Hé lộ những ảnh hưởng không ngờ tới sức khỏe do ăn nhanh hay chậm

Tại sao có một số người mất hàng tiếng đồng hồ để nhai thức ăn, trong khi lại có những người dùng bữa xong trong chớp mắt? Liệu thói quen ăn uống có gây ra những vấn đề gì về sức khỏe hay không?

Ăn nhanh hay chậm có gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe. (Nguồn: CNA)

Ăn nhanh hay chậm có gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe. (Nguồn: CNA)

Nếu đã từng dùng bữa cùng với một người ăn chậm, có lẽ bạn đã phải trải qua cảm giác chịu đựng, bởi sự chênh lệch về tốc độ ăn. Việc phải chứng kiến những người ăn chậm hoàn thành bữa ăn của họ không khác gì lúc chúng ta chịu đựng những cảnh tra tấn trên phim.

Cái cách mà họ xúc từng thìa thức ăn bé xíu, chậm rãi đưa lên miệng rồi từ từ nhai trông chẳng khác gì động tác của một con rùa già. Thậm chí đến khi quán ăn chuẩn bị đóng cửa, có thể bạn vẫn đang còn ngồi lại "đồng hành" cùng "thần rùa" của mình.

Nhưng ở chiều ngược lại - trong con mắt của người ăn chậm - những người ăn nhanh thực sự rất có vấn đề. Họ thậm chí còn buông đũa trước cả khi bạn kịp ăn miếng đầu tiên.

Đồ ăn cứ như thể trôi tuột thẳng vào ruột của những kẻ "ham ăn tục uống" này mà họ thậm chí không cần phải nhai. Và hãy khẩn trương quên việc “cúng Face” với những món ăn được bày biện trước mặt bạn, vì những người ăn nhanh sẽ “xử” xong chúng ngay lập tức, trước khi bạn kịp rút điện thoại ra.

Vậy tại sao có một số người mất hàng tiếng đồng hồ để nhai thức ăn, trong khi lại có những người dùng bữa xong trong chớp mắt? Liệu thói quen ăn uống có gây ra những vấn đề gì về sức khỏe hay không? Một câu hỏi khác là liệu bạn có thể thay đổi tốc độ ăn uống của mình không?

Theo tiến sĩ Jessica Beh, một bác sĩ thuộc phòng khám DTAP@Robertson, những người ăn chậm thường sẽ mất hơn 30 phút để dùng xong bữa. Trong khi đó, những người ăn nhanh chỉ mất chưa đầy 20 phút. “Thời gian để một người trưởng thành ăn xong bữa sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố," cô chia sẻ với trang tin CNA. "Có thể là thói quen ăn uống cá nhân và phong tục tập quán. Thông thường, người trưởng thành sẽ mất 30 phút để ăn xong bữa chính và 20 phút cho bữa phụ”.

Tại sao lại có những người ăn rất chậm và ngược lại?

Nếu bạn là một người ăn chậm, nguyên nhân có thể là do những yếu tố gây xao nhãng xung quanh hoặc do vấn đề về răng miệng. Theo bác sĩ Jessica Beh, những người có xu hướng ăn trong khi làm những việc khác như nói chuyện, xem TV, đọc sách, làm việc có thể sẽ ăn chậm hơn, vì sự tập trung của họ bị chia ra nhiều hoạt động khác nhau chứ không chỉ mỗi ăn uống.

Bác sĩ cũng cho biết thêm rằng cơn đau do răng giả không vừa với miệng, hoặc các vấn đề về sức khỏe răng miệng khác cũng có thể khiến việc nhai thức ăn trở nên khó khăn và chậm chạp hơn. Tất nhiên, có nhiều người thích việc ăn chậm để có nhiều thời gian thưởng thức món ăn hơn.

Đối với những người ăn nhanh thì ngược lại. Cuộc sống hằng ngày của họ có lẽ quá bận rộn để có thể ngồi thưởng thức bữa ăn trong thời gian dài. Theo bác sĩ Jessica, đây là điều thường gặp với các cá nhân đang làm các công việc với yêu cầu cao, hoặc với các học sinh và các bậc phụ huynh chỉ có ít thời gian để ăn.

Cũng theo bác sĩ, các thói quen ăn uống nhanh hay chậm có thể được hình thành từ thuở nhỏ khi những đứa trẻ bị bố mẹ bắt ăn nhanh thay vì “cà dầm cà dề”.

Leslie Heinberg, một bác sĩ thuộc Khoa tâm thần và tâm lý học của Phòng khám Cleveland, đôi khi căng thẳng, lo âu hay những cảm xúc tiêu cực khác cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống. Việc ăn nhanh sẽ giúp những cảm giác tiêu cực này dịu đi hoặc đánh lạc hướng ta khỏi chúng.

