Hé lộ hình ảnh 'bộ não' công nghệ cao gắn trong tên lửa đạn đạo Mỹ

Để biến thành vũ khí chính xác, một tên lửa đạn đạo cần được trang bị một hệ thống dẫn đường – gọi là 'bộ não' có chức năng liên tục theo dõi vị trí, vận tốc và hướng đi của tên lửa.

Mô-đun AIRS gắn trên đầu tên lửa ICBM LGM-118A Peacekeeper. Ảnh: Martin Miller

Mô-đun AIRS gắn trên đầu tên lửa ICBM LGM-118A Peacekeeper. Ảnh: Martin Miller

Theo Đài Sputnik, tên gọi của "thiết bị dẫn đường ngày tận thế" trên là quả cầu dẫn đường quán tính tối tân (AIRS). Mô-đun này có nhiệm vụ dẫn đường cho tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược của Mỹ LGM-118A Peacekeeper (Người gìn giữ hòa bình).

Theo hình ảnh in trong cuốn catalogue về vũ khí hủy diệt của Mỹ cuối thế kỷ 20 do tác giả - nhiếp ảnh gia Martin Miller thực hiện, hệ thống dẫn đường AIRS gồm ba gia tốc kế và ba con quay nằm trong thiết bị hình cầu làm từ kim loại beryllium, phía ngoài là chất lỏng fluorocarbon và ngoài cùng là vỏ bọc cứng. Đây là điều kiện giúp cho quả cầu dẫn đường có thể xoay chuyển theo bất kỳ hướng nào nó muốn.

"Các con quay hồi chuyển và gia tốc kế được đặt trong quả cầu cũng như ba van đẩy thủy lực và bơm turbo được sử dụng để duy trì khả năng xác định hướng của quả cầu ổn định”, nhiếp ảnh gia Miller cho biết.

Bao gồm khoảng 19.000 bộ phận, mô-đun AIRS giúp mức độ chính xác tấn công của tên lửa LGM-118A Peacekeeper xê dịch trong phạm vi 40 mét. Đây được cho là hệ thống dẫn đường chính xác nhất từ trước đến nay.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược của Mỹ LGM-118A Peacekeeper. Ảnh: Không quân Mỹ

Tên lửa đạn đạo liên lục địa chiến lược của Mỹ LGM-118A Peacekeeper. Ảnh: Không quân Mỹ

Hình ảnh thử nghiệm LGM-118A Peacekeeper. Ảnh: Không quân Mỹ

Hình ảnh thử nghiệm LGM-118A Peacekeeper. Ảnh: Không quân Mỹ

Để thiết kế ra một mô-đun AIRS đòi hỏi chi phí cực lớn. Theo blog Lưu trữ Vũ khí Hạt nhân, vào năm 1989, để sản xuất một gia tốc kế duy nhất sử dụng trong mô-đun AIRS phải mất 6 tháng và 300.000 USD để hoàn thành.

Việc phát triển LGM-118As lần đầu tiên được triển khai vào năm 1971 và có kế hoạch chế tạo 100 tên lửa. Đến năm 1984, Quốc hội đã giới hạn con số ở mức 50. Khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Lầu Năm Góc và chính quyền Mỹ bắt đầu cân nhắc về chính sách chiến lược mới của mình bằng việc thực hiện một phần giao ước với Nga thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược II (START-II). Vì vậy, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa LGM-118A Peacekeeper bắt đầu được cắt giảm số lượng các đầu đạn kể từ năm 2003.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/he-lo-hinh-anh-bo-nao-cong-nghe-cao-gan-trong-ten-lua-dan-dao-my-20191011165741396.htm