Hé lộ tính toán 'thiệt, hơn' trong tập trận chung Nga, Iran, Trung Quốc
Tại sao Nga, Iran và Trung Quốc lại lên kế hoạch tiến hành tập trận chung tại Ấn Độ Dương?
Trang Daily Beast nhận định, vùng biển xung quanh bán đảo Arab hiện trông khá yên bình, nhưng với các cuộc tập trận chung và hội nghị an ninh sắp tới, khó có thể phủ định những thay đổi cân bằng chiến lược đáng kể đang diễn ra trong khu vực – đặc biệt là sự xuất hiện của các yếu tố mới.
Hôm chủ nhật (20/10), một hội nghị an ninh hàng hải đã được tổ chức tại Manama, Bahrain. Đây là bước chuẩn bị cuối cùng cho tập trận hải dương quốc tế IMX 19 tại Vịnh Ba Tư với sự tham gia của hơn 20 quốc gia.
Cuộc tập trận là một sự kiện thường niên bắt đầu từ năm 2012 dưới thời chính quyền Mỹ Barack Obama, nhưng giờ đây lại mang một màu sắc khác sau khi các cơ sở lọc dầu tại Arab Saudi bị tấn công vào ngày 14/9. Trong khi lực lượng nổi dậy Houthis tại Yemen đứng ra nhận trách nhiệm thì Mỹ , Saudi và một số nước phương Tây lại cho rằng Iran mới là thủ phạm thực sự của vụ việc. Mặc dù Washington và Riyadh chấp nhận không trả đũa quân sự trực tiếp nhưng động thái tập trận chung vẫn mang ý nghĩa quan trọng. Trong chuyến công du tới Saudi hồi tháng 9, Phó Đô đốc Jim Malloy của Bộ Tư lệnh trung ương Hải quân Mỹ tuyên bố, việc Mỹ "tham gia và tác chiến chặt chẽ với các đối tác khu vực là cần thiết để duy trì đánh chặn".
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, khi chính sách của Mỹ tại Trung Đông tỏ ra đang đi chệch hướng, câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là bên bảo trợ an ninh cho khối lượng dầu mỏ, khí đốt được khai thác và vận chuyển đi từ khu vực? Có vẻ như, Nga đang muốn xuất hiện và đảm nhận một vai trò đó.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất là vào tháng trước, khi truyền thông Iran đưa tin về kế hoạch tham gia tập trận chung với Nga và Trung Quốc.
Thông tin trên được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố sẽ gửi quân tới Saudi nhằm hỗ trợ phòng thủ. Tuy nhiên, việc Iran tham gia tập trận không phải chỉ là một phản ứng đơn thuần và cũng không gây nhiều ngạc nhiên, ít nhất nếu nhìn vào mối quan hệ giữa Nga và Iran.
Cuối tháng 7, trang tin quân sự Jane's cho hay, người đứng đầu Hải quân Iran Hossein Khanzadi và đồng cấp Nga Nikolai Anatolevich Evenemov đã "kí kết một biên bản ghi nhớ chung" nhằm " mở rộng quan hệ song phương".
Đầu tháng này, Moscow xác nhận đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận chung với Trung Quốc và Iran tại Ấn Độ Dương. Phát biểu tại hội nghị CLB Valdai ở Sochi, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Chúng tôi, Trung Quốc và Iran đang chuẩn bị tập trận hải quân chống lại khủng bố và cướp biển tại một phần của Ấn Độ Dương".
Quy mô bị giới hạn phản ánh sự thận trọng của Trung Quốc. Trên tờ SCMP, các nhà phân tích chỉ ra, Bắc Kinh có lẽ sẽ chỉ gửi tới một vài tàu chiến từ đơn vị chống cướp biển vẫn đang hoạt động ngoài khơi Somalia trong nhiều năm nay. Rõ ràng, Trung Quốc không muốn bị vướng vào căng thẳng giữa Washington và Tehran.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích quân sự Song Zhongping, hạm đội tàu Trung Quốc ở bờ biển châu Phi đang muốn mở rộng tiếp cận tới bắc Ấn Độ Dương và Eo biển Hormuz – các vùng biển được đánh giá là "quan trọng đối với tuyến đường dầu mỏ của Trung Quốc tại Trung Đông".
Như vậy, một cuộc tập trận chung được lên kế hoạch có phải là một phần trong chiến lược "phòng thủ phủ đầu" đối phó với khả năng một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran? Mặc dù thông điệp đưa ra khá thận trọng, nhưng ngay cả việc thảo luận về tập trận chung cũng thể hiện sự ủng hộ cho Tehran, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Iran đang phải hứng chịu sức ép từ Mỹ.
Kế hoạch tập trận chung không đảm bảo Bắc Kinh và Moscow sẽ đứng về phía Tehran nếu Iran bị Mỹ hoặc Israel tấn công, nhưng ít nhất là khả năng đó có thể xảy ra. Iran muốn chứng tỏ họ bị cô lập về kinh tế nhưng không phải là chính trị hay quân sự. Còn Trung Quốc và Nga muốn thể hiện sự khăng khít khi đối mặt với các nguy cơ.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Chính trị Moscow Andrei Fedorov, thông báo của Ngoại trưởng Nga tại hội nghị CLB Valdai "xuất phát từ yêu cầu của Iran". "Tuy nhiên, Nga đang cố gắng không vội vã", ông Fedorov nói.
Hiện tại, chú ý của Tổng thống Vladimir Putin là tình hình Syria. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu Trung Quốc, Nga và Iran tiếp tục phát triển quan hệ nhằm bảo vệ lợi ích chiến của mình tại Ấn Độ Dương, họ sẽ hình thành một bộ ba quyền lực với Nga dẫn đầu.
Khái niệm an ninh tập thể tại Vịnh Ba tư được Moscow đưa ra hồi tháng 7. Theo đó, Nga đề xuất tổ chức một hội nghị quốc tế về an ninh và hợp tác tại Vịnh Ba Tư, sau đó là thành lập một tổ chức an ninh và hợp tác trong khu vực.
Trung Quốc tỏ ra hoan nghênh sáng kiến của Nga. "Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy hợp tác, phối hợp và liên lạc với tất cả các đối tác tham gia", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay.
Cả Nga và Trung Quốc đều là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hai nước cũng tiếp tục giao thương với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ, đồng thời dự định gia tăng hiện diện trong lĩnh vực năng lượng và hạ tầng cơ sở tại Cộng hòa Hồi giáo.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ ra, hồi tháng Bảy, Trung Quốc nhập khẩu hơn 900.000 tấn dầu thô từ Iran – tăng hơn 8% so với một tháng trước đó.
Bắc Kinh cũng coi Iran là một kết nối quan trọng trong Sáng kiến Vành đai, Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Trung Quốc và Iran đã thống nhất thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương từ năm 2016; và trong tháng 8, hai nước đã thảo luận về lộ trình của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif thăm Trung Quốc.
Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và Arab Saudi giờ cũng đã trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Bắc Kinh – chỉ sau Nga. Nhưng Bắc Kinh cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung bằng cách gia tăng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran.
Có thể nói, về phương diện nào đó, cuộc khủng hoảng tại Vịnh Ba tư – bắt nguồn từ quyết định của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp dụng lệnh trừng phạt lên Cộng hòa Hồi giáo, đã góp phần đẩy Iran, Trung Quốc và Nga xích tới gần nhau hơn trong vị thế đối tác chiến lược.