HĐBA thông qua loạt nghị quyết liên quan Houthi, Cao nguyên Golan và CHDC Congo
Ngày 27/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã họp và thông qua 3 nghị quyết liên quan tình hình Biển Đỏ, Cao nguyên Golan và Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo.
* Nghị quyết 2737 gia hạn sứ mệnh của Lực lượng Quan sát viên LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF) thêm 6 tháng đến ngày 31/12/2024.
Nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký LHQ phải bảo đảm UNDOF có được năng lực và các nguồn lực cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ “một cách an toàn”.
HĐBA gồm 15 thành viên cũng nhấn mạnh Israel và Syria có nghĩa vụ phải tôn trọng “một cách nghiêm túc và đầy đủ” các điều khoản của Thỏa thuận Rút quân năm 1974; hối thúc hai bên kiềm chế tối đa và ngăn chặn mọi hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, giải quyết các vấn đề cùng quan tâm thông qua liên lạc với UNDOF.
UNDOF được thành lập sau Thỏa thuận Rút quân năm 1974, với nhiệm vụ duy trì lệnh ngừng bắn và giám sát khu vực ranh giới chia cắt là một vùng đệm phi quân sự nằm giữa Israel và Syria.
* Nghị quyết 2738 (2024) gia hạn sứ mệnh của Nhóm Chuyên gia về CHDC Congo tới ngày 1/8/2025 và lệnh trừng phạt chính quyền CHDC Congo tới tháng 7/2025.
HĐBA nhắc lại cam kết của Tổng thư ký LHQ “làm tất cả những gì có thể” để bảo đảm rằng hung thủ sát hại 2 thành viên Nhóm Chuyên gia và 4 công dân Congo đi cùng họ sẽ bị đưa ra xét xử.
Tháng 3/2017, hai chuyên gia Michael Sharp (người Mỹ) và Zaida Catalan (người Thụy Điển) đã bị bắt cóc khi đang thực hiện cuộc điều tra về các tội ác tại Kasai, khu vực bất ổn đang có giao tranh giữa quân chính phủ CHDC Congo và lực lượng nổi dậy.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO) sau đó phát hiện 2 chuyên gia này bị sát hại bên ngoài thành phố Kananga của tỉnh Kasai.
* Nghị quyết 2739 (2024), yêu cầu lực lượng Houthi ở Yemen ngay lập tức chấm dứt mọi hành động tấn công tàu thuyền thương mại ở Biển Đỏ, được HĐBA thông qua với 12 phiếu thuận và 3 phiếu trắng của Nga, Trung Quốc và Algeria.
Nghị quyết yêu cầu Tổng thư ký LHQ đưa ra báo cáo hàng tháng về cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực Biển Đỏ từ nay cho tới tháng 1/2025.
Văn bản nhấn mạnh, tất cả các quốc gia thành viên “phải tuân thủ các nghĩa vụ liên quan lệnh cấm vận vũ khí có chủ đích” đối với những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Houthi, được nêu trong Nghị quyết 2216 năm 2015.