HĐND tỉnh khóa XIV: Ghi dấu ấn từ sự đổi mới hoạt động hiệu quả

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, năm 2023, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, khẳng định hiệu lực, hiệu quả hoạt động; thể hiện rõ nét vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước tại địa phương, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIV tổ chức 6 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ và 4 kỳ họp chuyên đề) để quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Từ Kỳ họp thứ 11 đến Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận 94 báo cáo, tờ trình do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp trình tại kỳ họp và thông qua 71 nghị quyết. Kỳ họp thứ 16, tổ chức từ 6-12 đến 8/12/2023, HĐND tỉnh xem xét, thảo luận 52 nội dung thuộc thẩm quyền, thông qua 34 nghị quyết.

Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: Trước các kỳ họp, tại hội nghị thẩm tra các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, các ban của HĐND tỉnh đều nêu rõ quan điểm, chính kiến, phản biện mang tính xây dựng cao. Qua đó khẳng định rõ những nội dung thống nhất, những vấn đề cần được bổ sung, làm rõ, là căn cứ để cơ quan soạn thảo điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Vì vậy, những nội dung trình HĐND được các đại biểu đồng thuận, thống nhất cao, các nghị quyết cũng đảm bảo tính khả thi, thiết thực và hiệu quả.

Đơn cử như tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 24/2021/NQ-HĐND tỉnh.Theo đó đề xuất sửa đổi Điều 2 trong Nghị quyết số 24, nâng mức hỗ trợ kinh phí đối với giáo viên hợp đồng tại các cấp học và nhân viên nấu ăn tại cấp học mầm non từ tổng hệ số nhân với 1,49 triệu đồng (mức lương cơ sở cũ) lên mức lương cơ sở hiện hành 1,8 triệu đồng.

Nghị quyết ban hành được cử tri đánh giá cao, qua đó giúp đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng định mức tăng thêm thu nhập; đồng thời tạo điều kiện để ngành Giáo dục hợp đồng đủ số giáo viên, nhân viên trong điều kiện tinh giản biên chế.

Không chỉ tháo gỡ việc thiếu nhân lực cho ngành Giáo dục, tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố, giai đoạn 2023 - 2025 được nhân dân đánh giá cao.

Với mức hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên từ 250 - 500 triệu đồng/công trình xây mới; từ 150 - 300 triệu đồng/công trình sửa chữa và 50 triệu đồng/nhà văn hóa, khu thể thao mua sắm trang thiết bị, Nghị quyết đã góp phần tháo gỡ những bất cập sau khi thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố.

Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận, quyết định một số cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp tới đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Đơn cử như Nghị quyết quy định chức danh, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, xóm, tổ dân phố; số lượng, mức hỗ trợ, mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Mức chi trả được nâng lên phù hợp với sự đóng góp của cán bộ không chuyên trách; khuyến khích người có trình độ chuyên môn tham gia cống hiến cho các hoạt động ở cơ sở.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành (Phú Bình).

Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát tại xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành (Phú Bình).

2023 là năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, tích cực.

Kết quả đó có được là do HĐND tỉnh đã luôn đồng hành với UBND tỉnh để kịp thời ban hành những nghị quyết đúng, trúng, tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, cởi bỏ những nút thắt, điểm nghẽn, tạo sung lực mới cho sự phát triển.

Đánh giá về những kết quả nổi bật của hoạt động HĐND tỉnh trong năm 2023, đồng chí Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Đồng hành với UBND tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2023, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 6 kỳ họp, xem xét, thảo luận 146 báo cáo, tờ trình và thông qua 105 nghị quyết. Đây là những nghị quyết quan trọng, quyết định cơ chế, chính sách, biện pháp, giải pháp, góp phần ổn định xã hội, tạo môi trường thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển đúng định hướng, tăng thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức, phương thức giám sát, hoàn thành 14 cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào những nội dung được nhiều cử tri và dư luận quan tâm.

Số lượng nghị quyết ban hành lớn, chất lượng đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn của địa phương là căn cứ quan trọng để Thái Nguyên hiện thực hóa các mục tiêu phát triển và ngày càng đáp ứng kỳ vọng của cử tri. Đây cũng là điểm nhấn trong hoạt động của HĐND tỉnh.

Năm 2023, các ban HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát vào các nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm, như: Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng nông thôn mới; công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; việc triển khai một số chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ hoạt động khuyến nông, hỗ trợ phát triển hợp tác xã...

Đặc biệt, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn đối với thủ trưởng các cơ quan Tư pháp, phiên giải trình về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát, được các cơ quan, tổ chức, cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Công tác tiếp xúc cử tri tiếp tục được quan tâm, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội và UBND tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đã tổ chức 127 hội nghị để 65 đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với 12.812 cử tri.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp, phân loại, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và được thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết...

Những kết quả đó đã ghi “dấu ấn” HĐND trong hệ thống chính trị, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202312/hdnd-tinh-khoa-xv-ghi-dau-an-tu-su-doi-moi-hoat-donghieu-qua-e4501dc/