HĐND TP.HCM: Giữ gìn di sản, tiếng nói muộn còn hơn không

Hội thảo Bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM trung tuần tháng 6 được xem như tiền đề, chuẩn bị cho chương trình giám sát của HĐND TP.HCM diễn ra hai tháng 10 và 11.2019. Thông tin kết quả giám sát sẽ được báo cáo trước 105 đại biểu HĐND TP.HCM vào cuối năm.

Muộn còn hơn không

Ít lâu trước khi diễn ra hội thảo, lò gốm cổ Hưng Lợi (phường 16, quận 8) bị xâm hại nghiêm trọng. Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Hậu nhận định công trình hiếm hoi trên mặt đất, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1998, phản ánh làng nghề thủ công tiêu biểu của Sài Gòn giai đoạn bắt đầu hình thành. Hoạt động xâm hại di sản, ác thay, cũng không hiếm hoi.

Nhiều diễn giả ngậm ngùi với chiến thuật khai tử Ba Son. Từ thủy xưởng ra đời dưới thời chúa Nguyễn Ánh (1790), người Pháp đã nâng cấp thành xưởng đóng tàu hiện đại từng được xem là bậc nhất Đông Nam Á. Đóng góp tham luận nhưng nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, đề nghị phát biểu với tư cách một cử tri, minh định vị thế chính danh những đòi hỏi đối với đại diện cơ quan dân cử.

Đôi bờ sông Sài Gòn là hai khuôn mặt của đô thị. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Đôi bờ sông Sài Gòn là hai khuôn mặt của đô thị. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Một trong những ý kiến đề nghị của ông Phúc Tiến là HĐND TP.HCM tổ chức phiên điều trần, yêu cầu các giám đốc sở trả lời tại sao nhiều công trình có giá trị văn hóa trên địa bàn thành phố biến mất, trong đó có Ba Son. Ý kiến của cử tri Phúc Tiến nhắc nhớ đến Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh với hành vi ký Quyết định 1269/QĐ-BVHTTDL điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia.

Ông bộ trưởng ký ban hành quyết định này vào ngày 30.3.2016 trước khi Quốc hội miễn nhiệm chức vụ 8 ngày sau đó. Bằng quyết định này, Di tích “Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son” đổi thành Di tích Lịch sử Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, gồm: Ụ tàu nhỏ và triền nề. Đối chiếu với Quyết định 3457/QĐ-UBND ngày 28.6.2013 của UBND TP.HCM về Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha), năm công trình lịch sử phải được giữ lại trong khu Ba Son, kể cả việc tái bố trí công năng gồm: depot (xưởng cơ khí chính), ụ tàu lớn (xưởng lớn), ụ tàu nhỏ (xưởng nhỏ), văn phòng 1, văn phòng 2.

Trái khoáy là một trong những căn cứ ra quyết định QĐ1269/QĐ-BVHTTDL là công văn đề nghị của chính UBND TP.HCM số 1055/UBND-VX ngày 15.3.2016. Những tác động nhịp nhàng từ trung ương đến địa phương bôi xóa một di sản giá trị hơn hai thế kỷ trong lòng đô thị mới qua tuổi 300. Đổi lại, chữ ký của ông bộ trưởng cộng thêm mét vuông cho nhà đầu tư làm dự án.

Bên cạnh Ba Son là Tân Cảng, một bằng chứng về việc chính quyền thành phố không cầm cương được quy hoạch. Theo tiến sĩ Nguyễn Khởi, Đại học Văn Lang, dự án khu phức hợp Tân Cảng có hệ số sử dụng đất 2,18, nằm trong khu vực 930ha do Nikkei Sekkei quy hoạch và UBND TP.HCM phê duyệt năm 2012. Thế nhưng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhiều lần đề nghị UBND TP.HCM điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất lên 2,5 rồi “giá chót” là 3,71, đóng góp đáng kể vào quá trình hình thành bức tường bê tông sừng sững chạy dọc đường Nguyễn Hữu Cảnh, bao trọn một trong những đoạn đẹp nhất của dòng sông chảy giữa lòng thành phố.

Được biết, Ba Son cũng nằm trong danh sách những dự án nổi cộm mà tổ đại biểu Quốc hội được phân công kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển nhượng công sản tại TP.HCM.

Trong danh mục kiểm kê, chờ xếp hạng giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều công trình được đánh giá vô cùng quan trọng như Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Bình Tây, nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng mỹ thuật, Thư viện tổng hợp, tòa nhà trụ sở UBND.TP.HCM... Quy trình xét duyệt di tích hiện hành không theo kịp tốc độ đô thị hóa trở thành rủi ro thường trực đe dọa di sản đô thị.

Tiếp cận trên cơ sở liên ngành, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng cần nhìn nhận Sài Gòn - TP.HCM như một đô thị di sản. Tính đến tháng 12.2018, TP.HCM có 172 di tích đã quyết định xếp hạng. Tuy nhiên, trong danh mục kiểm kê, chờ xếp hạng giai đoạn 2016 - 2020 còn nhiều công trình được đánh giá vô cùng quan trọng như Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Bình Tây, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng mỹ thuật, Thư viện tổng hợp, tòa nhà trụ sở UBND.TPHCM... Quy trình xét duyệt di tích hiện hành không theo kịp tốc độ đô thị hóa trở thành rủi ro thường trực đe dọa di sản đô thị.

