HĐBA LHQ thông qua Tuyên bố của Chủ tịch về an ninh biển, khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS
Tối ngày 9/8/2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã chủ trì phiên họp Thảo luận mở cấp cao trực tuyến với chủ đề 'Tăng cường an ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế'.
Tham gia phiên họp có 4 Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Tổng thống Nga Putin, 10 Bộ trưởng, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace.
Thủ tướng Modi đề xuất "khuôn khổ hiểu biết lẫn nhau và cùng hợp tác" về an ninh biển
Ấn Độ là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng 8. Narendra Modi là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên chủ trì phiên Thảo luận HĐBA, đã đề xuất một khuôn khổ hợp tác để giải quyết các tranh chấp biển, biến đổi khí hậu và thiên tai, với 5 nguyên tắc để phát triển một lộ trình an ninh biển toàn cầu, đó là: (i) Thương mại hợp pháp không rào cản trên biển; (ii) Giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; (iii) Khuyến khích kết nối trên biển một cách có trách nhiệm. (iv) Cùng nhau đấu tranh chống thiên tai và các mối đe dọa trên biển từ các tổ chức phi quốc gia. (v) Bảo vệ môi trường và tài nguyên biển.
HĐBA đã thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực khác nhau liên quan an ninh biển, nhưng đây là cuộc thảo luận chính thức đầu tiên riêng về chủ đề an ninh biển như một chuyên đề chính, quan trọng, trong chương trình nghị sự và ở cấp lãnh đạo cấp cao. Ấn Độ cho rằng, không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết các khía cạnh đa dạng của an ninh biển và điều quan trọng là phải xem xét chủ đề này một cách tổng thể trong HĐBA. Ấn Độ đã xây dựng đồng thuận bằng cách khởi động tham vấn giữa tất cả các thành viên Hội đồng Bảo an trước vài tháng, chuẩn bị một bản ghi chú tổng hợp ý tưởng của tất cả các thành viên.
Tinh thần thượng tôn pháp luật và tuân thủ UNCLOS
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đề cập đến vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bày tỏ lo ngại về một số khu vực quan trọng nơi các luật lệ và nguyên tắc trên biển bị đe dọa; nhấn mạnh tự do hàng hải và hàng không và di chuyển không bị cản trở là rất quan trọng đối với an ninh của các quốc gia; việc bảo vệ các quy tắc mà tất cả đã đồng ý tuân theo và giải quyết các tranh chấp biển một cách hòa bình là việc cần làm và là trách nhiệm của mọi quốc gia thành viên. Xung đột ở Biển Đông hoặc ở bất kỳ đại dương nào sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh và thương mại toàn cầu. “Ở Biển Đông, chúng ta đã chứng kiến các cuộc chạm trán nguy hiểm của tàu bè trên biển, những hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách biển phi pháp. Mỹ đã làm rõ những lo ngại của mình về các hành động đe dọa và bắt nạt các nước khác liên quan sự tiếp cận hợp pháp của họ với tài nguyên trên biển". Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS, "Mỹ đã không ngừng kêu gọi các quốc gia tuân thủ UNCLOS khi đưa ra yêu sách trên biển".
Tổng thống Nga Putin khẳng định tôn trọng chủ quyền và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại; Nga muốn xây dựng hợp tác hiệu quả với Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương và Ủy ban Ấn Độ Dương, giúp đảm bảo an ninh ở Vịnh Ba Tư, Đại Tây Dương; đề nghị thành lập một cơ quan an ninh biển trong HĐBA để giải quyết các vấn đề tội phạm biển, cướp biển và khủng bố trên biển.
Ý nghĩa của Tuyên bố Chủ tịch HĐBA đầu tiên về an ninh biển
Ngày 10/8/2021, HĐBA LHQ đã nhất trí thông qua Tuyên bố của Chủ tịch đầu tiên về an ninh biển, tập trung vào tính thượng tôn của luật pháp quốc tế, lưu ý UNCLOS là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên đại dương, trong đó có có các hoạt động chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh và an toàn biển; thúc đẩy vận tải biển an toàn, đồng thời đảm bảo tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, hoan nghênh hoạt động tương trợ tư pháp và các hình thức hợp tác thực thi pháp luật khác liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; kêu gọi tăng cường hợp tác vì an ninh biển, trong đó có chống cướp biển và các hoạt động khủng bố, chống các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; xem xét tăng cường hợp tác để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có cả cơ sở hạ tầng xuyên biên giới
Về ý nghĩa của Tuyên bố của Chủ tịch này, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ, Đại sứ T.S Tirumurti, cho biết cuộc họp cấp cao tại Hội đồng Bảo an LHQ về an ninh biển là một cuộc họp lịch sử về nhiều mặt. Lần đầu tiên một Tuyên bố của Chủ tịch về khái niệm toàn diện của an ninh biển đã được thông qua; tái khẳng định rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên biển. Trong Tuyên bố Chủ tịch (PRST), được 15 quốc gia ủy viên HĐBA LHQ nhất trí thông qua, Hội đồng Bảo an tái khẳng định rằng “luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), đưa ra khuôn khổ pháp lý áp dụng cho các hoạt động trên đại dương, trong đó bao gồm cả việc chống lại các hoạt động bất hợp pháp trên biển”. Điều này rất có ý nghĩa vì nó đánh dấu văn kiện kết quả đầu tiên của HĐBA về vấn đề an ninh biển, cũng là lần đầu tiên trong Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA đề cập đến UNCLOS.
Đại sứ Ấn Độ cho biết quá trình thông qua Tuyên bố của Chủ tịch về an ninh biển diễn ra không suôn sẻ, với một ủy viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết là Trung Quốc phản đối và giữ lại cho đến phút chót về ngôn ngữ liên quan đến UNCLOS. Các nhà đàm phán của Ấn Độ đã tìm được ngôn ngữ tất cả các bên có thể chấp nhận, không bỏ qua UNCLOS khi 4 ủy viên thường trực khác là Mỹ, Anh, Pháp và Nga nhất quyết yêu cầu giữ lại./. (Theo Hindustan Times 10/8/2021).