Hé lộ nhân vật sẽ giúp ông Trump áp thuế 'khủng'

Đây là vị trí rất quan trọng trong cam kết áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa cho biết sẽ đề cử ông Jamieson Greer làm đại diện thương mại Mỹ. Đây là vị trí rất quan trọng trong cam kết áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu mà ông Trump đưa ra.

Từng làm việc trong chính quyền đầu tiên của ông Trump với tư cách là chánh văn phòng cho Đại diện Thương mại Mỹ lúc bấy giờ Robert Lighthizer, ông Jamieson Greer là cố vấn thân cận của ông Trump, đồng thời mang tư tưởng hoài nghi về thương mại tự do. Ông cũng đồng hành trong quá trình ông Trump tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc ở nhiệm kỳ đầu.

Ông Jamieson Greer (phải), thời điểm là chánh văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: Nikkei

Ông Jamieson Greer (phải), thời điểm là chánh văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ. Ảnh: Nikkei

Nếu được Thượng viện xác nhận, chính trị gia 44 tuổi này sẽ trở thành "cánh tay phải" hiện thực hóa kế hoạch của ông Trump với những cam kết áp thuế sắp tới.

Chỉ trong tuần này, ông Trump đã tuyên bố sẽ ban hành lệnh hành pháp áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa từ Mexico và Canada để gây sức ép buộc các nước này ngừng di cư bất hợp pháp qua biên giới phía Nam và phía Bắc Mỹ. Ông cũng công bố kế hoạch áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc để gây sức ép buộc Bắc Kinh ngừng vận chuyển fentanyl đến nước này.

Theo tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Jamieson sẽ tập trung điều hướng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ vào việc kiểm soát thâm hụt thương mại hiện ở mức cao, bảo vệ ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ của nước Mỹ, đồng thời mở cửa thị trường xuất khẩu ở mọi nơi.

David Boling, Giám đốc thương mại Nhật Bản và châu Á tại Eurasia Group, cho biết ông Greer là "một chánh văn phòng rất có năng lực và được yêu mến", có cùng quan điểm với ông Trump và ông Lighthizer về chính sách thương mại.

Ông Jamieson xuất thân là người bản xứ Paradise, California, là cựu luật sư của Không quân và hiện là đối tác tại công ty luật King & Spalding có trụ sở tại Washington, nơi ông tập trung vào thương mại quốc tế.

"Cùng nhau, chúng ta sẽ đổi mới và cải thiện các đợt cắt giảm thuế kỷ lục của mình, đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có Thương mại công bằng với các quốc gia đã lợi dụng Mỹ trong quá khứ", ông Trump cho biết.

Trong diễn biến liên quan, các nhà kinh tế đã nêu lên mối lo ngại về khả năng chi phí tiêu dùng - mà ông Trump đã cam kết sẽ giảm trong quá trình vận động tranh cử - sẽ tăng do các đợt tăng thuế quan theo kế hoạch. Các quan chức Trung Quốc, Mexico và Canada đã chỉ trích cam kết áp thuế quan của ông Trump. Một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã cảnh báo: "Sẽ không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại hay chiến tranh thuế quan"

Theo giới quan sát, tổng thống đắc cử Mỹ coi thuế quan không chỉ là chính sách đơn thuần mà còn là một phương tiện được tính toán để đạt được đòn bẩy. Bằng cách đe dọa áp đặt, ông Trump đang báo hiệu mong muốn đàm phán - nhưng chỉ theo các điều khoản của ông.

Ban biên tập The Guardian nhận định, chiến thuật thương mại của ông Trump đã định hình lại mối quan hệ với Mexico và Canada, tạo tiền đề cho đợt xem xét lại thỏa thuận năm 2019 mà ông đã đạt được với hai quốc gia láng giềng của Mỹ vào năm 2026. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông đã chững lại với Trung Quốc. Mặc dù chính quyền Trump 1.0 đã áp đặt mức thuế quan 112 tỷ USD và đe dọa sẽ áp thêm 500 tỷ USD, Bắc Kinh đã đàm phán một thỏa thuận thương mại năm 2020 nhưng sau đại dịch, đã không thực hiện được các cam kết, khiến ông Biden phải tiếp tục cuộc đối đầu.

Sự suy thoái của toàn cầu hóa đã bắt đầu từ lâu trước khi ông Trump đến với Nhà Trắng cùng với các chính sách bảo hộ. Sự thoái lui khỏi toàn cầu hóa có thể sẽ tiếp diễn, được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị, tái cấu trúc chuỗi cung ứng sau đại dịch và nhu cầu ngày càng tăng về thương mại công bằng.

Mặt khác, các chính sách của ông Trump sẽ khiến các nền kinh tế thêm phần lo ngại. Sự nghi ngờ của ông về các thỏa thuận đôi bên cùng có lợi sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới gặp khó khăn hơn trong việc cân bằng lợi ích quốc gia với nhu cầu hợp tác toàn cầu.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/he-lo-nhan-vat-se-giup-ong-trump-ap-thue-khung.html