Trưng tấm bản đồ kết nối Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1970, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn đề xuất chiến lược khoanh vùng di sản, tập trung vào hai phường Bến Nghé và Bến Thành (quận 1) và khu Chợ Lớn cũ. Việc xác định khu trung tâm lịch sử, cùng với quy hoạch bảo tồn, chỉnh trang làm một lần mà giữ được hằng trăm di sản. Dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia quy hoạch này còn cho rằng việc khẩn trương ban hành một khung pháp lý nằm trong tầm tay của chính quyền thành phố: “Ở nước ngoài có những quy hoạch di sản, hướng dẫn thiết kế đô thị rất rõ ràng, bài bản, từ màu sắc, vật liệu, kích thước..., cứ theo đó mà làm”.

Tài nguyên di sản

Giai đoạn 2014 - 2019, ngân sách TP.HCM chi 490 tỷ đồng cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di sản, tương ứng khoảng 100 tỷ đồng/năm, “rải mành mành” cho hằng trăm di tích. Bao cấp ngân sách không bền vững từ tư duy đến hành động. Ngân sách chi cho di sản nên được tiếp cận như một khoản đầu tư, ràng buộc trách nhiệm giải trình đối với những đơn vị thụ hưởng nghĩa vụ hoàn trả lại ngân sách theo lộ trình - ông Phúc Tiến nêu quan điểm ứng xử với di sản như một ngành kinh tế. Thị trường năng động hơn. Đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân nhanh tay thâu tóm những bất động sản tích lũy giá trị di sản, chẳng hạn như thương vụ chuyển nhượng biệt thự Phương Nam (số 110 Võ Văn Tần, quận 3). Hoàn tất giao dịch được công bố có giá trị 35 triệu USD, nhà đầu tư tiếp tục đổ thêm tiền trùng tu trước khi đưa vào khai thác.

Cao ốc ken đặc bờ sông Sài Gòn ở bờ tây, còn bờ đông - Thủ Thiêm (quận 2) hơn 20 năm vẫn chưa nên dạng hình hài. Ảnh: Trung Dũng

Cao ốc ken đặc bờ sông Sài Gòn ở bờ tây, còn bờ đông - Thủ Thiêm (quận 2) hơn 20 năm vẫn chưa nên dạng hình hài. Ảnh: Trung Dũng

National Trust for Historic Preservation, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản đặt trụ sở tại Washington từng đưa ra một định nghĩa về du lịch di sản (heritage tourism), nhận định phân khúc này tăng trưởng nhanh, du khách chi tiêu cao hơn 60% so với các loại hình du lịch truyền thống. Một báo cáo của Oxford Economics năm 2015 cho hay du lịch di sản mang lại cho nước Anh 192 triệu lượt khách, chi tiêu 17,5 tỷ bảng, tạo ra 191 ngàn việc làm.

Dẫn chứng thành công một loạt đô thị di sản trên thế giới, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhắc lại quan điểm mà ông từng phát biểu tại nhiều diễn đàn, về việc TP.HCM phê duyệt hai bản quy hoạch riêng rẽ cho bờ Đông (Thủ Thiêm, quận 2) và bờ Tây (trung tâm hiện hữu, quận 1). Tư duy chia cắt bởi địa giới hành chính khiến bán đảo Thủ Thiêm kém hấp dẫn, vừa không tác động giảm áp lực phá di sản để làm nhà cao tầng ở khu bờ Tây sông Sài Gòn, vừa dồn gánh nặng lên vai ngân sách thành phố trả nợ cho khoản vay giải tỏa bán đảo này.

May thay, hai bản quy hoạch này đã hết thời hiệu (5 năm), cho phép chính quyền thành phố tiến hành điều chỉnh quy hoạch, nhìn nhận hai bờ như một chỉnh thể. Quan điểm quy hoạch này tương đồng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến thực địa Thủ Thiêm năm 1997 mà ông Phúc Tiến nhớ lại. Cụ thể, chỉ cấp phép xây dựng tối đa 15 tầng đối với khu vực trung tâm quận 1.

Ba kinh nghiệm ứng xử với di sản

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc xem mọi di sản đều là di tích thì mới được cân nhắc bảo tồn là nguy cơ cực đoan, dẫn đến danh sách quá dài, vừa tạo nên xu hướng bảo tàng hóa đô thị di sản, phi khoa học, phi thực tế. Theo ông, di tích chỉ chiếm một phần nhỏ tại các đô thị có bề dày lịch sử trên thế giới. Khiếm khuyết của Luật Di sản Văn hóa là chỉ tập trung vào bảo tồn di tích (preservation).

Ngoài lĩnh vực này, ông Sơn cung cấp thêm ba cách ứng xử từ kinh nghiệm quốc tế. Cải tạo di sản (rehabilitation) là định hướng cho phép sửa chữa, nâng cấp và bổ sung thêm cho các công trình di sản, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình. Phục hồi di sản (restoration) là định hướng tái lập tình trạng ban đầu khi công trình di sản được xây dựng đầu tiên, gỡ bỏ tất cả điều chỉnh xảy ra trong thời kỳ lịch sử kế tiếp. Tái thiết di sản (reconstruction) là định hướng tái tạo mới một công trình di sản, hoặc tổ hợp di sản với bao cảnh, đã bị hủy hoại theo thời gian. Chùa Một Cột ở Hà Nội xây dựng lại theo nguyên bản thời Lý, sau khi bị Pháp phá hủy năm 1954, là một trường hợp điển hình.

Diệp Khuê - Trọng Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hdnd-tp-hcm-giu-gin-di-san-tieng-noi-muon-con-hon-khong-19304.html