HĐND TP HCM thông qua nhiều quyết sách quan trọng
HĐND TP HCM đề nghị UBND các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết đã được thông qua; tiếp thu ý kiến của đại biểu, cử tri để có những giải pháp mang tính bứt phá
Ngày 9-12, kỳ họp thứ 23 HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra ngày làm việc cuối cùng. Đến dự có Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên. Tại ngày làm việc này, HĐND TP đã thông qua nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội TP HCM trong thời gian tới.
Hủy bỏ 61 dự án không thực hiện đúng kế hoạch
Đáng chú ý là Nghị quyết về thông qua danh mục hủy bỏ đối với 61 dự án thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP đã được HĐND TP thông qua vào các năm 2015, 2016, 2017 do không thực hiện đúng kế hoạch. HĐND TP giao UBND TP công bố công khai hủy bỏ việc thu hồi đất để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời chỉ đạo sở - ngành phối hợp quận - huyện tiếp tục rà soát các dự án không triển khai, chậm triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời theo quy định.
Một số dự án điển hình trong 61 dự án trên là dự án khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1), do dự án kêu gọi đầu tư nhưng chưa lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện. Dự án Khu phức hợp Đồng Khởi - Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế (quận 1), do UBND TP chưa lựa chọn được nhà đầu tư vì đang chờ ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, dự án đã quá 3 năm chưa triển khai.
HĐND TP cũng thông qua 63 dự án mới cần thu hồi đất, có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, điều chỉnh tên gọi, diện tích thu hồi đất và diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa.
Ngoài ra, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. Loại phí này áp dụng từ 0 giờ ngày 1-7-2021 với mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Với nghị quyết này, HĐND TP giao UBND TP lựa chọn đơn vị để giao nhiệm vụ thu phí bảo đảm theo đúng quy định pháp luật; sử dụng bộ máy hiện có kiêm thêm nhiệm vụ thu phí và hạn chế tối đa phát sinh chi phí cho bộ phận thu phí. Việc thanh toán không dùng tiền mặt mà qua hệ thống 24/7 của Hải quan TP.
Toàn bộ số phí thu được sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách TP để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP. HĐND TP giao UBND TP triển khai và tổ chức thực hiện nghị quyết này bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời và đồng bộ trên địa bàn TP; có giải pháp bảo đảm thu đúng, thu đủ.
Cải thiện môi trường đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu
Tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021 với 20 chỉ tiêu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) phấn đấu đạt từ 6% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 8 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,04 m2/người. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, nghị quyết cũng đặt mục tiêu phấn đấu TP HCM nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Cải cách hành chính (PAR-Index); tỉ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91% trở lên…
Nghị quyết cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong năm 2021. Đó là tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư". Trong đó, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép là tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế…
Nghị quyết về kế hoạch tài chính giai đoạn 2021-2025 cũng được HĐND TP thông qua. Theo đó, TP phấn đấu thu khoảng 1,9 triệu tỉ đồng cho ngân sách trong 5 năm tới. Trước đó, HĐND TP thông qua Nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 với mức tổng thu ngân sách trên địa bàn TP là gần 365.000 tỉ đồng, giảm 10,09% so với năm 2020. Để hoàn thành kế hoạch tài chính trên, TP sẽ tăng cường các biện pháp để quản lý, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nguồn thu; tạo điều kiện cho người nộp thuế phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19; tăng cường ngăn chặn hành vi gian lận thuế. Khai thác các nguồn thu từ nhà, đất, công sản; rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư trên địa bàn để có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá nhà tái định cư chưa bố trí được...
Giám sát sâu những vấn đề cử tri quan tâm
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết HĐND TP tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động nhằm phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của HĐND các cấp trên địa bàn TP. Từng đại biểu HĐND TP cần rà soát toàn bộ công việc; đặc biệt là những nội dung, đầu việc đã hứa với nhân dân để đánh giá kết quả đã thực hiện và xem việc gì còn chưa làm để tập trung giải quyết. "Tinh thần là quyết tâm không để nợ lời hứa với nhân dân thành "nợ xấu" - như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên tại phiên khai mạc" - Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp giám sát giữa HĐND TP với các cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm cuối nhiệm kỳ, trong đó tập trung giám sát sâu hơn những vấn đề cử tri TP quan tâm về triển khai kế hoạch thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Đặc biệt, giám sát thực hiện đề án thành lập TP Thủ Đức; giám sát việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dân…
Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện nghị quyết đã được HĐND thông qua; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của đại biểu, cử tri và nhân dân để có những giải pháp thiết thực hơn nhằm tạo chuyển biến tích cực trong mọi lĩnh vực. Riêng đối với đại biểu HĐND TP, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu kịp thời báo cáo kết quả kỳ họp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp phản ánh, kiến nghị với HĐND TP, UBND TP, cơ quan chức năng và hoàn thành tốt hơn nữa chức trách của người đại biểu nhân dân.
