Hãy tưởng tượng - khi thế giới không còn ranh giới tôn giáo

Và trong giây phút ấy, khi giai điệu Imagine ngân vang qua từng ca từ, tôi như thấy một thế giới hoàn nguyên hiện ra trước mắt: lợi hòa, ngập tràn ánh sáng từ bi, trí tuệ và tình yêu thương

Bài viết lấy cảm hứng từ bài hát “Imagine” - John Lennon (*), góc nhìn từ lăng kính và ánh sáng Phật pháp.

“Một thế giới không chia rẽ tôn giáo không phải là thế giới vô thần, mà là thế giới có khả năng nhìn nhau bằng ánh mắt từ bi”. (trích lời Hòa thượng Thích Nhất Hạnh)

Imagine - “Hãy tưởng tượng”, không chỉ là một ca khúc bất hủ, mà còn là lời mời gọi vượt khỏi giới hạn của niềm tin, chủ nghĩa vật chất và bản ngã. John Lennon không tuyên bố điều gì, ông chỉ mời ta thử tưởng tượng và chính điều đó mở ra không gian cho những giấc mơ hòa bình nảy mầm.

Bài viết này phân tích từng đoạn của Imagine dưới ánh sáng phật pháp, nơi sự buông xả, hiểu biết và lòng từ bi trở thành chất liệu xây dựng thế giới không ranh giới.

(Ảnh: Internet)

Không thiên đường - không địa ngục: Vượt khỏi nhị nguyên, an trú hiện tiền

Đến với đoạn đầu bài hát, sau tiếng đàn đệm Piano du dương ngân lên, cũng là lúc John Lennon cất tiếng hát, như giai điệu thiền ca nhẹ nhàng mà dịu êm:

Imagine there’s no heaven

It’s easy if you try

No hell below us

Above us only sky

Imagine all the people

Living for today… ah

Hãy tưởng tượng không còn thiên đường trên cao

Dễ thôi, nếu bạn thử tưởng tượng

Không có địa ngục bên dưới

Chỉ có bầu trời trong lành trên cao

Và tất cả mọi người

Chỉ sống cho hôm nay…

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Đây không phải là lời kêu gọi phủ nhận thế giới tâm linh, mà là một cách “buông bỏ” vọng tưởng về một đời sống sau cái chết, vốn khiến con người bám víu, lo sợ hoặc đấu tranh vì niềm tin. John Lennon không bài bác đạo lý, mà chỉ hỏi: Nếu không có thiên đường hay địa ngục để tưởng thưởng hay trừng phạt, con người có thể sống tử tế ngay trong hiện tại không?

Điều này gợi nhắc tới lời dạy trong Kinh Pháp Cú:

“Không làm các việc ác,

Siêng làm các việc lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Ấy là lời chư Phật”.

Hay: “Tâm là gốc của các pháp. Tâm làm chủ, tâm tạo. Nếu nói hay hành động với tâm thanh tịnh, an vui theo sau như bóng không rời hình”. (Kinh Pháp Cú)

Thật vậy, người tu Phật không làm việc thiện vì sợ địa ngục hay cầu thiên đường, mà vì hiểu nhân quả và sống với lòng từ bi. Thiên đường hay địa ngục không ở đâu xa, chúng sinh khởi từ chính tâm thức hiện tại của mỗi người.

Hiểu được điều này, thay vì tìm kiếm sự cứu rỗi ở tương lai, ta hãy sống sâu sắc và tỉnh thức trong hiện tại. Mỗi hơi thở chính niệm là một bước ra khỏi địa ngục, mỗi ý niệm tâm từ là một bước xây dựng thiên đường.

