Hé lộ đường dây buôn bán trẻ em trá hình tới Mỹ

Hàng chục phụ nữ từ đảo quốc trên Thái Bình Dương là nạn nhân của đường dây buôn người ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm ở Mỹ.

Rolson Price là một trong hàng chục nạn nhân của đường dây buôn người lâu năm tại quần đảo Marshall và ba bang khác của Mỹ.

Những người phụ nữ Marshall đang mang thai bị dụ dỗ đến Mỹ bằng lời hứa hẹn về cuộc sống mới ở đây và 10.000 USD nếu họ từ bỏ đứa con của mình. Những đứa trẻ, sau đó, bị bán cho các cặp vợ chồng Mỹ sẵn sàng trả gấp 4 lần cho một đứa con.

Các công tố viên tin rằng ít nhất có 70 trẻ sơ sinh đã được nhận nuôi theo cách này - hoặc "được bán" theo phán quyết của tòa án - với giá 40.000 USD mỗi đứa trẻ.

 Những kẻ đứng đầu đường dây nhắm vào phụ nữ nghèo ở quần đảo Marshall. Ảnh: Lloyd Vas.

Những kẻ đứng đầu đường dây nhắm vào phụ nữ nghèo ở quần đảo Marshall. Ảnh: Lloyd Vas.

Paul Petersen, một cựu quan chức quận 45 tuổi ở Arizona, đã nhận tội buôn người, âm mưu buôn người bất hợp pháp và gian dối tại một tòa án liên bang Mỹ. Peterson bị kết án 6 năm tù.

Song, trên khắp quần đảo Marshall, bi kịch của các gia đình nạn nhân vẫn không có điểm dừng: những người cha sẽ không bao giờ biết đến con cái họ và những đứa trẻ bị bỏ lại Marshall sẽ không có mẹ.

Đường dây buôn người

Rolson Price sống cùng cậu con trai 8 tuổi Kyhon ở Uliga, Marshall trong ngôi nhà bê tông có duy nhất một phòng, thắp sáng bằng chỉ một bóng đèn và nước sinh hoạt nhỏ giọt. Kyhon chủ yếu sống nhờ vào đồ ăn từ nhà thờ Hồi giáo, nơi cung cấp thức ăn cho những gia đình nghèo đói.

 Cậu bé Kyhon Price (áo đỏ ở giữa) tại Nhà thờ Hồi giáo Ahmadiyya duy nhất ở quần đảo Marshall trên đảo san hô Majuro. Ảnh: Guardian/ Hilary Hosia.

Cậu bé Kyhon Price (áo đỏ ở giữa) tại Nhà thờ Hồi giáo Ahmadiyya duy nhất ở quần đảo Marshall trên đảo san hô Majuro. Ảnh: Guardian/ Hilary Hosia.

Bất chấp khó khăn, bốn năm trước, Price rất vui mừng vì đứa con thứ hai sắp chào đời. Anh đang mong đợi một cô con gái.

Song, khi trở về nhà sau ba ngày làm thuê trên hòn đảo gần đó, vợ anh đã biến mất và để lại anh cùng đứa con trai nhỏ của họ. Đại gia đình nói vợ anh đã đến Mỹ.

Thời gian đầu, người vợ gửi tiền về và họ thi thoảng liên lạc thông qua những người bạn chung trên mạng. Nhưng các tin nhắn trở nên thưa thớt hơn, cho đến khi dừng hẳn. Price phải cam chịu rằng: vợ anh sẽ không trở về.

"Tôi phát điên lên và chán nản, nhưng chẳng làm gì được", Price nói.

Trong một bối cảnh khác, kẻ chủ mưu của đường dây buôn bán người Paul Petersen bị kết án 74 tháng tù và phạt 100.000 USD vào đầu tháng 12/2020. Ông ta cũng trả gần 680.000 USD tiền bồi thường và các khoản phí như một phần của thỏa thuận bào chữa.

Dù Petersen biện hộ rằng ý định ban đầu của mình là đúng đắn và tốt đẹp, thẩm phán Timothy Brooks đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ và gọi hoạt động nhận nuôi của Petersen là "một kế hoạch làm giàu nhanh chóng đội lốt hoạt động nhân đạo".

Các tài liệu tòa án mô tả bản chất của chương trình nhận con nuôi này là: buôn lậu phụ nữ mang thai và cả đứa trẻ trong bụng họ.

Cách "chương trình nhận con nuôi" hoạt động

Công dân của quần đảo Marshall có thể tự do đến Mỹ theo một hiệp định được ký kết giữa 2 quốc gia vào năm 1983. Bằng cách tận dụng mối liên kết chặt chẽ này, Petersen thành lập một tổ chức hỗ trợ nhận con nuôi.

