Hãy là những người mộ đạo văn minh
Mong muốn thiện chí của những người thực hành tâm đạo là nhìn vào sư để tự thay đổi, chuyển hóa bản thân, trở thành người tốt, cầu mong cho sư M.T vượt qua mọi chướng ngại để đạo quả viên thành trên con đường đã chọn.
Chúng ta hãy là những người mộ đạo văn minh, đừng vì những mục đích cá nhân, đừng vì lợi ích bản thân mà đem người tu hành ra làm trò đổi chác, đừng đẩy người tu rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, khó khăn, vì việc làm đó không mang lại phúc đức cho bản thân, không lợi ích cho cộng đồng xã hội mà chỉ góp phần gây bất ổn an ninh, nhiễu loạn đời sống người tu, tạo nghiệp quả cho bản thân mình.
Tác giả: An Tường Anh
Từ trước đến nay, câu chuyện về hiệu ứng đám đông vẫn luôn là một đề tài thu hút sự luận bàn trong xã hội, đám đông có thể mang thông điệp tích cực và cũng có thể mang đến sự tiêu cực, tùy vào mức độ hành vi và ngưỡng hoạt động của đám đông.
Hiệu ứng đám đông xuất hiện trong nhiều hình thái, lĩnh vực khác nhau, trong đó thường xuyên xảy ra ở trong môi trường giải trí, lĩnh vực chính trị xã hội, tôn giáo. Bài viết này phân tích về diễn biến đám đông cùng với những hệ quả đằng sau câu chuyện của nhà sư T.M.T.
Nói về sư T.M.T, có lẽ chúng ta cũng đã biết về một vị sư đầu trần chân đất, tứ đại giai không đang nhận được sự chú ý và tôn kính của nhiều người. Mong muốn thiện chí của những người thực hành tâm đạo là nhìn vào sư để tự thay đổi, chuyển hóa bản thân, trở thành người tốt, cầu mong cho sư M.T vượt qua mọi chướng ngại để đạo quả viên thành trên con đường đã chọn.
Thế nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó mà nó đã bị mạng xã hội tạo thành sóng với muôn hình vạn trạng tâm lý, chiều kích khác nhau.
Một nhóm người thì phản đối, miệt thị trên mạng xã hội vì cho rằng sư M.T không phải người tu; Một nhóm người bảo vệ trong chừng mực, có nhận thức hiểu biết và một nhóm người lợi dụng câu chuyện này để nhằm trục lợi và gây xáo trộn đời sống tâm linh tín ngưỡng.
Có thể nói, việc chúng ta tôn kính một vị sư dù bất kể vị đó là ai, đó là quyền của mỗi người, không ai cấm đoán và phân biệt, bởi mỗi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nếu hành vi đó không vi phạm pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội, tuy nhiên việc chúng ta tôn kính và thể hiện quyền tín ngưỡng đó phải là “tự do nhưng không vượt quá mức cho phép”.
Chúng ta có quyền tự do nhưng không lấy quyền tự do của mình để xâm phạm đến tự do người khác, không gây tổn hại thể chất lẫn tinh thần cho cá nhân nào, không ảnh hưởng tình hình xã hội và ở thời đại văn minh, tự do còn là thước đo trí tuệ và tính nhân bản của con người.
Quay trở lại câu chuyện về sư M.T, chúng ta nhìn thấy gì ở một đám đông khi họ kéo nhau thành hàng hàng lớp lớp đi ở ngoài đường, vào tận nghĩa trang, đồng hoang bến bãi nơi mà lẽ ra sư cần được nghỉ ngơi sau một ngày dài khất thực, khổ hạnh trên đường tu tập đầy nắng đầy gió, thế nhưng một đám đông bất chấp, họ kéo nhau đến đó quay phim chụp ảnh, rồi đặt câu hỏi như sát hạch, điều tra, họ tung những hình ảnh của nhà sư lên mạng, nhưng có bao giờ những người đó đặt mình vào vị trí của người tu không?
Sao chúng ta không hiểu rằng con người cũng có một sức khỏe giới hạn, cũng cần nghỉ ngơi để tiếp tục con đường tu tập, việc tu hành khổ hạnh là đã quá vất vả rồi, chúng ta còn chiếm dụng luôn cả thời gian nghỉ ngơi của họ, đến nỗi cơ quan chức năng phải đến giải tán và buộc sư MT rời đi, không cho ngồi đó nghỉ ngơi vì tụ tập đông người.