Không biên giới - không tôn giáo: Hòa bình đến từ vô ngã và tuệ giác

Sau khúc hát đầu, nhịp trống dồn dập, thôi thúc, cảm giác như từng hồi chuông tỉnh thức ngân vâng, trầm mặc mà đầy uy lực, từng câu hát tiếp theo được trải lòng cùng John Lennon:

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Imagine there’s no countries

It isn’t hard to do

Nothing to kill or die for

And no religion too

Imagine all the people

Living life in peace…

Hãy tưởng tượng không còn quốc gia

Điều đó chẳng khó khăn gì

Không còn gì để giết chóc hay hy sinh

Và cả tôn giáo cũng không

Hãy tưởng tượng tất cả mọi người

Cùng sống đời bình an…

John Lennon chạm đến điều tối giản mà sâu sắc: hầu hết xung đột lớn trong lịch sử nhân loại đều bắt nguồn từ hai thứ - lòng chấp ngã vào quốc gia và lòng chấp pháp vào tôn giáo.

Phật giáo dạy rằng mọi khổ đau đều phát sinh từ vô minh và chấp thủ. Khi con người cho rằng “đây là nước tôi”, “đây là đạo tôi”, thì sự đối lập sẽ dẫn đến phân biệt và tranh chấp. Phá bỏ ranh giới không có nghĩa là xóa bỏ bản sắc, mà là buông xả ngã chấp, sống với tình thương và trí tuệ.

Kinh Tương Ưng Bộ (Khandha Samyutta) có dạy: “Trong tất cả pháp, không có pháp nào là ‘ta’, không có gì là ‘của ta’. Khi thấy được như vậy, tâm liền buông bỏ, không còn chấp chước, không còn khổ đau”.

Rõ ràng, một thế giới không còn chiến tranh, giết chóc vì quốc gia hay tôn giáo không phải là thế giới vô tín ngưỡng, mà là nơi con người hiểu được rằng đạo không ở danh xưng, mà ở hành xử, không ở giáo điều, mà ở tình thương.

Người mơ mộng - hay người phát nguyện độ sinh?

Đến đoạn tiếp theo, ta dường như cảm nhận được hình ảnh và tinh thần Bồ Tát Đạo, qua từng lời ca mộc mạc, giản đơn.

You may say I’m a dreamer

But I’m not the only one

I hope someday you’ll join us

And the world will be as one

Bạn có thể nói tôi là một kẻ mộng mơ

Nhưng tôi không phải người duy nhất

Tôi hy vọng một ngày nào đó bạn sẽ cùng chúng tôi

Và thế giới sẽ thành hợp nhất

John Lennon nhận mình là “dreamer” - người mơ mộng. Nhưng ẩn sâu trong giấc mơ ấy là khát vọng rất thực: một thế giới thống nhất trong yêu thương.

Giấc mơ ấy không viển vông. Trong Phật giáo, những “người mơ mộng” như vậy được gọi là Bồ Tát, những người phát tâm rộng lớn để độ thoát vô lượng chúng sinh.

Bồ Tát là người nhìn thấy sự thật đau khổ, nhưng không từ bỏ hy vọng. Họ dấn thân vào đời với tâm nguyện xây dựng một thế giới không chia rẽ, không sân hận, thế giới ấy được gọi là Tịnh độ hay Giác ngộ tập thể.

Lý tưởng Bồ Tát cao cả đó, qua từng ca từ giúp ta gợi nhớ tới “Tứ Hoằng Thệ Nguyện - Kinh Phát Bồ Đề Tâm”:

“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ,

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”

Không có gì xấu hổ khi trở thành người “mơ mộng” nếu giấc mơ ấy hướng đến an lạc cho tất cả. Trái lại, đó là lý tưởng sống cần có trong thời đại nhiễu nhương, khi lòng người bị chia rẽ bởi định kiến, tôn giáo, chủ nghĩa vật chất.

Người mơ chân thật là người dám phát tâm, dám hành động, dù âm thầm, để gieo hạt giống tỉnh thức vào lòng nhân loại.

