Hé lộ sức mạnh kinh hoàng của cơn sóng thần đã góp phần hủy diệt loài khủng long

Một nghiên cứu mới cho biết, tiểu hành tinh đâm vào Trái đất 66 triệu năm trước khiến kỷ nguyên thống trị của loài khủng long chấm dứt, đã gây ra một trận sóng thần với sức mạnh vượt qua mọi sự tưởng tượng của chúng ta.

Khi lao vào Trái đất, tiểu hành tinh đã tạo ra một trận sóng thần khổng lồ. Nguồn: Live Science

Khi lao vào Trái đất, tiểu hành tinh đã tạo ra một trận sóng thần khổng lồ. Nguồn: Live Science

Khoảng 3/4 số loài động thực vật trên Trái đất bị xóa sổ sau cú va chạm

Các nhà khoa học tới từ Mỹ đã phát hiện ra bằng chứng về trận sóng thần khổng lồ này, sau khi phân tích lõi đất đá từ hơn 100 địa điểm khác nhau trên khắp thế giới. Dựa vào thông tin thu được, họ tạo ra các mô hình kỹ thuật số của những con sóng khổng lồ, hình thành sau khi tiểu hành tinh va chạm với Trái đất tại khu vực Bán đảo Yucatán của Mexico ngày nay.

Molly Range, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu để phục vụ cho công trình tiến sĩ của mình tại Đại học Michigan, cho biết: "Trận sóng thần này đủ mạnh để làm xáo trộn và xói mòn trầm tích trong các lưu vực đại dương, cách điểm va chạm tới nửa vòng Trái đất".

Nghiên cứu về trận sóng thần, với chiều cao lên tới hơn 1km, trước đó đã được trình bày tại cuộc họp thường niên của Liên minh Địa vật lý Mỹ hồi năm 2019, vừa được xuất bản hôm 4/10 trên tạp chí khoa học AGU Advances.

Dựa trên những nghiên cứu trước đó, nhóm của Range đã lập mô hình va chạm giữa Trái đất và một tiểu hành tinh có chiều ngang khoảng 14 km, đang di chuyển với tốc độ tới 43.500 km/h.

Sau cú va chạm, vô số dạng sống trên Trái đất đã chết ngay lập tức. Gần như mọi loài khủng long đều tuyệt chủng. Chỉ còn các loài chim, cũng là một dạng khủng long sống, còn tồn tại đến ngày nay. Khoảng 3/4 số loài động thực vật trên Trái đất bị xóa sổ.

Các nhà khoa học biết rõ nhiều tác động nguy hiểm mà tiểu hành tinh mang tới khi va chạm. Chẳng hạn như nó đã gây ra những đám cháy dữ dội, thiêu sống nhiều loài động vật. Nhiệt lượng siêu cao cũng làm "bốc hơi" nhiều loại đá giàu lưu huỳnh, gây ra các trận mưa axit chết chóc và kéo dài thời gian Trái đất bị lạnh đi.

Bức tường nước cao tới 4,5 km

Các nhà khoa học thấy rằng năng lượng ban đầu trong trận sóng thần hình thành sau cú va chạm lớn hơn tới 30.000 lần so với năng lượng do trận động đất sóng thần xảy ra ở Ấn Độ Dương hồi tháng 12/ 2004 khiến hơn 230.000 người thiệt mạng.

Khi tiểu hành tinh va chạm với Trái đất, nó đã tạo ra một miệng núi lửa rộng 100 km và làm bắn lên bầu khí quyển một đám mây bụi, bồ hóng dày đặc. Chỉ 2,5 phút sau khi va chạm xảy ra, các vật chất bị dồn ép, nén vào nhau đã đẩy ra bên ngoài một bức tường nước khổng lồ. Trong một thời gian ngắn, bức tường nước này đã có chiều cao lên tới 4,5 km, trước khi đổ ụp xuống phía dưới.

10 phút sau thời điểm xảy ra va chạm, một đợt sóng thần có chiều cao 1,5 km hình thành, tại khu vực cách điểm xảy ra va chạm khoảng 220 km, tỏa ra mọi hướng. Một giờ sau cú va chạm, sóng thần rời Vịnh Mexico và tiến nhanh ra Bắc Đại Tây Dương.

Bốn giờ sau cú va chạm, sóng thần đã đi qua Đường biển Trung Mỹ - con đường ngăn cách Bắc Mỹ với Nam Mỹ vào thời điểm đó - và tiến vào Thái Bình Dương.

Một ngày sau cú va chạm, các con sóng thần đã đi qua hầu hết Thái Bình Dương và Đại Tây Dương và tiến vào Ấn Độ Dương từ cả hai hướng. 48 giờ sau cú va chạm, sóng thần cơ bản đã tràn qua phần lớn đường bờ biển trên toàn cầu.

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn//he-lo-suc-manh-kinh-hoang-cua-con-song-than-da-gop-phan-huy-diet-loai-khung-long-179221005111734896.htm