Hé lộ kẻ 'bán đứng' vợ chồng nhà khoa học Mỹ nổi tiếng
Ngày 19/6/1953, vợ chồng nhà khoa học Mỹ Ethel và Julius Rosenberg bị xử tử bằng ghế điện do bị buộc tội cung cấp bí mật nguyên tử cho tình báo Liên Xô.
Liên tiếp những sai lầm chết người
Tháng 2/1943, phản gián quân đội Mỹ tìm cách phá mã các bức điện mà họ thu được của Liên Xô từ năm 1939. Đây là công việc khó nhằn, vì mã khóa của tình báo Xô-viết rất phức tạp, được sử dụng theo nguyên tắc chỉ dùng trong ngày và không bao giờ dùng lại. Thế nhưng, trong số các bức điện này có một bức mà mã khóa được sử dụng hai lần.
Sai lầm chết người này chính là nguyên nhân gián tiếp làm tan vỡ nhiều tổ chức điệp báo của Liên Xô. Tuy vậy, phải đến tháng 7/1946, phản gián quân đội Mỹ mới đọc được câu đầu tiên và duy nhất trong một bức điện liên quan đến hoạt động của tình báo Liên Xô ở Mỹ La tinh.
Trên cơ sở mã khóa bức điện đó, đến tháng 12 năm ấy, Mỹ đọc được toàn bộ bức điện do nữ mật mã viên Rut Greenglas của tình báo Liên Xô phát đi tháng 12/1944, trong đó liệt kê những nhà khoa học đang làm việc trong dự án nguyên tử Manhattan. Mỹ kết luận ở Los Alamos có gián điệp Nga đã hoặc đang làm việc.
Tháng 6/1945, trong một bức điện gửi về Moscow, tổ điệp báo New York đề nghị cấp trên xét thưởng cho 2 điệp viên David Greenglas (anh trai của bà Ethel Rosenberg và là chồng của Rut) và Klaus Fuchs, đều làm việc tại dự án Manhattan. Do chủ quan nên tên thật của em gái Klaus là Kristel được giữ nguyên trên điện. Tổ này còn mắc thêm sai lầm về bảo mật, là phái nhân viên liên lạc Harry Gold đến gặp Klaus và David để trao tiền thưởng và nhận tin.
Tháng 10/1948, khi phản gián quân đội Mỹ đã giải mã được nhiều bức điện của các tổ điệp báo Liên Xô và thu thập được nhiều bằng chứng về hoạt động của họ hướng về dự án Manhattan thì sự vụ được chuyển giao cho FBI. Chẳng bao lâu sau, FBI tìm ra sợi chỉ dẫn đến Klaus Fuchs và đến tháng 9/1949 thì bắt giữ ông – lúc này đã trở về Anh và dẫn giải về Mỹ.
Ngày 3/2/1950, các báo lớn ở Anh và Mỹ đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ Klaus Fuchs. Sớm hôm sau, Julius Rosenberg đến gặp vợ chồng anh rể, yêu cầu hai người này ngừng mọi liên lạc và bỏ trốn. Song, David và Rut từ chối bỏ chạy.
Qua việc xác định những cộng tác viên chương trình Manhattan từng có chuyến công cán đến New York vào tháng 11/1945, FBI thu gọn lại 6 người “có thể là điệp viên của Liên Xô”, trong đó Greenglas đứng thứ hai.
Đến tháng 5, Klaus Fuchs khai ra Harry Gold. Trước bằng chứng là bản sơ đồ đường đi mà 5 năm trước anh ta sử dụng để tìm đến nơi ở của Fuchs, Gold thừa nhận chính là người đã nhận báo cáo về bản đồ án nguyên tử của Klaus Fuchs.
Người anh bất hảo
Cuối tháng 5/1950, Moscow quyết định rút tất cả nhân viên có liên quan đến vụ Manhattan về nước. Theo kế hoạch, vợ chồng Greenglas trước hết sẽ chuyển sang Mehico, rồi đi đường biển sang Thụy Điển. Tuy nhiên, sau khi nhận kinh phí đảm bảo 10.000USD, hai người này giả vờ ra đi, rồi lại quay về nhà.
Ngày 15/6, theo lời khai của Harry Gold, FBI lục soát căn hộ nhà Greenglas, nơi đồng thời là trạm liên lạc của tổ điệp báo Liên Xô tại New York. David và Rut được mời về cơ quan điều tra và ngay lập tức khai báo mọi chuyện. Theo Rut, một lần David chuyển cho Julius một tài liệu quan trọng. Do chữ của David rất xấu nên Julius bảo vợ đánh máy lại tài liệu đó, còn Rut ngồi bên em dâu giúp chỉnh sửa văn phong, chính tả… David hoàn toàn khẳng định lời khai của vợ.
Ngày 17/7, căn cứ vào lời khai của David Greenglas, cảnh sát bắt giữ Julius Rosenberg tại nhà riêng của ông. Ngày 11/8, đến lượt vợ ông là Ethel bị bắt. Giữa tháng 8, FBI bắt thêm một điệp viên nữa là Morton Sobell.
Ngày 29/3/1953, tòa án buộc tội cả nhóm làm gián điệp cho Liên Xô. Ngày 5/4, tòa tuyên án tử hình vợ chồng Rosenberg. Ngày 19/6/1953, vợ chồng Rosenberg bị xử tử trên ghế điện tại nhà tù Sing Sing và đến ngày 21/6 được mai táng tại nghĩa trang ở Long Ireland.
Morton Sobell bị 30 năm tù, nhưng được ân xá sau 18 năm thụ án. Harry Gold cũng phải ngồi tù 16 năm trong tổng số 30 năm bị kết án. Klaus Fuchs ngồi 9 năm trong nhà tù ở Anh. Rut được tha bổng, còn David bị kết án 15 năm tù nhưng được tha vào năm 1960.
Năm 1996, David Greenglas – lúc này đã đổi tên và sống tại một khu heo hút của thành phố New York, kể lại cho phóng viên tờ New York Times là Sam Roberts mọi tình tiết của câu chuyện năm xưa. Roberts đã viết cuốn “Người anh trai”, kể về tổ điệp báo Manhattan cũng như cái chết bi hùng của vợ chồng Rosenberg.
David Greenglas thú nhận đã dựng chuyện làm hại cô em gái và người em rể. Tuy nhiên, ông ta cho rằng nhẽ ra vợ chồng Rosenberg đã có thể thoát chết như vợ chồng y, nếu họ chịu cung khai và hợp tác với phản gián Mỹ. Chí ít là Ethel, nếu bà đổ hết tội lỗi cho chồng. David gọi hành động của em gái là “ngu ngốc”.
Đoạn cuối trong cuốn “Người anh trai”, nhà báo Roberts viết: “Greenglas nói với tôi rằng ông ta không hề cảm thấy cắn rứt lương tâm vì chuyện năm xưa. Thật vậy, vì ông ta có lương tâm đâu mà cắn rứt”.