Hé lộ những hoạt động bí mật của Mỹ và Anh phía sau cuộc xung đột Ukraine
Một nhóm biệt kích Anh đã hộ tống các tướng lĩnh Ukraine rời khỏi Kiev đến phòng tác chiến, nơi các chỉ huy quân sự phương Tây lên kế hoạch đánh bại Nga.

Tàu quân sự CB90 của Hải quân Ukraine tuần tra trên Biển Đen ở Odessa, ngày 27/3. (Ảnh: AP)
Phòng tác chiến tại Đức
Hai vị tướng được nhóm lính có vũ trang đưa sang Ba Lan bằng hộ chiếu ngoại giao, ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, để tham gia chiến dịch liên quan đến CIA nhằm xoay chuyển tình thế và khiến lực lượng vũ trang Nga bẽ mặt.
Hai tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phòng tác chiến được thành lập ở Clay Kaserne, một căn cứ quân sự tại Wiesbaden, Đức. Đây là trụ sở của Quân đội Mỹ tại châu Âu và châu Phi.
Từ đó, Clay Kaserne trở thành nơi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trao đổi và phối hợp những nỗ lực chung nhằm hỗ trợ Ukraine chống lại Nga.
Chi tiết về chiến dịch này được tiết lộ ngày 30/3, sau cuộc điều tra của báo New York Times, đặt ra câu hỏi về mức độ tham gia sâu của Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Những thông tin về việc lập kế hoạch quân sự và chia sẻ thông tin tình báo của phương Tây trong những năm diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine vẫn xuất hiện rải rác, nhưng mọi người bên ngoài vẫn chưa hiểu nhiều về mức độ tham gia và phối hợp.
Theo kết quả cuộc điều tra dựa trên 300 cuộc phỏng vấn với các nguồn tin quốc phòng, người Mỹ đã cung cấp một loạt vũ khí, thông tin tình báo, chiến lược và kế hoạch, trong khi một vị tướng Anh quản lý trung tâm hậu cần từ Clay Kaserne.
Anh đã bố trí các nhóm sĩ quan nhỏ ở Ukraine, giúp những nhà hoạch định quân sự Anh có được lợi thế đáng kể. Các nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khi đó đã ra lệnh sa thải Thiếu tướng Andrii Kovalchuk của Ukraine vì không tấn công khi lực lượng Nga đang bị dồn vào thế khó gần Kherson.
Chỉ huy chiến trường Ukraine được nói là đã do dự vì không muốn tấn công những người lính Nga đang thiếu lương thực và đạn dược ở bờ tây sông Dnipro. Ông Wallace được kể là đã hỏi những người đồng cấp Mỹ rằng họ sẽ làm gì nếu cấp dưới từ chối hành động theo chỉ thị.
Christopher T Donahue, một vị tướng Mỹ, trả lời sẽ sa thải ông ta. "Tôi hiểu rồi", ông Wallace nói, sau đó yêu cầu sa thải vị chỉ huy. Tướng Donahue là người đầu tiên đề xuất thiết lập nhóm phối hợp tại căn cứ của Mỹ tại Đức vào mùa xuân năm 2022.
Ông Wallace phủ nhận thông tin này, khẳng định "không bao giờ yêu cầu thay thế bất kỳ vị tướng nào”.

