HĐND thành phố quyết định biên chế cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ông đồng ý với phương án HĐND TP Hà Nội quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Luật sư Nguyễn Văn Hà, phát biểu góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Công Phương

Luật sư Nguyễn Văn Hà, phát biểu góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Công Phương

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, ông đồng ý với phương án 2 của điểm a của Điều 10 HĐND TP Hà Nội đó là quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Sở An toàn thực phẩm; Đội quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã.

HĐND TP Hà Nội quyết định biên chế cán bộ, công chức; số lượng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định, quy mô dân số, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội.

Về Điều 12, HĐND quận, thị xã, luật sư Hà đề nghị sửa lại là HĐND quận, thị xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Thực hiện các nhiệm vụ được HĐND, UBND, TP Hà Nội phân cấp trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; tài nguyên môi trường; quản lý khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục;

2. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công; tổ chức thực hiện chương trình, dự án đầu tư công theo phân cấp quản lý; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND phường trực thuộc;

3. Thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phường trực thuộc quận, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội.

Về Điều 18: Thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, luật sư Hà đề nghị sửa lại khoản 3 là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP thuộc TP Hà Nội được ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao từ khu vực ngoài Nhà nước vào làm việc và đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo và phải chịu trách nhiệm về việc ký hợp đồng nêu trên.

Luật sư Hà lý giải, việc bổ sung nêu trên là nhằm xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi ký hợp đồng với người thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao, tránh tình trạng tuyển dụng một cách tùy tiện, chủ quan, cảm tính.

Về Điều 21: Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, luật sư Hà cho rằng, cần sửa lại khoản 2 với nội dung phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư trước khi lập quy hoạch. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc lập quy hoạch trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Góp ý vào Điều 30: Quản lý, sử dụng đất đai, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề nghị sửa lại khoản 2 với nội dung: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn Thủ đô phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: a) Hộ gia đình, cá nhân có đất được thu hồi và phải di chuyển chỗ ở được Nhà nước bố trí tái định cư theo quy hoạch đồng bộ, đảm bảo phù hợp với văn hóa, phong tục và điều kiện sống;

Bởi lẽ, việc xác định hộ gia đình, cá nhân có đất được thu hồi có nơi ở và điều kiện sống bằng hoặt tốt hơn nơi ở cũ là không thể định lượng được, trong khi nhu cầu của người dân khi di chuyển là mong muốn nơi ở mới phải có các chỉ tiêu cụ thể để khẳng định tốt hơn nơi ở cũ.

Việc điểu chỉnh, sửa đổi nêu trên để xác định khi di chuyển đến nơi ở mới thì Nhà nước đã phải quy hoạch khu tái định cư phù hợp đồng bộ với các điều kiện xung quanh trên cơ sở hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư. Khu tái định cư cũng đã được tính toán trên cơ sở điều kiện sống, văn hóa, phong tục tập quán của nơi thu hồi đất để khi người dân chuyển đến họ sẽ không cảm thấy xa lạ, phù hợp với điều kiện của họ. Do vậy, giới hạn của việc nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ trên cơ sở quy hoạch đồng bộ khu tái định cư là một trong các điều kiện tiên quyết để xác định điều kiện nơi mới tốt bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hdnd-thanh-pho-quyet-dinh-bien-che-can-bo-theo-yeu-cau-nhiem-vu-349672.html