Hoặc việc ăn nhanh chỉ đơn giản là vì một người đang rất đói. Theo bác sĩ Jessica, nếu ai đó có xu hướng chờ đến khi cực kỳ đói mới bắt đầu ăn, cơn đói sẽ dồn đến ngay lập tức khiến họ phải ngấu nghiến thức ăn để thỏa mãn.

Cô cho biết thêm rằng theo thời gian, thói quen ăn nhanh hay chậm của một người sẽ dần in hằn trong đầu, khiến những lần sau họ đều ăn với tốc độ tương tự.

Liệu sẽ có vấn đề sức khỏe nào xảy ra không?

Giữa những người ăn chậm và ăn nhanh, người ăn chậm dường như đang có lợi thế hơn về mặt sức khỏe.

Trong một nghiên cứu kiểm tra sự thay đổi trong cân nặng ở 529 người đàn ông trong 8 năm, những người có thói quen ăn nhanh tăng nhiều cân hơn gấp đôi so với những người ăn tốc độ chậm hoặc trung bình.

Một nghiên cứu khác trên hơn 4.000 người Nhật ở độ tuổi trung niên cho thấy những người ăn nhanh có xu hướng nặng hơn và tăng cân nhiều nhất kể từ lúc 20 tuổi - giai đoạn công việc bộn bề khiến họ có ít thời gian dùng bữa hơn.

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này có thể do vào thời điểm sau bữa ăn, hệ đường ruột của một người sẽ ức chế ghrelin, một loại hormone gây cảm giác đói. Đồng thời, nó còn tiết ra hormone tạo cảm giác no. Kết hợp với nhau, những hormone này sẽ báo cho não biết rằng một người đã ăn đủ. Thế nhưng quá trình "báo tin" phải đến 20 phút để bộ não của bạn tiếp nhận được thông điệp đầy đủ. Cơ chế này khiến người ăn nhanh luôn có xu hướng nạp số calo quá mức cần thiết, vì bộ não chưa kịp tiếp nhận thông tin rằng cơ thể đã no.

Nhưng cũng không vì thế mà tất cả chúng ta nên luyện tập để trở thành người ăn chậm. Jessica cho biết, ngoài việc bị bạn bè và đồng nghiệp không muốn ngồi cùng vào giờ ăn trưa, việc ăn quá chậm có thể dẫn đến tình trạng cơ thể nhận không đủ lượng thức ăn và khiến chế độ ăn không ổn định.

“Nhai lâu và ăn chậm cũng có thể khiến người ta nuốt phải nhiều không khí hơn sau mỗi miếng cho vào mồm, điều này sẽ dẫn đến tình trạng đầy hơi và chướng bụng”, cô cho biết.

Việc ăn quá nhanh cũng không phải là một ý hay vì khi ăn quá nhanh ta dễ nuốt chửng những miếng thức ăn lớn, khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn để tiêu hóa chúng. Về lâu dài, người ăn nhanh có thể mắc bệnh trào ngược dạ dày (GERD). “Việc nuốt một lượng lớn thức ăn nhanh chóng có thể khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản, dẫn đến tình trạng ợ chua và khó chịu” Jessica nói.

Ngoài ra, bạn sẽ không muốn mình bị nghẹn trong những bữa ăn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn không nhai và nuốt thức ăn đúng cách. “Không có một con số chính xác nào về số lần nhai cho một lần đưa thức ăn vào miệng. Nhưng nhai từ 20 đến 30 lần có thể là một con số khá ổn. Có thể bạn sẽ phải nhai đến 40 lần đối với những loại thức ăn dai hơn như các loại hạt và bò bít tết”, Jessica khuyến nghị./.

Điều cần làm để điều chỉnh tốc độ ăn

Theo bác sĩ Jessica, ta có thể thực hiện những việc sau để có một tốc độ ăn hợp lý hơn:

Để ăn nhanh hơn:

● Tập trung vào việc ăn và giảm thiểu sự xao nhãng như tránh làm nhiều việc trong lúc ăn.

● Ăn những miếng to hơn bằng cách cắt thức ăn theo những phần to hơn hoặc dùng những loại thìa lớn hơn.

● Đặt đồng hồ để theo dõi thời gian ăn của mình cũng như đặt mục tiêu hoàn thành bữa ăn trong vòng 30 phút.

● Tránh ăn đồ quá nóng. Hãy để chúng hạ nhiệt rồi mới bắt đầu ăn.

Để ăn chậm hơn:

● Hãy quan tâm nhiều hơn đến mùi vị, kết cấu và hương thơm từ đồ ăn.

● Đặt mục tiêu nhai từ 20 đến 30 lần trước khi nuốt. Điều này sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa cũng như giúp cơ thể biết khi nào ta đã no.

● Uống một ngụm nước sau vài lần nhai.

● Khi ăn chung bữa với người khác, hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện nhỏ, để tạo khoảng thời gian nghỉ trong khi ăn.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/he-lo-nhung-anh-huong-khong-ngo-toi-suc-khoe-do-an-nhanh-hay-cham-post964060.vnp