Chiến dịch giải cứu lực lượng cố thủ trong nhà máy gang thép Azovstal ở thành phố Mariupol, được Kiev tiến hành cuối tháng 4, vài tuần sau khi pháo đài này bị lực lượng Nga bao vây, nhưng thông tin chỉ được tờ Pravda của Ukraine công bố cuối tuần trước.
Pravda dẫn nguồn tin giấu tên trong quân đội Ukraine cho biết nỗ lực giải vây được Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) tiến hành theo lệnh từ Tổng thống Volodymyr Zelensky và các lãnh đạo quân đội.
Trước đó Kiev vẫn thành công trong việc tiếp tế lương thực và đạn dược bằng trực thăng Mi-8 cho lực lượng cố thủ tại nhà máy thép này.
Kế hoạch giải cứu lực lượng cố thủ được xây dựng do giới chức Ukraine lo ngại khả năng binh sĩ tại Azovstal bị bắt làm tù binh và không được trao trả.
Một lực lượng hỗn hợp gồm đặc vụ GUR, lính chính quy quân đội Ukraine và một số tay súng thuộc Tiểu đoàn Azov tập kết tại thành phố Gulyaipol gần đó để chuẩn bị cho chiến dịch giải vây.
Theo kế hoạch, đơn vị này dự kiến được phối thuộc 80 xe tăng và thiết giáp, nhưng thực tế họ chỉ nhận được vài xe tăng cùng 20 xe chiến đấu bộ binh và thiết giáp chở quân.
Dù thiếu thốn các phương tiện và khí tài hạng nặng, nhưng ác chỉ huy vẫn quyết định thực hiện chiến dịch, bắt đầu hành quân đến Mariupol.
Tuy nhiên, lực lượng hỗn hợp này chỉ di chuyển được 10-15 km khỏi thành phố Gulyaipol thì bị lực lượng Nga phát hiện và tập kích bằng hỏa lực dữ dội, buộc họ phải rút lui.
Trong khi đó, một tiểu đoàn thuộc Lữ đoàn số 36 hải quân đánh bộ Ukraine phòng thủ ở Mariupol hôm 4/4 bất ngờ ra hàng lực lượng Nga.
Chỉ huy lữ đoàn 36 Vladimir Baranyuk cũng đột nhiên ra lệnh phá vây ở hướng không xác định và điều này đã làm nhiều binh sĩ Ukraine thương vong.
Chỉ huy Tiểu đoàn Azov Denis Prokopenko nói rằng nhiều lính Lữ đoàn số 36 bị bỏ mặc và trở thành tù binh sau đó.
"Chiến dịch giải vây chỉ có thể thành công nếu có hoạt động hiệp đồng từ lực lượng ở Mariupol. Điều này trở nên phi thực tế sau hành động của Lữ đoàn 36", nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Nguồn tin thân cận với Tiểu đoàn Azov cho biết các binh sĩ Lữ đoàn số 36 đã ra hàng với nhiều xe tăng, pháo phản lực và đạn dược, khiến lực lượng phòng thủ quanh nhà máy Azovstal suy yếu đáng kể.
"Rõ ràng là nỗ lực phá vây bằng lực lượng nhỏ từ khu vực do Ukraine kiểm soát là điều bất khả thi, ngay cả khi tập trung quân vào một mũi tấn công duy nhất", nguồn tin giấu tên nói. Quân đội Ukraine sau đó từ bỏ kế hoạch giải vây cho pháo đài Azovstal.
Thành phố Mariupol nằm dọc bờ biển Azov, án ngữ hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Quân đội Nga đã triển khai vây hãm, pháo kích vào thành phố ngay khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Lực lượng bảo vệ thành phố gồm các đơn vị hải quân đánh bộ Ukraine cùng hàng nghìn tay súng Tiểu đoàn Azov, nhóm dân quân có xu hướng cực hữu được sáp nhập vào Vệ binh Quốc gia Ukraine.
Sau nhiều tuần bị vây ép, các đơn vị phòng thủ Mariupol dần bị dồn về nhà máy thép Azovstal, nơi có hệ thống hầm ngầm chằng chịt giúp họ cố thủ trước hỏa lực đối phương.
Đến ngày 20/5, quân đội Ukraine ra lệnh cho các binh sĩ tại pháo đài này ngừng kháng cự, chấm dứt hoạt động chiến đấu.
Quân đội Nga hôm 21/5 thông báo 2.439 lính Ukraine cố thủ trong nhà máy thép Azovstal đã đầu hàng, kết thúc 82 ngày giao tranh dữ dội tại thành phố Mariupol.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời nguồn thạo tin trong lực lượng chấp pháp Nga rằng hơn 1.000 binh sĩ Ukraine đầu hàng tại thành phố Mariupol đã được đưa tới Nga để phục vụ điều tra.
Nguồn tin trên cũng cho biết sẽ có thêm nhiều tù binh Ukraine được chuyển tới Nga.
Kiev đang mong muốn có thể trao đổi tù binh đối với toàn bộ con số ước tính 2.000 lính Ukraine phòng ngự nhà máy thép Azovstal tại Mariupol, nhưng các nhà lập pháp Nga đã yêu cầu một số binh sĩ này phải được đưa ra xét xử.
Hôm 6/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng tuy số phận của những người lính phòng thủ Azovstal chưa rõ ràng, Ukraine đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên là đưa được họ còn sống ra khỏi nhà máy.
“Hiện tại là mục tiêu thứ hai: Đưa họ còn sống trở về quê hương”, ông Zelensky nói.
Hôm 7/6, thi thể của hàng chục lính phòng thủ nhà máy Azovstal đã được Nga bàn giao cho Kyiv, theo chính quyền Ukraine. Nhiều thi thể trong đó là thành viên của Tiểu đoàn Azov.
Công tác phòng ngự nhà máy Azovstal do tiểu đoàn Azov dẫn dắt. Đơn vị này có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu và bị Nga gọi là lực lượng dân quân “phát xít”.
Phía Ukraine bác bỏ cáo buộc này và khẳng định Tiểu đoàn Azov đã cải cách, được tích hợp vào quân đội vũ trang chính quy và không liên quan tới chính trị.
Việt Hùng