Hé cửa lòng tin

Từng bước một, nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống G.Bai-đơn (Joe Biden) đang gửi đi những thông điệp rõ ràng hơn về việc quay trở lại với Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc thuộc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký với I-ran (Iran) năm 2015. Ngược lại, Tê-hê-ran (Tehran) cũng phát đi những tín hiệu mong muốn khôi phục lòng tin giữa hai phía.

Từng bước một, nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống G.Bai-đơn (Joe Biden) đang gửi đi những thông điệp rõ ràng hơn về việc quay trở lại với Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà các cường quốc thuộc nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) ký với I-ran (Iran) năm 2015. Ngược lại, Tê-hê-ran (Tehran) cũng phát đi những tín hiệu mong muốn khôi phục lòng tin giữa hai phía.

Ngày 26-1, với 67 phiếu thuận trên 17 phiếu chống, chuyên gia kỳ cựu về chính sách đối ngoại A.Blin-ken (Antony Blinken) đã được Thượng viện Mỹ xác nhận vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn.

Cần phải nhấn mạnh rằng suốt 20 năm qua, ông Blin-ken (58 tuổi) đã sát cánh bên ông chủ mới của Nhà trắng, với một thời gian dài giữ vai trò cố vấn hàng đầu tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, sau đó là Phó Cố vấn An ninh quốc gia khi ông G.Bai-đơn là Phó Tổng thống, và cả vị trí Thứ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama).

Và bởi vậy, dĩ nhiên, tân Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ có cách tiếp cận với JCPOA tương đồng với những chiến lược của ông B.Ô-ba-ma hay G.Bai-đơn, đồng thời trái ngược với cách tiếp cận thời Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump).

Với sự hiện diện của ông ở vị trí “tư lệnh ngành ngoại giao”, chuyện nước Mỹ trở lại với JCPOA (sau khi ông Trăm tuyên bố rút khỏi nó năm 2018) sẽ không chỉ còn là những thanh âm trong cương lĩnh tranh cử và lễ nhậm chức (ngày 20-1) của vị tổng thống vừa đắc cử.

Trong khi đó, sau những động thái “gai ngạnh” mang tính “nắn gân” kể từ đầu năm mới 2021 - như tăng mức làm giàu urani lên 20% độ tinh khiết (nghĩa là vượt xa mức 3,67% như quy định của JCPOA), đồng thời tuyên bố đủ sức nâng tiếp tới 90% (mức chế tạo vũ khí hạt nhân), Tê-hê-ran cũng bắt đầu một tiến trình “hạ nhiệt”.

Ngày 25-1, một lần nữa, Bộ Ngoại giao I-ran kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, và lưu ý: Nếu Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ đã thỏa thuận năm 2015, các biện pháp giảm bớt cam kết bên phía I-ran cũng hoàn toàn có thể đảo ngược.

Thậm chí, trước đó hai ngày, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.G.Gia-ríp (Mohammad Javad Zarif) còn khẳng định: Nếu Mỹ dỡ bỏ vô điều kiện các biện pháp trừng phạt mà chính quyền cựu Tổng thống Trăm áp đặt lên I-ran, nước Cộng hòa Hồi giáo ấy sẵn sàng hủy bỏ tất cả các biện pháp đáp trả. Ông cũng hé lộ: I-ran sẵn sàng để ngỏ các cơ hội hợp tác với Mỹ về khai thác dầu mỏ và an ninh Vùng Vịnh, ngoại trừ các vấn đề liên quan đến I-xra-en (Israel).

VÀ ngày 24-1, theo một thông tin không chính thức mà tờ Al-Jarida của Cô-oét (Kuwait) dẫn nguồn giấu tên từ Văn phòng Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni (Hassan Rouhani), Tê-hê-ran đã tiếp xúc một số thành viên trong chính quyền mới của nước Mỹ, đồng thời đưa ra bảy điều kiện kích hoạt tái khởi động đối thoại.

Không chính thức thừa nhận, nhưng phía I-ran cũng không bác bỏ thông tin này. Thực tế, có thể tin rằng những điều kiện đó cũng chính là những gì Tê-hê-ran hướng tới, trước khi mở rộng những cánh cửa để cùng chính quyền G.Bai-đơn tìm kiếm các điểm thỏa hiệp cần thiết. Cùng lúc, I-ran cũng kín đáo phô bày vị thế của mình ở lĩnh vực kinh tế, khi công bố rằng bất chấp các lệnh cấm vận và trừng phạt, họ vẫn đạt mức xuất khẩu kỷ lục 2,3 triệu thùng dầu/ngày.

Nước Nga cũng vẫn hiện hữu trong vai trò một đồng minh thân thiết của I-ran. Ngày 26-1, Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.La-vrốp (Sergei Lavrov) tuyên bố, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp I-ran: Mát-xcơ-va (Moscow) hy vọng Mỹ sẽ trở lại tuân thủ đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ liên quan đến hồ sơ hạt nhân Tê-hê-ran, tạo điều kiện để I-ran thực hiện những nghĩa vụ theo khuôn khổ JCPOA.

Từ cả quan điểm đối ngoại lẫn những hứa hẹn về mặt lợi ích, có thể nói, chỉ cần đạt được những bước đi đầu tiên trong thực tế nhằm khôi phục lòng tin giữa hai phía, JCPOA sẽ thật sự sẵn sàng được hồi sinh.

VÕ HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/su-kien-binh-luan/he-cua-long-tin-633544/