Hệ lụy 'bán lúa non'

Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch cà phê. Hiện giá cà phê nhân xô tại khu vực này ở mức cao kỷ lục, trung bình đạt 60.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chạm mốc 70.000 đồng/kg. Mức giá này được xem là cao nhất trong vòng 30 năm qua, khiến người trồng cà phê rất phấn khởi.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được mùa, được giá thì tình trạng người dân vội vã thu hoạch cà phê theo kiểu "bán lúa non", bất chấp tỷ lệ trái xanh trên cành còn nhiều, khiến chất lượng, sản lượng cũng như uy tín của sản phẩm cà phê bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tình trạng thu hoạch cà phê khi còn nhiều quả xanh đã diễn ra lâu nay. Nguyên nhân do thói quen của người dân thường "tuốt xô" cả cành khi thu hoạch nhằm tiết kiệm chi phí nhân công hoặc do cà phê được giá, người trồng muốn "ăn xổi". Năm nay, do giá cà phê tăng đột biến nên tình trạng này diễn ra phổ biến hơn.

Thu hoạch cà phê. Ảnh: TTXVN

Thu hoạch cà phê. Ảnh: TTXVN

Theo tính toán của một doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê tại tỉnh Lâm Đồng, khi thu hoạch, nếu quả xanh chiếm tỷ lệ 60% thì trọng lượng cà phê sau khi sơ chế, sấy khô sẽ giảm khoảng 20% so với 100% quả chín. Nếu quả xanh chiếm tỷ lệ khoảng 30% thì trọng lượng cà phê sau khi sơ chế, sấy khô sẽ giảm giảm khoảng 15% so với 100% quả chín. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 170.000ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 515.000 tấn. Nếu tỷ lệ trái xanh sau khi thu hoạch chiếm 30% thì mỗi năm tổng lượng cà phê toàn tỉnh hao hụt khoảng 77.000 tấn. Với giá trung bình khoảng 60.000 đồng/kg như hiện nay, người trồng cà phê toàn tỉnh thiệt hại khoảng 4.600 tỷ đồng.

Không chỉ hao hụt về sản lượng, việc thu hoạch cà phê xanh còn làm chất lượng cà phê bị giảm sút bởi trái cà phê khi chín mới đủ hàm lượng đường, cafein và các loại axit hữu cơ cần thiết, mang lại hương vị thơm ngon. Ngược lại, nếu tỷ lệ trái xanh lớn, cà phê dễ bị nấm mốc, hư hỏng, khó bảo quản, hương vị kém, mẫu mã xấu. Việc lạm dụng hái xanh còn ảnh hưởng tới chu kỳ sinh trưởng của cây, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, làm tăng chi phí chăm sóc, phân bón, nước tưới. Việc hám lợi trước mắt dẫn đến "bán lúa non" khiến người trồng cà phê phải hứng chịu những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu cà phê Việt Nam.

Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,72 triệu tấn, kim ngạch ước đạt hơn 4,2 tỷ USD. Đây là con số cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành cà phê. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt quy trình thu hái, bảo quản, chắc chắn giá trị cà phê Việt Nam sẽ tăng cao hơn nhiều so với hiện tại. Thậm chí, chủ một trang trại cà phê tại Lâm Đồng đã quả quyết cho rằng, sự khác biệt cơ bản giữa cà phê đặc sản, được bán với giá cao gấp nhiều lần so với cà phê thương mại hiện nay chỉ là do cách thu hái. Cà phê đặc sản thu hái những trái chín và cà phê thương mại thông thường là hái cả trái chín và trái xanh.

Để khắc phục tình trạng lợi bất cập hại trong thu hoạch cà phê, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất. Doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu kiên quyết nói không với sản phẩm kém chất lượng, thậm chí không bao tiêu, thu mua đối với sản phẩm cà phê không đạt tiêu chuẩn nhằm bảo vệ, nâng cao uy tín, chất lượng cà phê Việt và quyền lợi của chính người trồng cà phê.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/he-luy-ban-lua-non-752745