hát. Họ tạo dấu ấn qua nhiều vai diễn trên sân khấu kịch Hồng Vân, sau đó là trên sân khấu Lạc Long Quân với hàng trăm suất diễn "Sân khấu học đường" do Sở VH-TT TP HCM tổ chức.
Ca sĩ Yến Nhi chia sẻ: "Ca khúc "Hãy là chiến binh" là một ca khúc mang hơi hướng cổ vũ, nhưng không khuôn sáo. Rap mà chúng tôi đưa vào tiết mục không ồn ào, không nặng lời thách thức, mà là những lời kêu gọi dịu dàng nhưng dứt khoát: dám sống, dám ước mơ, và dám giữ gìn những giá trị truyền thống trong hành trình trưởng thành".

Từ trái sang: Vương Quỳnh Anh, Thu Thảo, Yến Phương, Yến Nhi (nhóm White heart)
Ca sĩ Vương Quỳnh Anh nói: "Khi kết hợp cùng tiếng đờn ca tài tử – vốn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại – phần trình diễn như được "truyền khí chất": vừa trẻ trung, hiện đại, vừa sâu lắng, đậm chất phương Nam. Đây là kỷ niệm khó quên của chúng tôi".
Giới trẻ không thờ ơ với truyền thống
Nghệ nhân Khánh An nhận xét có lẽ điều đáng nói nhất trong tiết mục giao lưu này chính là sự chuyển hóa rất tự nhiên giữa hai thế giới tưởng chừng đối lập: nhạc truyền thống và hip hop. Không có khoảng cách, không có đối chọi – chỉ có một tinh thần đồng hành và chia sẻ.
Rap trở thành phương tiện để nói lên những điều mới bằng ngôn ngữ của hiện tại, còn đờn ca tài tử là nơi để ký ức và cảm xúc dân tộc neo giữ linh hồn tác phẩm. "Tôi tin trong chương trình thi của vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Chuông vàng vọng cổ lần thứ 20", Ban tổ chức sẽ đưa nhiều bài kết hợp giữa nhạc trẻ với ĐCTT, với vọng cổ để tăng thêm sức trẻ trung như 19 năm qua "Chuông vàng vọng cổ" đã làm" - nghệ nhân Khánh An nói.

Từ trái sang: Yến Nhi, Thu Thảo, Yến Phương và Vương Quỳnh Anh (nhóm White heart)
Chính sự dung hòa ấy khiến cho phần trình diễn không chỉ mang tính nghệ thuật, mà còn có giá trị xã hội – như một thông điệp rằng: lớp trẻ hôm nay không thờ ơ với truyền thống. Họ chỉ cần được trao cơ hội, được đứng trên sân khấu, được thừa nhận tiếng nói – và họ sẽ kể lại câu chuyện dân tộc theo cách của họ, bằng sự kính trọng và sáng tạo.
Sự mở lòng đáng quý từ một sân khấu uy tín
Có thể nói, chính tinh thần cởi mở và đón nhận của chương trình "Nghệ sĩ và sàn diễn" đã tạo điều kiện để những sáng tạo mới như phần trình diễn của "Trái Tim Trắng" được cất cánh.
Trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang đối mặt với nhiều thử thách về khán giả, về thế hệ kế thừa, thì việc kết nối với nhạc rap – đại diện tiêu biểu cho dòng chảy văn hóa đô thị trẻ – là một bước đi cần thiết và dũng cảm.

Từ trái sang: Nghệ nhân Lê Dũng, ca sĩ Yến Nhi, Yến Phương, Thu Thảo, Vương Quỳnh Anh và Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu tại HTV
Bốn cô gái không chỉ mang đến một tiết mục biểu diễn, mà còn mang đến một tín hiệu lạc quan cho tương lai sân khấu truyền thống: rằng thế hệ kế tiếp không đứng ngoài, họ đang ở đây – sống, sáng tạo và đồng hành.
Những chiến binh nghệ thuật thầm lặng
"Hãy là chiến binh" không chỉ là tên bài hát, mà dường như còn là lời tự nhắn nhủ của chính những cô gái nhóm Trái Tim Trắng. Họ không ầm ĩ tuyên bố điều gì, nhưng đã lặng lẽ thể hiện một thái độ rõ ràng: làm nghệ thuật phải dám nghĩ khác, đi xa, nhưng cũng phải biết quay về.
Trong một buổi ghi hình tưởng chừng chỉ dành riêng cho cải lương và đờn ca tài tử, sự xuất hiện của họ là một điểm sáng mới mẻ – không phá vỡ dòng chảy truyền thống, mà chính là giọt nước trong lành góp phần làm nó mát dịu hơn, gần gũi hơn với khán giả trẻ hôm nay.

Nhóm White heart biểu diễn cùng các nghệ nhân ĐCTT tiết mục "Hãy là chiến binh" tại HTV
Một cú chạm đầy cảm xúc. Một dấu hiệu tích cực: khi Rap biết lắng nghe, và truyền thống biết mở lòng, nghệ thuật Việt Nam sẽ không dừng lại ở bảo tồn – mà còn tiếp tục phát triển với tinh thần của những "chiến binh" thời đại mới.