Hãy nỗ lực trong im lặng, thành công sẽ ồn ào
Chỉ đến khi anh rời đi, 'Dải ngân hà' ở Santiago Bernabeu mới thấy trống trải dường nào, những 'vì tinh tú' không còn được tiếp năng lượng để mà lấp lánh.
Dấu giày trên sân cỏ
Chỉ đến khi anh trở về nước Pháp, “nửa xanh thành London” mới thấy khoảng trống anh để lại là lớn đến chừng nào.
Tên của anh - “Makelele” - trong thổ ngữ Lingala của quê hương Congo nghĩa là “tiếng ồn”. Thế nhưng trong suốt sự nghiệp kéo dài 20 năm, ngay cả khi đứng trên đỉnh của châu Âu và thế giới, anh vẫn lặng lẽ nép mình sau ánh hào quang.
Người ta không tìm thấy ở Makelele kỹ năng đặc biệt nào của một siêu sao bóng đá, từ tốc độ, kỹ thuật cho đến tư duy. Giá trị thương mại của tiền vệ phòng ngự gốc Congo cũng ở mức trung bình. Thế nhưng, “di sản” mà Makelele để lại là vô giá.
Makelele thi đấu như một công nhân trong dây chuyền sản xuất có tính chuyên môn hóa cao - đeo bám, xuất hiện ở mọi “điểm nóng” trên sân, tranh cướp bóng, chuyền ngay cho đồng đội ở khoảng cách gần. Như cách nói mỉa mai của Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez, sau khi bán Makelele cho Chelsea rằng: “Sao chúng ta phải nhớ Makelele. Anh ta có kỹ thuật trung bình. Thiếu tốc độ và kĩ năng để tạo ra những đường chuyền sáng tạo. Chơi đầu thì kém, lại hiếm khi chuyền nổi một đường quá 3m. Và 90% công việc của anh ta trên sân chỉ là chuyền ngang hoặc chuyền về”.
Và, như chúng ta đã biết, hành động của Florentino Perez đã làm sụp đổ cả “Dải Ngân hà 1.0”. Để rồi sau khi Makelele rời đi, huyền thoại Zidane đã phải cay đắng thốt lên: “Mạ vàng một chiếc Bentley thì ích gì khi mà nó đã mất đi động cơ”.
Có Makelele “cày ải”, những Zidane, Figo... thỏa sức sáng tạo. Có Makelele, phòng truyền thống của “Đội bóng Hoàng gia” có thêm 2 danh hiệu La Liga, một Champions League - điều mà những siêu sao “thế chân” ở vòng tròn giữa sân như David Beckham hay Gravesen “lực bất tòng tâm”.
“Cậu ấy là tấm khiên che chắn trước bộ tứ vệ, là người phá hủy nguồn sáng tạo của đối phương, là người dọn dẹp phía sau những cầu thủ tấn công của đội nhà - đấy là điều mà đa số đều nhìn thấy. Nhưng gượm đã, Makelele còn là điểm khởi đầu cho hầu như tất cả các phương án tấn công của đội bóng. Nhưng cầu thủ như Makelele chính là nguồn năng lượng của đội. Không có năng lượng, bạn còn làm được gì?” - HLV Mourinho nhận ra chân giá trị của Makelele và đưa anh về để thắp lên “bình minh” ở Stamford Bridge.
Trong 5 năm gắn bó với sân Stamford Bridge (2003-2008), Makelele cùng với Michael Essien, Frank Lampard và Michael Ballack tạo thành hàng tiền vệ “càn quét” Ngoại hạng Anh khi mang về phòng truyền thống của CLB 2 chức vô địch liên tiếp ở mùa giải 2004-2005 và 2005-2006. Trong mỗi mùa bóng, Makelele đều đặn “cày ải” từ 34 trận đấu trở lên.
Chính trên nước Anh, Makelele đã khắc tên mình vào ngôi đền của những huyền thoại bóng đã khi giới chuyên gia chính thức đặt tên anh cho vị trí - như nhận định của HLV Mourinho ở trên - “vị trí Makelele” - điều hy hữu trong lịch sử bóng đá.
Đến nay, “vị trí Makelele” vẫn được sử dụng rộng rãi và được tôn vinh. Đó là Kante - một “phiên bản” của Makelele trong kỳ tích vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2015-2016 của Leicester, là Casemiro tại Real Madrid hay Joshua Kimmich của Bayern Munich...
Điều gì khiến một cầu thủ... “có kỹ thuật trung bình” như Makelele trở thành một tượng đài không thể thay thế trong lịch sử bóng đá. Câu trả lời hẳn chỉ đến từ chính anh: “Thành công trong bóng đá không thể tự dưng mà đến. Nó là kết quả của từng ngày lao động” - Makelele chia sẻ.
Hôm nay, huyền thoại người Pháp bước sang tuổi 48. Sự nghiệp của Makelele là bài học cho tất cả chúng ta rằng: Hãy nỗ lực trong im lặng, thành công sẽ ồn ào.