Cùng ngày, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2021. Theo đó, nguồn vốn trung ương bố trí cho TP là 3.827,683 tỉ đồng; nguồn vốn ngân sách TP là 31.975,535 tỉ đồng.
Nâng chuẩn nghèo, tăng phí tham quan
Trong ngày làm việc cuối cùng, HĐND TP HCM đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giảm nghèo bền vững TP HCM giai đoạn 2021-2025. Theo đó, xét về thu nhập, TP xác định hộ thiếu hụt về thu nhập là hộ có thu nhập dưới 36 triệu đồng/người/năm (dưới 70% mức sống tối thiểu của người dân TP). Bộ tiêu chí nghèo đa chiều của TP giai đoạn 2021-2025 gồm 5 chiều và 10 chỉ số thiếu hụt. Các chiều gồm y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm - BHXH, điều kiện sống, thu nhập. Hộ nghèo là hộ có từ 3 chỉ số thiếu hụt trở lên hoặc hộ gia đình có chỉ số thiếu hụt về thu nhập và chỉ số thiếu hụt về người phụ thuộc. Chuẩn hộ cận nghèo theo Nghị quyết là hộ có 2 chỉ số thiếu hụt và có thu nhập bình quân đầu người trên 36 triệu đồng đến 46 triệu đồng/người/năm. Theo chuẩn cũ, hộ cận nghèo có thu nhập từ 28-36 triệu đồng/người/năm.
HĐND TP cũng đã thông qua nghị quyết ban hành mức phí tham quan Khu Di tích địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Di tích Lịch sử Căn cứ Rừng Sác (huyện Cần Giờ) là 35.000 đồng/lượt/người từ ngày 1-1-2021. Người cao tuổi, người khuyết tật, lực lượng vũ trang, người có công cách mạng, hội cựu chiến binh, hộ nghèo, trẻ em dưới 7 tuổi được miễn phí tham quan. Trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi; học sinh, sinh viên được giảm 50%.
Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua Nghị quyết về 19 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên tại TP; Nghị quyết về bổ sung Quỹ tên đường và đặt tên 224 tuyến đường trên địa bàn một số quận - huyện; Nghị quyết về thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP...
Các tỉnh, thành bầu bổ sung nhiều nhân sự lãnh đạo
Ngày 9-12, tại kỳ họp thứ 18, HĐND TP Hà Nội khóa XV, HĐND TP đã thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, đồng thời bầu ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, làm Chủ tịch HĐND TP.
HĐND TP Hà Nội cũng miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND TP với các ông: Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Quốc Hùng, Ngô Văn Quý và ông Nguyễn Doãn Toản. Đồng thời, bầu bổ sung 5 tân phó chủ tịch UBND TP, gồm ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; ông Hà Minh Hải, Bí thư Quận ủy Đống Đa; ông Dương Đức Tuấn, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm.
Chiều cùng ngày, kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng đã bầu ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, giữ chức Chủ tịch UBND TP thay ông Huỳnh Đức Thơ; bầu ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, giữ chức Chủ tịch HĐND TP thay ông Nguyễn Nho Trung; bầu ông Lê Quang Nam, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ, giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP. Kỳ họp cũng miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đối với ông Trần Văn Miên; miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND TP đối với ông Trần Phước Sơn và ông Lê Tùng Lâm; bầu bà Trần Thị Thanh Tâm và bà Lê Thị Kim Phương giữ chức danh Ủy viên UBND TP.
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIV sáng 9-12 đã tiến hành miễn nhiệm chức danh chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Đinh Văn Điến, miễn nhiệm chức danh phó chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Ngọc Thạch. Đồng thời, bầu bổ sung ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021, giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021; bầu ông Nguyễn Cao Sơn, Bí thư Thành ủy TP Tam Điệp và ông Trần Song Tùng, Giám đốc Sở Tài chính, giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2016-2021.