Hé lộ lý do các công ty bảo hiểm đua báo lãi nghìn tỷ
Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm thắng lớn trong năm qua, trong đó đóng góp không nhỏ là nguồn tiền hàng tỷ USD mang gửi ngân hàng.
Manulife Việt Nam là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính, với 4.820 tỷ đồng. Điều này góp phần mang lại lợi nhuận sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng cho công ty.
Tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp này có gần 23.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng 9.000 tỷ đồng so với cùng kỳ). Trong đó, tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng là 11.770 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng lên đến 62.750 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 53.700 tỷ đồng).
Đứng thứ hai là “ông lớn” Prudential Việt Nam với khoản thu về từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu và cổ tức lên tới 4.015 tỷ đồng, vượt xa mức lợi nhuận sau thuế năm 3.636 tỷ đồng, dù lợi nhuận này đã tăng gấp 6 lần so với năm 2021.
Tại thời điểm cuối năm 2022, Prudential có các khoản đầu tư tài chính dài hạn lên đến 108.924 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng lãi từ trái phiếu đã đem về cho Prudential 7.500 tỷ đồng, trong khi lãi từ tiền gửi ngân hàng là 2.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải khoản đầu tư nào cũng mang lại trái ngọt. Do biến động từ thị trường chứng khoán, công ty ghi nhận khoản lỗ gần 300 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán.
Ngoài ra, việc đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết cũng khiến Prudential ghi nhận khoản lỗ gần 3.000 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 là AIA Việt Nam. Doanh nghiệp này thu về 2.485 tỷ đồng trong năm 2022 từ hoạt động tài chính, góp phần không nhỏ vào lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của AIA lên đến hơn 14.000 tỷ đồng. Trong đó có 884,69 tỷ đồng gửi ngân hàng với lãi suất trung bình 6%/năm, 10.000 tỷ đồng gửi ngân hàng lãi suất bình quân 5,28%/năm, giá trị ghi sổ của chứng khoán kinh doanh đạt 2.119 tỷ đồng.
Với các khoản đầu tư tài chính dài hạn, AIA ghi nhận 28.273 tỷ đồng giá trị sổ sách, trong đó 23.000 tỷ đồng là trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu doanh nghiệp. Hơn 5.000 tỷ đồng tiền gửi dài hạn tại ngân hàng lãi suất trung bình 7,75%/năm.
Tại Dai-ichi Life Việt Nam, doanh thu hoạt động tài chính đạt 2.478 tỷ đồng trong năm 2022. Riêng thu lãi tiền gửi và cổ tức đã lên đến 2.132 tỷ đồng.
Tại thời điểm lập báo cáo, Dai-ichi Life có 9.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng, hưởng lãi suất từ 1% đến 6%/năm (lãi suất được hưởng năm 2021 chỉ từ 0,2% đến 4%/năm).
Ngoài ra, công ty cũng có gần 5.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn gồm cổ phiếu niêm yết, trái phiếu chính phủ, tiền gửi tại ngân hàng.
Riêng tiền gửi tại ngân hàng kỳ hạn từ trên 3 tháng đến 12 tháng khoảng 2.200 tỷ đồng, hưởng lãi suất từ 4,6% đến 10,5%/năm (lãi suất năm 2021 công ty được nhận từ 3,55% đến 7,8%/năm).
Còn tại Cathay Life, công ty có 9.000 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và 14.000 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn. Các khoản đầu tư tài chính đem lại cho công ty doanh thu tài chính lên đến 1.700 tỷ đồng, bằng với tổng mức bồi thường bảo hiểm trong cả năm.
Nhờ thế nên lợi nhuận sau thuế của Cathay Life tăng gấp 15 lần so với năm 2021, đạt 764 tỷ đồng.
Chubb Life Việt Nam và Hanwha Life cùng dành tới 15.000 tỷ đồng cho đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn.
Với Chubb Life, năm vừa qua công ty thu về 887 tỷ đồng tiền lãi và cổ tức, tương đương với lợi nhuận sau thuế của cả năm (899 tỷ đồng).
Trong khi đó, Hanwha Life ghi nhận khoản doanh thu 809 tỷ đồng từ lãi tiền gửi và cổ tức. 2022 cũng là năm thành công lớn của doanh nghiệp này khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ, đạt 502 tỷ đồng.
Với liên doanh bảo hiểm BIDV Metlife, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 238 tỷ đồng.
Trong đó, lãi tiền gửi ngân hàng 142 tỷ đồng, lãi từ đầu tư trái phiếu 94,7 tỷ đồng. Hiện, công ty có 3.129 tỷ đồng tiền gửi tại BIDV.
Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã công bố báo cáo tài chính năm 2022, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Fubon Việt Nam và Sun Life Việt Nam là những doanh nghiệp hiếm hoi báo lỗ.
Trong đó, Fubon Việt Nam lỗ 31 tỷ đồng, tương đương mức lỗ của công ty trong năm 2021.
Năm 2022, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt 110 tỷ đồng (gần bằng doanh thu phí bảo hiểm). Riêng thu nhập lãi từ tiền gửi ngân hàng hơn 59 tỷ đồng, lãi trái phiếu hơn 50 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, Fubon Việt Nam có 630 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 7-30 năm, lãi suất 7,5-8,9%/năm; 18 tỷ đồng tiền gửi dài hạn tại ngân hàng (kỳ hạn trên 1 năm), lãi suất 7,8%/năm. Đáng chú ý, Fubon có tới 956 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (dưới 12 tháng) tại ngân hàng với lãi suất từ 4,9% đến 8%/năm.
Tại Bảo hiểm nhân thọ Sun Life, dù công ty lỗ sau thuế gần 1,5 tỷ đồng nhưng việc đầu tư tài chính (ngắn hạn và dài hạn) đã đem lại cho công ty 509 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp nói trên, hiện một số doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính 2022 gồm: Bảo Việt Nhân thọ, Generali, MB Ageas,…
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị phần phí bảo hiểm của các DNBH nhân thọ tại thời điểm tháng 9 năm 2022 như sau: Bảo Việt Nhân thọ (19,25%), Manulife (17,94%), Prudential (16,91%), Dai-ichi Life (12,35%), AIA (10,76%), MB Ageas (3,77% ), FWD (3,18%), Sun Life (2,86%), Generali (2,77%), Chubb Life (2,68%), Hanwha Life (2,5%), Cathay Life (1,66%), MVI (1,54%), BIDV Metlife (0,99%). Các doanh nghiệp bảo hiểm: FWD Assurance, Mirae Asset Prevoir, Phú Hưng Life, Fubon Life, Shinhan Life chiếm thị phần 1,19%.