Không sở hữu - sống đời phụng sự và tự do

Tiếp đến, John Lennon bất ngờ đưa chúng ta tới “một thế giới đại đồng”:

(Ảnh: Internet)

(Ảnh: Internet)

Imagine no possessions

I wonder if you can

No need for greed or hunger

A brotherhood of man

Imagine all the people

Sharing all the world…

Hãy tưởng tượng không còn của cải để chiếm hữu

Tôi tự hỏi bạn có thể làm được không

Không còn lòng tham hay nạn đói

Một tình huynh đệ giữa nhân loại

Tất cả mọi người

Cùng chia sẻ thế giới này…

Đây là một trong những đoạn gây tranh cãi nhất, vì “không còn sở hữu” là điều gần như trái ngược với lối sống hiện đại. Nhưng nếu từ góc nhìn Phật học, John Lennon đang nói đến buông xả chấp thủ - gốc rễ của mọi khổ đau.

Phật dạy rằng chấp ngã và chấp pháp khiến con người không thể buông xuống, từ đó sinh ra tham lam, chiếm hữu, ganh ghét và khổ lụy. Khi biết sống đơn giản, không nô lệ cho vật chất, con người bắt đầu thấy mình nhẹ nhõm và có thể chia sẻ một cách tự nhiên, không toan tính.

Điều này gợi nhắc lời dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikāya: “Người ngu vì tham mà khổ, người trí xả tham được vui. Hạnh phúc lớn nhất là biết đủ và biết buông”.

Một thế giới “không của riêng ai” nghe như giấc mơ, nhưng mỗi người có thể bắt đầu bằng việc giảm nhu cầu cá nhân, tăng sự sẻ chia và nhìn mọi người như anh em trong cùng một mái nhà lớn, đó là: Hành tinh này.

Người học Phật không cần phải buông bỏ hết vật chất, nhưng phải học cách sống với vật chất mà không bị vật chất chi phối, đó mới là tự do đích thực.

Một thế giới - một tấm lòng

Bài hát này: Đừng chỉ nghe, mà bạn cần cảm nhận... (Don't just listen to this song, you need to feel it)

Bài hát này: Đừng chỉ nghe, mà bạn cần cảm nhận... (Don't just listen to this song, you need to feel it)

Khi từng nhịp trống ở đoạn kết, như những hồi chuông cuối nhẹ ngân, hòa cùng giai điệu piano dịu êm, người “mộng mơ” John Lennon thêm một lần khẳng định:

You may say I’m a dreamer

But I’m not the only one

I hope someday you’ll join us

And the world will live as one

Bạn có thể nói tôi là kẻ mộng mơ

Nhưng tôi không phải người duy nhất

Tôi mong một ngày bạn sẽ cùng chúng tôi

Và thế giới sẽ sống như một.

…An hòa, vô phân biệt…

Lời kết bài không phải là sự khẳng định, mà là lời gọi mời. Người “mộng mơ” ấy biết rằng con đường rất dài, nhưng nếu có thêm từng người cùng đồng hành, thế giới có thể đổi khác.

Phật giáo gọi đây là đồng sự nhiếp, một trong Tứ Nhiếp Pháp. Không ép buộc, không giáo điều, mà là cùng đi, cùng chia sẻ, cùng sống, khơi lên trong nhau hạt giống từ bi và trí tuệ.

Trong Kinh Tăng Chi Bộ - AN 4.67, bản dịch Ht. Minh Châu, có dạy: “Như đất, nước, gió, lửa không phân biệt ai là thân hay sơ, ai xứng đáng hay không xứng đáng, tâm từ cũng nên rộng lớn như vậy, không vướng mắc, không phân biệt”.

Điều này gợi nhắc đến một câu chuyện thiền:

Có người hỏi vị Thiền sư:

- Thưa thầy, thế giới này sẽ tốt đẹp hơn khi nào?

Thiền sư trả lời:

- Khi con người thôi hỏi người khác nên thay đổi thế nào và bắt đầu tự thắp sáng chính mình.

