Hệ lụy khôn lường từ tình trạng bắt nạt học đường
Ngày 22/5, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức buổi Hội thảo cung cấp thông tin truyền thông với chủ đề bắt nạt học đường.
Thời gian gần đây, rất nhiều sự việc liên quan đến tình trạng bắt nạt học đường diễn ra với nhiều nguyên nhân khác nhau, thậm chí từ những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm lý, sức khỏe thể chất của trẻ. Điển hình như trường hợp một nữ sinh ở TP. Vinh, Nghệ An tự tử mới đây khiến dư luận dậy sóng.
Hay vừa mới xong, một sinh viên trường Đại học FPT đã sử dụng bạo lực học đường để giải quyết mâu thuẫn. Trước đó vài ngày Hà Nội dư luận cũng bất bình khi một nữ sinh lớp 8 ở Hoài Đức bị đánh hội đồng. Vậy có những loại bắt nạt học đường nào và ảnh hưởng đến trẻ ra sao?
BS. chuyên khoa II, Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bắt nạt học đường là việc sử dụng vũ lực, ép buộc, trêu chọc, đe dọa, lạm dụng được lặp đi, lặp lại của người mạnh mẽ hơn về thể chất hoặc quyền lực hơn về địa vị xã hội đối với những người yếu thế.
Cụ thể, BS. Hoàng Yến chỉ rõ các kiểu bắt nạt gồm có bằng lời nói, bằng thể chất, bằng quan hệ xã hội và bằng tình dục.
Với kiểu bắt nạt bằng lời nói, đây là loại thường gặp nhất. Đối tượng bắt nạt, sử dụng giọng nói hoặc một số hình thức ngôn ngữ cơ thể nhắm tới nạn nhân.
Ví dụ, như gọi tên, biệt danh, lan truyền tin đồi hoặc lời nói không đúng sự thật về nạn nhân. Ngoài ra, la hét, dùng ngôn từ thô lỗ, chế giễu hoặc cười nhạo đều được xếp vào hành vi bắt nạt bằng lời nói.
Bắt nạt thể chất: Hành vi đánh nhau, xô đẩy, phá hủy tài sản... thường xảy ra sau khi có các loại bắt nạt khác trước đó như bằng lời nói, đe dọa, trêu chọc. Hành vi dạng này có thể để lại hậu quả nặng nề về cả thể chất và tinh thần cho nạn nhân.
Bằng quan hệ xã hội: Đây là dạng sử dụng mối quan hệ với mục đích làm tổn hại danh tiếng hoặc vị thế xã hội của nạn nhân. Không giống hai loại trên, loại bắt nạt này không công khai và có thể kéo dài mà không bị chú ý.
Bắt nạt qua mạng: Biểu hiện bằng cách, đối tượng sử dụng công nghệ để quấy rối, đe dọa, làm nạn nhân xấu hổ. Hành vi này đang diễn ra ngày càng phổ biến thông qua các mạng xã hội và thường gặp ở học sinh trung học cơ sở hơn là học sinh tiểu học.
Bắt nạt tình dục: Đối tượng sử dụng hành vi hoặc lời nói tác động đến giới tính hoặc các vấn đề thuộc về giới tính của người khác. Ngoài ra, hành vi đụng chạm vào phần cơ thể nhạy cảm hoặc sử dụng ngôn ngữ xúc phạm về tình dục cũng được coi là bắt nạt tình dục.
Bắt nạt ảnh hưởng rất lớn đến thể chất, tinh thần của học sinh. Do vậy hành vi bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng, có tác động ngắn hạn và dài hạn đối với nạn nhân. Điều đáng nói, hành vi này sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề khác.
Theo đó, học sinh bị bắt nạt ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nạn nhân có thể bị ảnh hưởng ngay sau khi bị bắt nạt, điển hình là nhiều trẻ phải nhập viện sau những vụ bạo hành hay bạo lực học đường. Những trẻ bị bắt nạt thường có sức khỏe thể chất kém so với bạn đồng trang lứa.
Stress cấp tính và kéo dài. Việc lặp đi lặp lại của hành vi bắt nạt làm thay đổi sự đáp ứng với stress của nạn nhân. Đặc biệt, trong thời gian dài, hệ thống hormone đáp ứng stress suy giảm chức năng và dẫn đến phản ứng căng thẳng yếu đi, từ đó dẫn tới các vấn đề như rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…
Bên cạnh đó, trẻ còn gặp các vấn đề trầm cảm, lo âu. Theo BS. Hoàng Yên, một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ bị bắt nạt có sức khỏe kém so với những đứa trẻ không bị bắt nạt.
Trong đó, 6,4% không bị bắt nạt, 14,8% chỉ bị bắt nạt trong quá khứ, 23,9% chỉ bị bắt nạt trong hiện tại và gần một phần ba (30,2%) đã bị bắt nạt trong cả quá khứ và hiện tại.
Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng các vấn đề ở thanh thiếu niên bị bắt nạt có lòng tự trọng thấp, cảm thấy chán nản, lo lắng và cô đơn. Một số phân tích tổng hợp cho thấy cụ thể mối quan hệ giữa trầm cảm và bị bắt nạt ở trường.
Những cá nhân từng bị bắt nạt trên mạng cho biết mức độ trầm cảm và ý định tự tử cao hơn, cũng như gia tăng cảm xúc đau khổ, thái độ thù địch bên ngoài và hành vi phạm pháp, so với những người không bị bắt nạt.
Đặc biệt, hành vi này có thể làm tăng nguy cơ tự sát, nghiện chất cấm và giảm thành tích học tập của trẻ. Vì vậy, phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp trẻ vượt qua hành vi bắt nạt, đồng thời tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần và học tập của trẻ.