Không những vậy, một số YouTuber còn thản nhiên kêu gọi người dân ra đường gặp sư M.T đặt câu hỏi để sư giải đáp, họ liên tục đeo bám, quay phim rồi giật tít câu view bằng những câu từ gây hoang mang dư luận, những việc làm đó đã vô tình gây ra một hệ lụy vô cùng lớn khi những người lợi dụng hình ảnh sư M.T để kêu gọi đám đông xuống đường, điều đó không những gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự mà còn gây chướng ngại con đường tu hành của người khác, dù vô tình hay cố ý cũng là điều cần chấn chỉnh và loại bỏ.
Việc một đám đông kéo nhau đi theo một người tu vô hình chung làm cản trở, xâm phạm đến quyền tự do con người và quyền tín ngưỡng của người tu tập bởi người tu hành vốn cần sự thanh tịnh và không dính mắc vào chuyện đời, chuyện người, dù giữa phồn hoa hay nơi rừng thẳm, họ cũng cần được tôn trọng và tịnh tâm trên con đường tu hạnh của mình.
Việc đám đông quay phim, chụp ảnh, đặt nhiều câu hỏi chất vấn với một người tu rồi lan truyền những thông tin không chính xác đã ảnh hưởng đến đời sống tu tập của nhà sư bởi có chắc người tu hành như sư M.T muốn điều đó hay không? Hay sư cũng muốn yên tĩnh ngồi thiền tập, muốn nghỉ ngơi nhưng vì lòng từ bi nên sư vẫn phải chấp nhận cho sự đeo bám vô cùng phiền phức đó?.
Ngày nay, việc tạo thành đám đông trong xã hội vốn nhiều phức tạp không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội vì không ai có thể bảo đảm được rằng trong đám đông đó là không có kẻ gian trà trộn, không có thành phần bất hảo, hoặc thành phần lợi dụng đám đông để gây mất an ninh trật tự, không loại trừ những kẻ có thể gây hại, tấn công đến người tu hành khác.
Những hành vi tự phát đó không chỉ gây bất an, nguy hại cho bản thân người tu như sư M.T mà còn gây khó xử cho cơ quan chức năng, tổ chức tôn giáo bởi mọi ý kiến trong thời điểm này đều là nhạy cảm, có thể gây ra nhiều quan điểm bất đồng, là cơ hội cho những thành phần xuyên tạc đả phá, đả phá cả người tu khất thực lẫn người trong chùa chiền tự viện, đả phá cả cơ quan chức năng.
Thế nên chúng ta thấy rằng những đám đông vây quanh nhà sư hiện nay, những YouTuber liên tục đi theo quay phim chụp ảnh nhà sư đã là những nhân tố gây nhiều xáo trộn, phức tạp cho cộng đồng xã hội, mà một khi những gì vượt quá giới hạn cho phép thì buộc cơ quan chức năng, tổ chức tôn giáo phải có tiếng nói hoặc giải pháp khắc phục nhằm bảo vệ an toàn cho người tu dù là người tu bên trong hay bên ngoài tự viện.
Việc sư M.T đi khất thực và tu hành khổ hạnh đến nay đã trên dưới 6 năm, nhưng không có cơ quan hay tổ chức nào lên tiếng ngăn cấm cho thấy sư M.T vẫn được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, chỉ đến khi một đám đông ồn ào đổ xô đưa tin nhà sư lên mạng rồi sau đó là công cuộc khai thác hình ảnh, đời tư liên tục, quá giới hạn về nhà sư, không dừng lại ở đó, những đám đông bắt đầu xuất hiện đi theo sư, tụ tập từ nơi này sang nơi khác đã gây nên một rào cản vô cùng bất lợi cho người tu hành khổ hạnh.
Thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, khi mạng xã hội (MXH) phát triển cũng đã kéo theo những mặt trái của nó, trong đó đáng báo động là những hội nhóm anti-fan hoặc những đám đông tiềm ẩn thành phần lợi dụng hiện tượng trào lưu để xuyên tạc và trục lợi.
Khi một đám đông bùng phát, vượt quá giới hạn cho phép sẽ gây ra những tiêu cực nhiều hơn tích cực nếu trong đó có những thành phần chống phá, thiếu hiểu biết về pháp luật, thế nên mọi hành vi cần phải có chừng mực dù đó là sự thương yêu hay tôn kính người nào.
