Hé lộ những phát hiện riêng tư về giới tinh hoa quân sự Singapore
Cuốn sách 'Aristocracy of Armed Talent' mang đến cho độc giả góc nhìn tiệm cận vào giới tinh hoa quân sự Singapore.
Cuốn sách Aristocracy of Armed Talent, ra mắt tháng 10 năm nay, của tác giả Samuel Ling Wei Chan là một công trình nghiên cứu xã hội học công phu về giới tinh hoa quân sự Singapore. Theo định nghĩa của tác giả, tầng lớp tinh hoa này là các sĩ quan trong lực lượng vũ trang Singapore, có thể phục vụ trong lục quân, hải quân hay không quân, mà trên quân phục của họ có từ 1 sao trở lên.
Cuốn sách là sự kết hợp tài tình của quá trình phân tích dữ liệu và những câu chuyện mang tính giai thoại. Ling Wei Chan, một trợ giảng tại Đại học New South Wales ở Canberra, đã dựa vào tiểu sử, tự truyện của một số nhà cựu lãnh đạo quân sự Singapore; dữ liệu từ các nghiên cứu xã hội học và nội dung trong các cuộc phỏng vấn 28 sĩ quan phục vụ trong các lực lượng vũ trang Singapore trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 2012. Bên cạnh những giá trị về khoa học chính trị và lịch sử, khía cạnh thú vị nhất của cuốn sách là phần trình bày quan điểm của các cựu sĩ quan cấp cao trong quân đội Singapore. Những chia sẻ gần gũi này sẽ giúp độc giả phần nào hiểu được động lực, tham vọng và lập trường của giới tinh hoa quân đội Singapore.
Singapore là một quốc gia tương đối mới, tuyên bố độc lập hoàn toàn vào năm 1965. Trong cuốn sách, tác giả đã xác định rõ “kiến trúc sư trưởng của các chính sách kinh tế, quốc phòng và giáo dục Singapore” chính là Tiến sĩ Goh Keng Swee - Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của nước này.
Ông Goh đã thúc đẩy “sự sáng tạo trong lực lượng quân đội của đất nước” và tìm ra “những (sĩ quan) giỏi nhất, có năng lực nhất và thành công nhất” để lãnh đạo quân đội Singapore.
Chia sẻ với tác giả, một viên tướng Singapore đã nhớ lại rằng Tiến sĩ Goh “sẵn sàng hướng dẫn cho bất cứ ai mà ông cảm thấy có tài năng” và ông cũng tập trung vào những người có tính cách và sự chính trực tuyệt vời.
Nỗ lực vượt lên khó khăn
Một trở ngại phải vượt qua khi lập nên đội ngũ dẫn dắt quân đội Singapore là vào thời điểm ban đầu, việc lập nghiệp trong quân đội không được coi là một “nghề danh giá”. Tuyển dụng nhân sự rất khó thực hiện. Tình trạng này đã khiến Singapore tiến hành thể chế hóa lực lượng quốc gia và đưa ra một chương trình học bổng nhằm thu hút thanh niên trẻ tài năng phát triển sự nghiệp trong lực lượng vũ trang. Những “sĩ quan nhận học bổng” được chính phủ Singapore đánh giá cao và là đội ngũ hạt nhân đầu tiên hình thành nên tầng lớp tinh hoa quân sự của đảo quốc này. Theo Ling Wei Chan, cơ hội việc làm, tiền lương, ưu đãi về chăm sóc y tế, di chuyển bằng đường hàng không, đường biển và nâng cao được vị thế gia đình là những động lực quan trọng để các thế hệ tiếp lựa chọn theo đuổi sự nghiệp quân sự.
Đề cập đến quá trình thăng tiến trong quân đội của Singapore, tác giả nêu ra một số yêu cầu được áp dụng đối với các ứng viên như thể hiện được “sự sáng tạo, thận trọng, có kỹ năng chính trị, và ở đúng vị trí khi có cơ hội”. Theo tác giả, bên cạnh các tiêu chuẩn cơ bản như năng lực làm việc và khả năng phát triển, các yếu tố như sự thiên vị hay chủ nghĩa thân hữu cũng đóng một vai trò trong quá trình này. Một số sĩ quan được phỏng vấn đã chỉ trích quan điểm bổ nhiệm dựa nhiều vào kiến thức chuyên môn thay vì kinh nghiệm làm việc. Một sĩ quan đã chia sẻ: “Những người được học nhiều đều thông minh, nhưng công việc đâu chỉ đơn thuần là thông minh về học thuật? Câu hỏi đặt ra là liệu họ có giỏi về lãnh đạo và chỉ huy?”.
Các phát hiện của tác giả về giới tinh hoa quân sự ở Singapore cũng có nhiều điểm giống với giới tinh hoa quân sự ở các quốc gia khác. Singapore là một quốc gia nhỏ nằm tại eo biển Malacca - một trong những vị trí chiến lược quan trọng nhất trên thế giới. Những thành tựu kinh tế đáng chú ý của Singapore đã được thực hiện không chỉ bằng cách thực hiện các chính sách kinh tế hợp lý mà còn bởi sự ổn định chính trị được hỗ trợ bởi một nền tảng quốc phòng mạnh mẽ.
Dù vậy, tác giả cũng nhận thấy một số nguy cơ tiềm tàng đối với nguồn nhân lực cho quân đội Singapore như tỷ lệ sinh thấp, lượng người béo phì gia tăng, con người quan tâm tới chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa cá nhân hay quan điểm tự mãn rằng hòa bình có thể đạt được mà không cần nỗ lực. Tác giả Ling Wei Chan viết: “Liệu tầng lớp tinh hoa trong tương lai có duy trì được động lực, sự gắn kết, niềm đam mê và niềm tin như những thế hệ đi trước hay không còn là điều khó đoán”.