Trung tướng Christopher T. Donahue (đứng giữa, không đội mũ) ở Afghanistan, năm 2020. (Ảnh: NYT)
Theo cuộc điều tra của New York Times, khi các nhóm quân sự Anh đang hỗ trợ ở Ukraine, chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã rút tất cả "lực lượng trên bộ" vào đêm trước khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt và đóng cửa đại sứ quán. Nhưng một nhóm sĩ quan CIA được phép ở lại.
Trong khi đó tại Wiesbaden, các sĩ quan CIA khác tham gia lập kế hoạch và hỗ trợ chiến dịch chia sẻ thông tin tình báo dẫn đến các cuộc tấn công chính xác nhằm vào nhiều mục tiêu quan trọng của Nga.
Cuộc điều tra cho thấy Mỹ và Anh đã có những tính toán địa - chính trị phức tạp để tránh tham gia quá sâu vào cuộc xung đột, khiến Nga phải động đến vũ khí hạt nhân hoặc xung đột sẽ lan rộng ra nơi khác.
Mối quan hệ giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây trải qua những thăng trầm đáng kể do mục tiêu chiến lược khác nhau.
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, phương Tây chủ yếu hỗ trợ Ukraine vũ khí. Đến giữa năm 2024, các sĩ quan Mỹ và Anh đã giám sát mọi khía cạnh của từng cuộc tấn công vào bán đảo Crimea, từ xác định tọa độ mục tiêu đến tính toán đường bay của tên lửa.
Chiến dịch Mưa đá Mặt trăng
Kế hoạch mang mật danh Mưa đá Mặt trăng được cho là do người Mỹ đề xuất với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky, bao gồm chiến dịch ném bom ồ ạt để buộc người Nga phải rút các phương tiện quân sự ở bán đảo Crimea về nước, tạo nên chiến thắng chiến lược cho Kiev.
Chính quyền Anh cũng đã làm việc với Ukraine để vạch ra kế hoạch Mưa đá Mặt trăng, bao gồm phá hủy cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga - công trình được Mátxcơva coi là biểu tượng cho mối liên kết giữa bán đảo với đất mẹ Nga. Trước đó, cây cầu là lằn ranh đỏ với người Mỹ.
Ukraine coi Crimea là lãnh thổ của họ, dù Nga đã sáp nhập bán đảo này từ năm 2014. Phương Tây trước đó lo ngại việc tấn công vào cây cầu mang tính biểu tượng sẽ bị coi là tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga, có thể khiến Mátxcơva phản công vào các lợi ích của Mỹ.
Đó là một trong nhiều ví dụ được dẫn ra trong bài viết của New York Times để cho thấy Mỹ và Anh đã thay đổi ranh giới đỏ nhiều lần, nghĩa là chấp nhận rủi ro ngày càng cao hơn.
Mối quan hệ giữa Ukraine và các đồng minh phương Tây đôi khi căng thẳng. Kiev nhiều lần yêu cầu cung cấp thêm vũ khí và trang thiết bị, trong khi người Mỹ cho rằng một số yêu cầu là vô lý.
Một số người Mỹ cũng cho rằng Ukraine không làm đủ để đưa tất cả đàn ông khỏe mạnh ra chiến trường, dù Kiev đã hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự xuống còn 25. Theo bài báo, điều này đã trở thành vấn đề tranh cãi. Ông Zelensky phản bác lại Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khi đó, cho rằng việc bổ sung người sẽ không hữu ích vì không có đủ vũ khí để trang bị cho họ.
Cuộc điều tra cũng mô tả sự thất vọng của Mỹ đối với việc Ukraine không trao đổi thông tin đầy đủ. Tháng 4/2022, trong những tuần trước cuộc họp quan trọng tại Đức giữa các sĩ quan Ukraine và Mỹ, người Mỹ chia sẻ về tàu tuần dương tên lửa Moskva, con tàu chủ lực của Hạm đội Biển Đen của Nga, trong một cuộc họp trực tuyến thường lệ.
Từ phát hiện này, Ukraine có thể đánh chìm con tàu. Vụ tấn công này chứng minh năng lực quân sự đáng kể của Ukraine và mang lại chiến thắng đáng kể cho Kiev, nhưng Mỹ đã tức giận vì họ không được thông báo trước, cũng như không có ý định cho phép Kiev tấn công con tàu Nga dữ dội như vậy.

Ukraine tấn công chiến hạm Nga nhờ thông tin tình báo Mỹ cung cấp
Tháng 3/2024, Mỹ phát hiện ra rằng cơ quan tình báo quân sự Ukraine đang tự lên kế hoạch triển khai chiến dịch trên bộ ở vào vùng tây nam nước Nga mà không có sự cho phép của Washington. Khi Mỹ phát hiện ra, họ đã cảnh báo Ukraine rằng chiến dịch đó không thể diễn ra mà không có sự hỗ trợ của họ.
"Chúng tôi là đồng minh, nhưng chúng tôi có những mục tiêu khác nhau. Chúng tôi bảo vệ đất nước của mình, còn Mỹ bảo vệ nỗi sợ hãi ma quái của họ về Chiến tranh Lạnh”, Trung tướng Valeriy Kondratiuk, cựu chỉ huy tình báo quân sự Ukraine, nói với New York Times.