Hồi kết nhẹ như mây

John Lennon không xưng mình là đạo sĩ, cũng chẳng mượn lời Kinh, nhưng giấc mơ của ông mang hồn Tứ Vô Lượng Tâm. Từ - Bi - Hỷ - Xả không còn là khái niệm thiền môn, mà trở thành một bài hát, một giấc mơ, một lời mời gọi: Hãy tưởng tượng và rồi hãy bắt đầu.

Đã 45 năm, kể từ ngày John Lennon qua đời vì bị ám sát, nhưng ca khúc Imagine (hãy tưởng tượng) không chỉ là bài hát mà như bản thiền ca sống mãi với thời gian… Và trong giây phút ấy, khi giai điệu Imagine ngân vang qua từng ca từ, tôi như thấy một thế giới hoàn nguyên hiện ra trước mắt: lợi hòa, ngập tràn ánh sáng từ bi, trí tuệ và tình yêu thương.

Một thế giới không biên giới, không tôn giáo, không sở hữu… chỉ còn lại con người - sống bên nhau trong vô ngã, tuệ giác, phụng sự và tự do.

Tác giả: Thường Nguyên

* John Winston Ono Lennon (09/10/1940 - 08/12/1980) là một ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công và nhà hoạt động vì hòa bình người Anh. Ông nổi tiếng khắp thế giới với tư cách là người sáng lập, đồng ca sĩ chính và nghệ sĩ guitar đệm của ban nhạc The Beatles.

Nguồn gốc ca khúc - Một thiền ca vượt thời gian

Imagine được John Lennon sáng tác vào năm 1971, là một trong những sáng tác solo nổi bật nhất sau khi ông rời nhóm The Beatles, một trong những bản nhạc biểu tượng của thế kỷ XX. Bài hát được truyền cảm hứng từ tập thơ “Grapefruit” của Yoko Ono - người vợ đồng hành tinh thần sâu sắc của Lennon.

Lời bài hát khơi dậy một thế giới không có ranh giới quốc gia, không có chia rẽ tôn giáo, không của cải để ganh đua, một thế giới nơi con người sống trong hòa bình, tràn ngập yêu thương và sẻ chia.

Danh ca kể rằng đã có lần The World Church (một tổ chức Thiên Chúa) gọi điện cho ông yêu cầu sửa lời Imagine thành “Imagine one religion” (Hãy tưởng tượng chỉ có một tôn giáo duy nhất) thay cho “No religion too”. Tất nhiên là John Lennon từ chối: “Họ nói vậy nghĩa là họ chẳng hiểu tí gì về bài hát. Thay đổi như vậy sẽ làm thất bại toàn bộ mục đích của bài hát, toàn bộ ý tưởng”.

Imagine nhanh chóng trở thành biểu tượng toàn cầu cho phong trào phản chiến và giấc mơ nhân loại hợp nhất. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp ca khúc này ở vị trí số 3 trong danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại”.

Ca khúc không cổ xúy chủ nghĩa vô thần hay phủ định tín ngưỡng, mà mời gọi người nghe vượt qua hình thức và ranh giới bên ngoài, để hướng tới tinh thần đồng nhất, một thế giới không còn bị chia rẽ bởi sự sở hữu, chủng tộc hay danh nghĩa tôn giáo. Điều đó, tựa như những lời dạy từ bi và vô ngã trong Phật pháp.

Sáng tác và trình bày: John Lennon

Imagine there's no heaven

It's easy if you try

No hell below us

Above us, only sky

Imagine all the people

Livin' for today Ah…

Imagine there's no countries

It isn't hard to do

Nothing to kill or die for

And no religion, too

Imagine all the people

Livin' life in peace You…

You may say I'm a dreamer

But I'm not the only one

I hope someday you'll join us

And the world will be as one

Imagine no possessions

I wonder if you can

No need for greed or hunger

A brotherhood of man

Imagine all the people

Sharing all the world

You may say I'm a dreamer

But I'm not the only one

I hope someday you'll join us

And the world will live as one

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/hay-tuong-tuong-khi-the-gioi-khong-con-ranh-gioi-ton-giao.html