Hé lộ loại tên lửa đạn đạo bí mật Nga dùng để tấn công vùng Dnipro của Ukraine
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Putin tiết lộ Nga sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm kiểu mới Oreshnik mang đầu đạn thông thường để tấn công vào các mục tiêu tại Dnipro, Ukraine.
Sáng sớm 21/11, Lực lượng vũ trang Nga đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo không mang đầu đạn hạt nhân nhằm vào một khu công nghiệp quốc phòng tại thành phố Dnipro, miền Đông Ukraine.
Ban đầu bị xác định nhầm là một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), vũ khí bí ẩn này thực ra là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung xa (IRBM) lần đầu được Nga sử dụng trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tên lửa này có tên gọi Oreshnik (nghĩa là cây phỉ trong tiếng Nga, theo truyền thống đặt tên các loại tên lửa đạn đạo theo loài cây).
Tổng thống Putin tuyên bố cuộc thử nghiệm đã thành công, đạt được mục tiêu mà Nga đề ra trong cuộc tấn công. Địa điểm bị tấn công là một trong những khu phức hợp công nghiệp lớn nhất nằm ở thành phố Dnipro, nơi sản xuất tên lửa và nhiều loại vũ khí của Ukraine.
Với tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh (Mach 10), Tổng thống Putin cho biết tên lửa này có thể được sử dụng để tấn công vào bất kỳ đồng minh nào cung cấp tên lửa cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga, đồng thời cảnh báo các hệ thống phòng không hiện đại nhất, ngay cả của Mỹ, cũng không có khả năng đánh chặn tên lửa này.
Sabrina Singh, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, mô tả đây là một loại tên lửa tầm trung xa mới, đang được thử nghiệm, được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh.
Theo bà này, Mỹ đã được thông báo trước về vụ phóng thông qua các kênh giảm thiểu rủi ro hạt nhân. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ thông tin trên, đồng thời khẳng định Moskva không có nghĩa vụ phải thông báo cho các nước khác về vụ phóng tên lửa tầm trung.
Theo trang mạng The War Zone, việc sử dụng một loại tên lửa đang thử nghiệm và tốn kém như Oreshnik rõ ràng nhằm mục đích gửi đi thông điệp tới những nước đồng minh viện trợ cho Ukraine.
Trước đó, Ukraine đã sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS do Mỹ sản xuất và tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Chia sẻ với The War Zone, một quan chức chính phủ Mỹ nhận định Nga có thể đang tìm cách sử dụng loại tên lửa mới để đe dọa Ukraine và những đồng minh ủng hộ nước này, nhưng loại IRBM này không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc xung đột hiện nay khi ước tính Nga chỉ có một số ít tên lửa trong quá trình thử nghiệm này.
Người phát ngôn NATO Farah Dakhlallah ngày 21/11 cho rằng việc Nga sử dụng một tên lửa đạn đạo tầm trung mới để tấn công Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình của cuộc chiến cũng như không ngăn cản các đồng minh NATO hỗ trợ Ukraine.
Được gọi là Phương tiện tái nhập mục tiêu độc lập nhiều lần (MIRV), loại tên lửa này có thể mang theo nhiều đầu đạn, mỗi đầu đạn có thể nhắm vào một vị trí cụ thể, cho phép thực hiện một cuộc tấn công lớn hơn.
MIRV được phát triển trong Chiến tranh Lạnh để cho phép phóng nhiều đầu đạn hạt nhân chỉ bằng một lần phóng.
Tên lửa Nga không được trang bị đầu đạn hạt nhân, nhưng nó sử dụng một vũ khí được thiết kế để phóng hạt nhân để thay vào đó phóng các vũ khí thông thường.
Ông Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết đây có thể là lần đầu tiên MIRV được sử dụng trong chiến đấu.
Theo chuyên gia này, trước đây, MIRV chỉ dùng cho đầu đạn hạt nhân và việc sử dụng loại tên lửa được trang bị đầu đạn thông thường này là một sự leo thang trong việc đe dọa hạt nhân của Nga, bao gồm cả việc cập nhật học thuyết hạt nhân gần đây của nước này./.
Tên lửa đạn đạo là vũ khí tự dẫn đường, được đẩy bằng động cơ tên lửa và phóng về phía mục tiêu nhờ lực hấp dẫn. Các tên lửa đạn đạo được phân loại theo tầm bắn, theo đó tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có tầm bắn từ 300-1.000 km, tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) từ 1.000-3.500 km, tên lửa đạn đạo tầm trung xa (IRBM) hay tên lửa đạn đạo tầm xa (LRBM) từ 3.500-5,500 km và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn trên 5.000 km.
Theo CSIS, mặc dù R-26 được phân loại là ICBM theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START giữa Mỹ và Nga, nhưng nó cũng có thể được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm trung xa khi được sử dụng ở tầm bắn dưới 5.500 km.
Theo một nguồn tin quân sự, khi phóng từ lãnh thổ Nga, một ICBM sẽ mất khoảng 40 phút để đến mục tiêu ở Mỹ. Tên lửa này mất chưa đầy 10 phút để vượt quãng đường hơn 700 km từ địa điểm phóng ở vùng Astrakhan, Nga đến mục tiêu ở Dnipro, Ukraine.
CSIS cho biết RS-26 đã được thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào năm 2012 và ước tính dài 12 mét, nặng 36 tấn, có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 800 kg và có tầm bắn lên tới 5.800 km. Theo các chuyên gia, RS-26 chưa bao giờ chính thức được đưa vào sử dụng.