HĐND các cấp thành phố Hà Nội:Đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm đếm sau giám sát
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giám sát theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2025, HĐND thành phố Hà Nội sẽ có những đổi mới phù hợp với thực tiễn. Theo đó, hoạt động giám sát, trong đó giám sát trực tiếp qua phiên chất vấn, giải trình sẽ tiếp tục được rà soát kỹ, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm đếm kết quả sau giám sát.
Theo dõi tiến độ thực hiện cam kết
![Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) chất vấn về công tác di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm khu dân cư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố khóa XVI.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_8_51435668/bd7f2333187df123a86c.jpg)
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) chất vấn về công tác di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm khu dân cư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 20 HĐND thành phố khóa XVI.
Những năm gần đây, hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND thành phố ngày càng có nhiều đổi mới theo hướng đồng hành, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, được cử tri, nhân dân Thủ đô ghi nhận. Vào tháng 7 và tháng 12 hằng năm, cử tri dõi theo kỳ họp thường kỳ và đặc biệt là chú ý đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trong năm 2024, HĐND thành phố tiến hành 2 phiên chất vấn tại các kỳ họp thường lệ, dành trọn một ngày cho hoạt động chất vấn tại các kỳ họp. Chủ đề lựa chọn chất vấn là việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ; việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những vấn đề còn hạn chế, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cho các dự án chậm triển khai, cam kết tiến độ hoàn thành công việc. Đặc biệt, HĐND thành phố còn biểu quyết thông qua Nghị quyết chất vấn kèm theo phụ lục các cam kết, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình để UBND thành phố và các cấp, ngành tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước đối với nội dung chất vấn.
Bà Phạm Thị Nguyệt, cử tri phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, bà tham gia công tác ở tổ dân phố, nên luôn ưu tiên theo dõi các kỳ họp. “Tôi đánh giá cao việc đại biểu HĐND thành phố tái chất vấn các dự án chậm triển khai, vì nếu không sát sao, việc tiếp tục chậm triển khai các dự án sẽ gây lãng phí đất đai, nguồn lực, khiến người dân rất bức xúc”, bà Nguyệt nói.
Giám sát việc khắc phục hạn chế, bất cập
Tại kỳ họp thứ 20 diễn ra cuối tháng 12-2024, HĐND thành phố đã chất vấn nhiều vấn đề; ban hành nghị quyết chất vấn kèm theo phụ lục các cam kết, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình của UBND thành phố và các cấp, các ngành.
Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn về lĩnh vực môi trường làng nghề, ngày 7-2-2025, UBND thành phố đã có văn bản trả lời đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) về tiến độ di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong làng nghề trên địa bàn Hà Nội.
Theo thông tin của UBND thành phố, đến nay thành phố đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 101 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.110ha, đạt 63% về số lượng cụm công nghiệp và 66% về diện tích so với Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt.
Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm trong làng nghề ở khu dân cư vào các cụm công nghiệp, các quận, huyện, thị xã đang từng bước thực hiện việc di dời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cụ thể, huyện Thường Tín hiện có 604 cơ sở sản xuất, kinh doanh đã di dời vào hoạt động tại 5 cụm công nghiệp làng nghề, dự kiến sẽ di dời khoảng 400 cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào 3 cụm công nghiệp sau khi hoàn thành (các cụm công nghiệp Tiền Phong, Ninh Sở giai đoạn 2, Thắng Lợi). Huyện Đan Phượng đã di dời 665 hộ sản xuất. Huyện Ứng Hòa có 85 hộ sản xuất tại thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu đăng ký di dời điểm tái chế rác thái nhựa vào cụm công nghiệp Cầu Bầu (đạt trên 50% số hộ), số hộ còn lại sẽ được di dời vào Cụm công nghiệp Xà Cầu giai đoạn II. Quận Hà Đông đã phê duyệt và giao đất 261 nhóm hộ nhằm di dời các cơ sở vào cụm điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc và có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất rèn truyền thống Đa Sỹ ra khỏi khu dân cư sau khi Cụm công nghiệp Đa Sỹ hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông khẳng định, làng nghề, làng nghề truyền thống còn mang ý nghĩa là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất, nên việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, công tác phát triển các cụm công nghiệp làng nghề gặp một số khó khăn do tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, người dân chưa đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. Thủ tục tiếp nhận nhà đầu tư thứ phát còn chưa thống nhất...
Vì thế, việc di dời các hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các làng nghề có hoạt động sản xuất gắn liền với nơi sinh sống, cư trú.
Thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị rà soát xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, đặc thù phù hợp với Luật Thủ đô nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư và phát triển nghề, làng nghề. Trong đó, sẽ rà soát, ban hành các nội dung điều chỉnh Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 3-10-2022 của UBND thành phố cho phù hợp với thực tế, tạo cơ hội cho các cơ sở làng nghề di dời vào các cụm công nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ của các cụm công nghiệp làng nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu diện tích mặt bằng sản xuất, di dời cơ sở trong làng nghề; huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Việt cho biết, việc UBND thành phố kịp thời có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu cho thấy trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trước đại biểu, cử tri. Vấn đề này sẽ được HĐND thành phố tiếp tục theo dõi, đôn đôn, giám sát, để các nội dung chất vấn thực sự hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân.
“Năm 2025, hoạt động giám sát trực tiếp sẽ tiếp tục được đại biểu HĐND thành phố rà soát kỹ, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, chú trọng kiểm đếm kết quả sau giám sát”, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt nhấn mạnh.