Hình ảnh của sư M.T lan tỏa trong những ngày qua đã đủ để chúng ta hiểu về hạnh tu của người, nếu kính trọng đạo hạnh của sư, chúng ta hãy thực hiện theo hạnh tốt đẹp đó bằng cách lan tỏa thông điệp thiện lành một cách văn minh chứ không phải bằng hình thức kéo xuống đường, bấu víu, dồn ép thực phẩm cúng dường buộc sư phải nhận.
Chúng ta hãy để sư M.T được an nhiên tĩnh lặng trên con đường tu tập, đừng chạy theo gây phiền phức cho người tu tập làm gì, cũng không phải dùng người này để đả phá người kia, việc so sánh người này với người khác chưa bao giờ mang lại giá trị tốt đẹp hòa bình mà chỉ tạo thêm mâu thuẫn và hiềm khích.
Đối với người tu hành càng không nên so sánh, cũng đừng nên vì tôn kính sư này mà có lời nặng nề, xúc phạm nhà sư khác bởi mỗi người có một biệt nghiệp khác nhau, người nào sai thì người đó gánh chịu nhân quả của họ, việc tốt hay xấu là riêng biệt mỗi cá nhân, chúng ta cũng không nên đem người này để mỉa mai, đả kích người khác bởi người tu chân chính vốn đã buông bỏ mọi hơn thua. Tâm đố kỵ, thích hơn nhau chỉ ở kẻ phàm phu tục tử.
Nếu chúng ta, những phật tử, những người mộ đạo thuần thành, những người tin yêu, tôn kính điều thiện lành thì hãy tôn trọng người tu hành, đừng vì một vài cái sai của người này mà tạo thành đám đông hỗn loạn, càng không nên lợi dụng hình ảnh một người tu hành khổ hạnh, tứ đại giai không để phục vụ mục đích cá nhân mình, để thỏa mãn sự hằn học đôi bên bằng ngôn từ ác ngữ.
Người ta có câu “phá một thành trì tội không nặng bằng xáo động tâm lý người tu”. Việc gây cản trở con đường tu hành người khác dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là việc làm tổn hao phước đức mà chúng ta vô tình, vô minh nên không nhận biết. Mỗi thời đại khác nhau sẽ có những hình thức vận hành khác nhau, có thể thời đức Phật, Ngài đi truyền bá đạo pháp cho dân chúng ở ngoài kinh thành, bên vệ đường, nhiều người dân tụ tập xung quanh Ngài để nghe thuyết pháp.
Nhưng ngày nay thì không thể vận dụng cách đó để tụ tập đông người vì ngày nay con người có nhiều thủ đoạn tinh vi để gây ra những vấn đề phức tạp cho xã hội, như trộm cắp, tấn công, khủng bố, lừa đảo…nên một vị tu sĩ tự đi tu hành khất thực đã là khó khăn nói gì việc tụ tập một đám đông đi theo mà không ai kiểm soát.
Thế nên, chúng ta hãy là những người mộ đạo văn minh, đừng vì những mục đích cá nhân, đừng vì lợi ích bản thân mà đem người tu hành ra làm trò đổi chác, đừng đẩy người tu rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm, khó khăn bởi việc làm đó của chúng ta không mang lại phúc đức cho bản thân, không lợi ích cho cộng đồng xã hội mà chỉ góp phần gây bất ổn an ninh, nhiễu loạn đời sống người tu, tạo nghiệp quả cho bản thân mình.
Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân hay hành động cơ hiềm thù ghét của mình làm cho người tu bị chướng duyên, phải dừng lại hoặc thối lui vì những lý do bắt buộc thì chúng ta đã làm một điều vô cùng bất thiện. Nếu tôn kính người tu hành khổ hạnh, chúng ta hãy thể hiện bằng việc làm tốt đẹp hằng ngày, là lan tỏa thông điệp thiện lành bằng một thái độ nhân văn và đừng gây phiền hà cho người khác.
Chúng ta hãy cúng dường bằng lòng kính trọng, có trật tự hai bên đường, tại nhà mà vị sư đó đi qua, là chắp tay đảnh lễ từ tốn chứ không phải chạy theo hàng hàng lớp lớp, quay phim chất vấn bất kể không gian thời gian, bởi người tu vốn cần sự điềm an rỗng lặng, chúng ta hãy trợ duyên cho họ chứ đừng tạo ra sự xô bồ để rồi vô tình gây những khó khăn, bất lợi cho người tu hành và gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Tác giả: An Tường Anh
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hay-la-nhung-nguoi-mo-dao-van-minh.html