Sau nhiều năm hoạt động, vào năm 2003, dự thảo luật đã được sửa đổi để đặc biệt cấm phụ nữ đi du lịch với mục đích nhận con nuôi.

 Chân dung Lynwood Jennet - đồng phạm của Paul Petersen trong vụ buôn người. Ảnh: AP/ Tom Tingle.

Chân dung Lynwood Jennet - đồng phạm của Paul Petersen trong vụ buôn người. Ảnh: AP/ Tom Tingle.

Song, hồ sơ tòa án cho thấy nhiều cặp vợ chồng không con ở Mỹ - những người sẵn sàng trả tới 40.000 USD để có con - vẫn tìm kiếm trẻ sơ sinh. Dịch vụ của Petersen giúp các cặp vợ chồng như vậy nhận con nuôi "mà không cần sự tham gia trực tiếp của cơ quan nhận con nuôi hoặc cơ quan nhà nước", theo lời giới thiệu trên website.

Đồng phạm của Petersen - một người phụ nữ Marshall tên Lynwood Jennet - khai nhận với các nhà điều tra rằng bà nhắm đến những phụ nữ nghèo và ít học, thậm chí là gái mại dâm.

Jennet sẽ tìm kiếm phụ nữ mang thai ở Marshall, rồi làm thân với họ bằng cách đề nghị giúp đỡ và cung cấp tiền bạc. Giấy tờ tùy thân cùng hộ chiếu của những người phụ nữ được làm trong vài ngày sau đó và Jannet sẽ đi Mỹ cùng họ. Họ được sắp xếp ở trong các căn hộ thuê ở Arizona, Utah hoặc Arkansas trong thời gian chờ sinh con.

Lynwood Jannet cũng giúp những thai phụ này đăng ký bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp (Medicaid) bất hợp pháp, vì vậy hệ thống chăm sóc sức khỏe của chính phủ Mỹ sẽ chi trả chi phí sinh nở tại bệnh viện. Một khi đứa trẻ được sinh ra, Petersen thu các gia đình Mỹ số tiền lên đến 40.000 USD để "thuận tiện" cho họ nhận nuôi đứa trẻ.

Các bà mẹ sau sinh sẽ được cấp tiền "hậu sản" trong một hoặc hai tháng, và vé máy bay trở lại Marshall hoặc đến một nơi khác ở Mỹ. Họ được trả từ 7.300 - 10.800 USD cho một em bé sơ sinh.

Dường như những cặp cha mẹ nuôi không nhận thức được tính bất hợp pháp trong dịch vụ của Peterson.

 Paul Petersen, một cựu quan chức dân cử của Arizona, sau lần hầu tòa đầu tiên vào năm 2019, tại thành phố Salt Lake. Ảnh: AP/ Rick Bowmer.

Paul Petersen, một cựu quan chức dân cử của Arizona, sau lần hầu tòa đầu tiên vào năm 2019, tại thành phố Salt Lake. Ảnh: AP/ Rick Bowmer.

Các công tố viên đã cáo buộc Petersen đứng sau ít nhất 70 trường hợp nhận con nuôi bất hợp pháp để có một cuộc sống xa hoa: một ngôi nhà ở Arizona, nhà nghỉ dưỡng và xe sang.

Do đó, Luật sư Mỹ tại Quận tòa phía Tây Arkansas David Clay Fowlkes nhận định chương trình này "không gì hơn là một âm mưu tinh vi hòng lợi dụng cộng đồng Marshall và lừa đảo các cặp cha mẹ nuôi tiềm năng một số tiền lớn".

Hậu quả để lại

Tại quần đảo, Richard Hickson, Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Marshall, cho biết: "Có rất nhiều phụ nữ và trẻ em người Marshall không có quốc tịch ở Mỹ".

Petersen đã lợi dụng những người phụ nữ Marshall khó khăn đang mang thai vì lợi ích của chính mình. Điều này đã phá hủy nhiều gia đình bị bỏ lại phía sau khi người mẹ, người vợ của gia đình ấy bị cuốn vào chương trình nhận con nuôi của Petersen.

Rolson Price biết có hàng chục gia đình khác cũng bị chia cắt không thể hàn gắn. Họ đau buồn cho những sinh mạng bị lấy đi.

"Họ cần phải ngừng phá hủy gia đình người khác, và cũng cần ngừng buôn bán trẻ sơ sinh", Price nói.

Việt Linh Nguyễn

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-lo-duong-day-buon-ban-tre-em-tra-hinh-toi-my-post1171425.html