Hé lộ số người tham gia bỏ phiếu sáp nhập Nga tại các vùng ly khai của Ukraine
Sau 2 ngày, hơn 858.000 người đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk (DPR) sáp nhập Nga, đạt tỷ lệ 55,05%. Ngoài ra, còn có hơn 235.000 cư dân Donetsk bỏ phiếu từ xa.
Thông tin trên được đưa ra bởi ông Vladimir Vysotsky - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử DPR. Ông cho biết thêm rằng hiện chưa có sai sót nào được ghi nhận trong ngày thứ 2 của cuộc trưng cầu.
Ngày 24/9, bất chấp các cuộc pháo kích vào Donestk, số lượng người tham gia bỏ phiếu vẫn không bị ảnh hưởng. Cơ quan tình trạng khẩn cấp của DPR cho biết đã kiểm tra tất cả các cơ quan bầu cử địa phương và không tìm thấy bất cứ thiết bị nổ nào.
Alexander Kofman, người đứng đầu Văn phòng Dân sự DPR nói với các phóng viên rằng cuộc trưng cầu dân ý hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Tại Cộng hòa Nhân dân tự xưng Lugansk (LPR), hơn 624.000 người đã bỏ phiếu trong 2 ngày, đạt 45,86%, theo người đứng đầu Ủy ban Bầu cử LPR - Elena Kravchenko.
Bà Kravchenko khẳng định: “Quá trình bỏ phiếu không có sự cố, tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu khiến chúng tôi hài lòng. Tất cả các điểm bỏ phiếu đều làm việc đúng kế hoạch.”
Tại Zaporozhye, tỷ lệ người bỏ phiếu đạt 35,54%. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Zaporozhye - bà Galina Katyushchenko cho biết số người tham gia bỏ phiếu trong ngày thứ 2 cao không kém ngày đầu tiên.
Tại Kherson, tỷ lệ người dân tham gia bỏ phiếu đạt 31,79% sau 2 ngày. Đặc biệt, số người dân bỏ phiếu trong ngày thứ 2 cao hơn đáng kể ngày thứ nhất. Ủy ban bầu cử địa phương dự kiến lượng người bỏ phiếu trong những ngày tiếp theo sẽ tăng lên.
Bà Zakharova lưu ý rằng không có hành vi vi phạm hoặc khiêu khích nào được phát hiện trong ngày bỏ phiếu thứ 2. Cuộc trưng cầu ở khu vực này được giám sát bởi các quan sát viên từ Đức, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp.
Các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga đã bắt đầu tại Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk cũng như tại các khu vực Kherson và Zaporozhye của Ukraine lúc 8h ngày 23/9. Quá trình bỏ phiếu sẽ tiếp tục đến ngày 27/9. Vì lý do an ninh, người dân sẽ chủ yếu bỏ phiếu gần nhà hoặc được các tình nguyện viên đến tận nhà thu phiếu.
Một số nhà lãnh đạo và tổ chức phương Tây đã lên tiếng phản đối cuộc bỏ phiếu. Nhóm G7 coi các cuộc trưng cầu dân ý là "bất hợp pháp" và không dân chủ. Nhóm này tuyên bố không chấp nhận kết quả bỏ phiếu và cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Ukraine.