Hãy luôn giữ ASEAN là điểm sáng của hòa bình, thịnh vượng
ASEAN cần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và hợp tác để bất kể môi trường nào đều thể làm tốt hơn cho người dân của mình.
Theo đuổi chương trình nghị sự tích cực
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 là một khuôn khổ quan trọng và cần thiết để chúng ta nắm bắt được các vấn đề khi ASEAN đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới trên cơ sở thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, với những trở ngại địa chính trị đáng kể và cả sự không chắc chắn. Chính ASEAN cũng đang phải vật lộn với các thách thức bên trong và bên ngoài mới. Giữa những bất ổn như vậy, nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là đảm bảo ASEAN tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc mang lại sinh kế tốt hơn cho tất cả người dân Hiệp hội. Chúng ta cũng phải tiếp tục đảm bảo ASEAN vẫn là trung tâm trong khu vực.
Chúng ta chỉ có thể làm được điều này khi ASEAN theo đuổi một chương trình nghị sự tích cực và mang lại hợp tác thực chất, qua đó duy trì được lòng tin, sự phù hợp và giữ được vai trò trung tâm.
Do vậy, Singapore hoàn toàn ủng hộ chủ đề “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi” của Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, tập trung vào thúc đẩy các nỗ lực hội nhập của ASEAN và tăng cường khả năng của ASEAN trong đối phó với các thách thức bên ngoài.
Trước bối cảnh đó, Singapore và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ hơn nữa để duy trì vai trò trung tâm và sự phù hợp của ASEAN dựa trên lợi ích chung về một khu vực ổn định và thịnh vượng. Singapore và Việt Nam đều có niềm tin vững chắc rằng ASEAN là nền tảng của cấu trúc khu vực cởi mở, toàn diện và dựa trên luật lệ. Thành công của ASEAN rất quan trọng đối với thành công của mỗi nước.
Tôi muốn nêu bật hai lĩnh vực chính mà Singapore và Việt Nam đang đẩy mạnh để chỉ ra con đường phía trước trong ASEAN. Chúng ta đã tạo ra nền tảng mới khi ký Quan hệ đối tác kinh tế xanh-kỹ thuật số vào tháng 2/2023 để hợp tác trong các lĩnh vực tăng trưởng mới của nền kinh tế xanh và kinh tế số.
Do đó, lĩnh vực đầu tiên tôi nhấn mạnh là nền kinh tế kỹ thuật số. ASEAN đã đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy hội nhập kỹ thuật số trong năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia khi ASEAN khởi động các cuộc đàm phán về Khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA).
DEFA chất lượng cao có thể tăng gấp đôi giá trị tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành DEFA trước thời hạn đề ra là năm 2025, dưới vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia.
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện. Cuộc họp Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN tại Singapore gần đây cũng đã thông qua các sáng kiến quan trọng trong các lĩnh vực từ quản trị AI đến luồng dữ liệu. Singapore có liên kết thanh toán kỹ thuật số với Thái Lan và Malaysia. Năm ngoái, chúng tôi đã triển khai liên kết thanh toán QR xuyên biên giới với Indonesia. Chúng tôi đang tìm cách theo đuổi những thỏa thuận tương tự trong ASEAN.
Những nỗ lực này là chìa khóa để mở ra nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN và tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp và người dân của Hiệp hội. Điều này sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với tầm nhìn về việc ASEAN trở thành một cộng đồng kỹ thuật số hàng đầu.
Singapore và Việt Nam nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Đông Nam Á. Với mục tiêu chung là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua công nghệ và đổi mới, Singapore và Việt Nam có cơ hội khai thác hệ sinh thái đổi mới của nhau để xây dựng quan hệ đối tác, thúc đẩy ASEAN tiến lên.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình này, hai nước đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về Chương trình trao đổi tài năng đổi mới (ITX) vào năm 2023. Chúng tôi dự định sẽ triển khai chương trình này trong năm tới. Vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng cùng nhau, chúng ta sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của kinh tế ASEAN.
Con đường then chốt để phát triển bền vững
Thứ hai là tính bền vững và nền kinh tế xanh. ASEAN là nơi có một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Đồng thời, ASEAN cũng có các cam kết tăng trưởng bền vững để đạt được các mục tiêu phát thải đầy tham vọng.
Singapore và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về đạt được mức 0 ròng vào năm 2050. Con đường phía trước để chuyển đổi phát thải ròng bằng 0 một cách công bằng và có trật tự không hề dễ dàng và ASEAN cần hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau trong hành trình này.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực của chúng ta sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng và do đó việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là con đường then chốt để đạt được mức tăng trưởng bền vững.
Chúng ta cần có hành động quyết đoán, vì theo nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang và Đại học Glasgow, ASEAN có nguy cơ mất hơn 35% GDP vào năm 2050 do biến đổi khí hậu nếu không có biện pháp khắc phục.
Việc thành lập Lưới điện ASEAN sẽ là một phần quan trọng trong những nỗ lực đó. Chúng ta cần biến việc buôn bán năng lượng tái tạo xuyên biên giới trong khu vực thành hiện thực. ASEAN đang làm nhiều việc hơn là chỉ nghiên cứu khả năng kinh doanh điện xuyên biên giới.
Nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã thực hiện các bước đi theo hướng này. Dự án Tích hợp điện lực Lào-Thái Lan-Malaysia- Singapore (LTMS-PIP) đang chuyển sang giai đoạn phát triển thứ hai. Đã có một nghiên cứu khả thi về dự án tương tự giữa Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP-PIP).
Một trọng tâm của Lưới điện ASEAN là Dự án Năng lượng Việt Nam - Singapore, liên quan đến việc nhập khẩu 1,4 gigawatt năng lượng carbon thấp từ Việt Nam sang Singapore thông qua tuyến cáp ngầm mới. Chìa khóa để hiện thực hóa Lưới điện ASEAN là phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết cũng như các tiêu chuẩn và quy chuẩn cho xuất khẩu năng lượng xuyên biên giới.
Ngoài Lưới điện ASEAN, chúng ta nên hợp tác trong các lĩnh vực khác như buôn bán carbon và xây dựng năng lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và tạo ra một tương lai bền vững và có khả năng phục hồi cao hơn.
Chúng ta có một chương trình nghị sự lớn, đầy đủ trước mắt cho ASEAN. ASEAN đặt trong bối cảnh toàn cầu là một điểm sáng về hòa bình, thịnh vượng. Với 660 triệu người, lực lượng lao động trẻ, đô thị hóa và tăng trưởng GDP lành mạnh, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030. ASEAN cung cấp nền tảng cho hợp tác và hội nhập kinh tế. Nhưng chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để duy trì điều này.
Chúng ta cần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và hợp tác của mình để bất kể môi trường nào, chúng ta có thể làm tốt hơn cho người dân của mình và thực hiện tầm nhìn về một tương lai hội nhập, thịnh vượng và bền vững hơn cho người dân Hiệp hội.