Tại Hội thảo, BS. Đỗ Thùy Dung Phòng, Phòng M4, Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ một trường hợp bị bắt nạt học đường mà cơ sở vừa tiếp nhận.
Theo lời kể của bệnh nhân và người nhà, bệnh nhân hiện đang sống cùng bố mẹ và em trai, trong gia đình, bệnh nhân thân thiết với em trai hơn những người khác, thỉnh thoảng bệnh nhân có mâu thuẫn với mẹ vì cho rằng mẹ không hiểu, không quan tâm.
Đối với bố mẹ bệnh nhân là cô con gái ngoan, hiểu chuyện, biết quan tâm, chia sẻ với bố mẹ, biết nhường nhịn em, biết suy nghĩ cho bố mẹ. Bệnh nhân it khi chia sẻ chuyện ở lớp với gia đình, không dẫn bạn bè về nhà chơi bao giờ, it đi chơi với bạn bè ngoài giờ học.
Khoảng 1 năm nay, bệnh nhân có căng thẳng với 1 nhóm bạn nữ trong lớp. Các bạn hay nói mỉa mai chê bai về ngoại hình, nói xấu bệnh nhân bảo bệnh nhân kiêu chảnh và khinh người, cho rằng bệnh nhân hay nhìn đểu.
Bạn nữ này thường hay đe dọa, xúc phạm, có lúc cầm vở tát vào mặt bệnh nhân trong lớp học vào giờ ra chơi. Thỉnh thoảng khi tan học nhóm bạn có chặn bên ngoài trường để gây căng thẳng, có lúc bị đánh. Bệnh nhân bị dọa nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ sẽ bị đánh nhiều hơn nên bệnh nhân không dám báo cáo.
Bệnh nhân đã có lần nói qua với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp (không nói cụ thể bị bắt nạt) nhưng mẹ bệnh nhân cho rằng là việc trẻ con, tuổi học trò nên bảo con tự giải quyết.
Tình trạng bắt nạt kéo dài khoảng gần 1 năm khiến bệnh nhân luôn lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút, bệnh nhân nghỉ học thường xuyên hơn, trở lên lầm lì và ít nói hơn, ăn uống kém, đêm ngủ chập chờn, bệnh nhân ít ra ngoài, mỗi khi đi học hoặc phải ra khỏi nhà thường đeo khẩu trang kín mặc áo dài màu đen đội mũ kín.
Khoảng 2 tuần trước khi vào viện bệnh nhân tự ý nghỉ hẳn học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc lóc, có suy nghĩ tiêu cực bi quan, không muốn sống, có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay để làm đỡ căng thẳng.
Mẹ bệnh nhân thấy con thay đổi so với trước đây, thấy con sa sút hơn nên có quan tâm, gặng hỏi bệnh nhân nhưng bệnh nhân không chia sẻ gì, chỉ trả lời gắt gỏng, nhát gừng có lúc không nói. Gia đình lo lắng nên đưa con đi khám và được nhập viện.
BS. Hoàng Yên cho biết, để giải quyết vấn đề bắt nạt học đường, trước hết cần xây dựng môi trường, nhà trường nói không với bắt nạt học đường;
Bên cạnh đó, giáo dục cho học sinh về việc tôn trọng quyền cá nhân, sức khỏe, nhân phẩm của người khác; tăng cường vai trò của giáo viên, nhân viên tâm lý và gia đình trong đánh giá và giải quyết các vấn đề về bắt nạt học đường.
Đồng thời, xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác liên ngành, cung cấp đường dây nóng... kết hợp nhiều biện pháp để giải quyết. Với những trường hợp bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý thì cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
Còn theo một số chuyên gia khác, để phòng chống bạo lực học đường, ở cấp độ cá nhân, mỗi học sinh cần tự học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết như giao tiếp, kiểm soát cảm xúc, quyết vấn đề, từ chối…
Các con cần chủ động tìm hiểu và hỏi thêm thầy cô, cha mẹ để biết cách phòng tránh trong những tình huống nguy hiểm có thể bất ngờ xảy đến. Ngoài ra, khi con gặp sự việc khó giải quyết thì hãy chia sẻ, tâm sự với người lớn, bạn bè xung quanh.
Ở cấp độ trường học, nhà trường cần lồng ghép nội dung giảng dạy phòng chống bạo lực học đường vào các hoạt động sinh hoạt tập thể để tuyên truyền, phổ biến đến học sinh về biểu hiện, hậu quả và cách ứng phó với bạo lực học đường.
Đồng thời, nhà trường có thể cung cấp các chỉ dẫn ứng phó trong tình huống bạo lực học đường cho học sinh bằng các áp phích, tranh, ảnh… dán ở nhiều nơi phù hợp, trong đó đặc biệt lưu ý làm nổi bật thông tin về "đường dây nóng" hỗ trợ học sinh bất cứ lúc nào có hiện tượng bạo lực hay bắt nạt xảy ra.
Mặt khác, nhà trường cần tổ chức nhiều chuyên đề nhằm giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ giáo viên, nhân viên trong nhà trường về phòng chống bạo lực học đường.
Vấn đề này chỉ có thể chấm dứt khi chúng ta có một tập thể sư phạm tốt và biết đặt lợi ích của học sinh làm tiêu chí hàng đầu trong sự phát triển của nhà trường.
Đối với cấp độ xã hội, các cấp quản lý cao hơn có thể cân nhắc về việc tăng cường tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cách phủ sóng các hình ảnh, video về hành động đẹp trong trường học, các việc làm tốt, các hình ảnh đẹp liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/he-luy-khon-luong-tu-tinh-trang-bat-nat-hoc-duong-d190296.html